Buồn vui nghề bác sĩ chữa bệnh tâm thần

25-11-2016 08:28 | Y tế
google news

SKĐS - Tôi sinh ra trong những năm cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Pháp, lớn lên trong hòa bình, được đi học nhưng đất nước còn khó khăn.

Tôi sinh ra trong những năm cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Pháp, lớn lên trong hòa bình, được đi học nhưng đất nước còn khó khăn. Những năm thập kỷ 60, đời sống người dân Việt Nam trong cảnh đói nghèo, cơm chưa đủ ăn, áo chưa đủ mặc. Rồi tiếp đến là cuộc chiến tranh phá hoại ác liệt của đế quốc Mỹ trên toàn miền Bắc làm đời sống càng khó khăn hơn.ThS.BS. Chu Văn Điểu

Tác giả phát biểu tại buổi tập huấn bệnh ở Hà Nam.

Hết cấp ba năm 1971, với kết quả khá, giỏi nên tôi được nhà trường xét cho mua chiếc xe đạp thiếu nhi Liên Xô để đi học vì nhà cách trường 10km và được xếp vào khối đi thi học đại học nước ngoài. Nhưng không hiểu lý do gì khi đưa hồ sơ tuyển sinh về xã, họ chỉ đồng ý cho thi đại học trong nước. Thời kỳ đó, chính quyền xã có quyền phán xét cao nhất. Vậy thế là tôi thi vào Trường đại học Y khoa Hà Nội. Năm 1971 là năm thứ 2 Bộ Đại học tổ chức thi đại học toàn miền Bắc. Kết quả thi khối B tôi được 23 điểm, trong khi điểm chuẩn vào trường là 17, thừa 6 điểm. Thời kỳ đó học sinh chỉ cần đạt 24 điểm là Bộ Đại học gọi đi học đại học nước ngoài. Rồi chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ngày càng ác liệt. Tất cả cho tiền tuyến, lệnh tổng động viên cả nước lên đường. Tôi chưa một ngày bước chân vào giảng đường đại học thì đã cùng trang lứa gác bút nghiên cầm súng lên đường. Sau 5 năm ở tuyến lửa Bình Trị Thiên, đất nước thống nhất, tôi được trở về Trường đại học Y Hà Nội học tập. 6 năm học tập vất vả, ước muốn trở thành bác sĩ ngoại khoa được cầm dao mổ chữa bệnh cứu người. Nhưng tôi đã hụt hẫng khi nhà trường phân vào chuyên khoa tâm thần. Thế rồi tôi được phân về Bệnh viện Tâm thần Trung ương công tác từ năm 1982. Tiếng là bệnh viện Trung ương nhưng nằm cách xa trung tâm Hà Nội hơn 20km. Cơ sở vật chất của bệnh viện khi đó còn rất nghèo nàn và sơ sài. Thời kỳ bao cấp, ngành y tế còn rất khó khăn và chuyên ngành tâm thần lại càng khó khăn hơn. 12 năm là bác sĩ trưởng khoa, quản lý 25 nhân viên với 40 giường bệnh nhưng lúc nào tại khoa cũng có 60-70 bệnh nhân. Bác sĩ cũng khổ và bệnh nhân còn khổ hơn. Điều trị những người bệnh tâm thần phân liệt không còn nhận thức, không tự giác vệ sinh cá nhân, ăn uống tranh giành nhau, sểnh một tý là họ trốn viện. Ban đêm trời rét, kíp trực chỉ có đèn bão và xe đạp, thậm chí đi bộ tìm bệnh nhân 10-15km là chuyện thường xuyên. Rồi đến năm 1994, tôi chuyển lên làm trưởng phòng chỉ đạo tuyến. Công việc là đi các tỉnh giúp họ về mặt chuyên môn, xây dựng mạng lưới khám chữa bệnh tâm thần, chuyển giao kỹ thuật điều tra, xây dựng mô hình điểm quản lý, điều trị người bệnh tâm thần tại cộng đồng. Công việc phải xa nhà liên tục, đi nhiều, biết nhiều nơi nhưng cũng vô cùng vất vả. Từ cực Bắc của Tổ quốc (Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La…) cho tới cực Nam (Phú Quốc-Kiên Giang, Cà Mau…) không nơi nào không có dấu chân tôi vài ba lần. Có lần đi điều tra xây dựng mô hình quản lý và điều trị bệnh nhân tâm thần tại một huyện miền núi của Bắc Kạn, một đồng nghiệp trong đoàn của tôi đã bị bệnh nhân tâm thần bất ngờ ném gạch vào trán khiến  máu chảy đầy mặt, phải khâu 6 mũi. Rồi đi điều tra có những bản ở Sơn La cách trung tâm xã hơn 20km, đường mòn mưa trơn bên vách núi, một bên là vực sâu, đi xe máy cũng rất khó và nguy hiểm, lúc trở về đến xã mới biết mình còn sống. Tuy thế, làm công tác ở cộng đồng cũng gặp những hình ảnh của người dân thật cảm động. Năm 2000, một lần đi điều tra xây dựng mô hình quản lý và điều trị người bệnh tâm thần ở xã Dương Tơ, huyện đảo Phú Quốc - đây là xã vùng đồi núi, dân cư thưa thớt, khi vào một gia đình, nghe tôi nói giọng Bắc thì một cụ già gần 80 tuổi ra ôm chầm lấy tôi và khóc. Gia đình cụ chỉ có một căn nhà nhỏ nằm ở ven đồi lợp mái tôn, đồ đạc đơn sơ. Cụ quê ở Hải Phòng, vào đây từ trước năm 1954. Do hoàn cảnh khó khăn nên chưa một lần gọi điện hoặc về thăm quê. Cụ có người con út gần 30 tuổi bị tâm thần đã hơn 10 năm chưa bao giờ được khám và điều trị. Cụ mừng lắm khi có bác sĩ tận Hà Nội vào khám và điều trị cho con mình. Hoàn cảnh thật thương cảm, nói chuyện với cụ mà thấy mắt mình cũng cay cay không kìm nổi xúc động. Còn bao chuyện với bao mảnh đời bất hạnh của người bệnh tâm thần trong suốt 31 năm mà tôi đã chứng kiến. Và cả những cực nhọc vất vả của nghề bác sĩ chữa bệnh tâm thần mà tôi đã trải nghiệm.


ThS.BS. Chu Văn Điểu
Ý kiến của bạn