Những phong bao lì xì mọi người dành tặng cho nhau thể hiện sự mong muốn hạnh phúc, cầu chúc bình an |
Năm nay chị Hoàng Lan Anh, ở quận Tây Hồ đã giao hẹn với cậu con trai 9 tuổi là toàn bộ số tiền mừng tuổi của con chị sẽ giữ hộ. Mặc dù không nói ra nhưng chị biết cậu bé không hài lòng. Và thế là ngay ngày đầu tiên của năm mới, giữa lúc khách khứa đang đến chúc Tết gia đình, cậu bé đã phản ứng bằng những lời nói vô lễ khiến chị chỉ còn nước chui xuống đất. Chị Lan Anh kể, sáng mùng 1 Tết được các cô chú trong gia đình mừng tuổi, con trai chị chưa nói lời cảm ơn đã ấm ức chỉ tay về phía mẹ hất hàm: “Cứ đưa luôn cho mẹ cháu, đằng nào thì cháu cũng chẳng được cầm tiền mừng tuổi”. Nghe xong câu nói của con, chị Lan Anh giận run người nhưng vẫn phải nhẹ nhàng giải thích: “Số tiền này mẹ chỉ giữ hộ thôi, con cần gì cứ nói với mẹ, nếu hợp lý mẹ con mình sẽ cùng đi mua...”. Vậy mà cậu bé vẫn tỏ thái độ giận dỗi, thậm chí còn chiến tranh lạnh với mẹ suốt mấy ngày Tết.
Giáo dục trẻ ý nghĩa của mừng tuổi đầu năm
Theo Tiến sỹ Trần Tuấn - Giám đốc Trung tâm đào tạo và phát triển cộng đồng thì việc ai quản lý tiền mừng tuổi, sử dụng nó ra sao khiến không ít vị phụ huynh đau đầu. Đối với trẻ đang ở độ tuổi tiểu học chúng đã bắt đầu biết đến “sức mạnh” của đồng tiền và hiểu rằng những thứ như quần áo đẹp, đồ chơi,… phải trả tiền mới có được. Trong khi đó, không phải các bé muốn gì cũng được cha mẹ đáp ứng nên trẻ hy vọng tiền mừng tuổi sẽ giúp chúng thỏa mãn những khát khao này. Vì thế, cách tốt nhất mà các bậc phụ huynh nên làm là bên cạnh việc quản lý tiền mừng tuổi cho trẻ, nên tôn trọng quyền sở hữu của chúng. Dù sợ trẻ hư, cha mẹ cũng không cần “cách ly” trẻ với tiền bạc, mà điều quan trọng là dạy cho trẻ phải “đối xử” với đồng tiền đó như thế nào.
Theo kinh nghiệm của chị Minh Phương, ở khu đô thị Việt Hưng, quận Long Biên thì ngay từ khi các con đặt câu hỏi ý nghĩa của tiền mừng tuổi chị Phương đã giải thích cặn kẽ nhưng với thái độ nghiêm khắc với các bé: “Vì các con còn nhỏ, nên mẹ sẽ giúp quản lý tiền mừng tuổi. Nếu các con cần mua gì, cứ nói với mẹ, nếu thấy hợp lý mẹ sẽ dùng số tiền này sử dụng theo nhu cầu của các con”. Vì vậy, năm nào cũng vậy, cứ sau Tết, các con chị Phương lại tổng kết số tiền mừng tuổi rồi đưa cho mẹ. “Sau mỗi lần mua một món đồ nào đó cho các con tôi đều thông báo với chúng giá tiền và không quên nhắc nhở những thứ đó được mua bằng tiền mừng tuổi. Sau đó, tôi sẽ cùng các con trừ dần xem tiền mừng tuổi của chúng còn bao nhiêu, như vậy bọn trẻ mới cảm thấy thoải mái...”, chị Phương chia sẻ. Cũng theo chị Phương, khi trẻ nhận thức những món đồ chúng mong muốn có được đều lấy từ tiền mừng tuổi thì tự dưng trẻ sẽ cân nhắc hơn khi sử dụng. Bởi, tâm lý chung trẻ sẽ rất lo lắng nếu số tiền này hết một cách nhanh chóng. Mặc dù không trực tiếp cầm tiền nhưng việc cùng cha mẹ quản lý và sử dụng số tiền đó sẽ giúp trẻ bắt đầu hiểu giá trị của đồng tiền, biết được tiền không từ trên trời rơi xuống, dù là tiền mừng tuổi.
Bên cạnh việc giúp con quản lý tiền mừng tuổi, nhiều phụ huynh chọn giải pháp mua lợn đất để con nhét tiền mừng tuổi của mình vào đó, cuối năm cả nhà cùng “mổ lợn” để mua sắm cho trẻ, hoặc dùng tiền đó cho chúng đi chơi. Thậm chí, một số phụ huynh còn lập sổ tiết kiệm cho các con, đợi đến khi số tiền đủ lớn, có thể sử dụng vào một việc gì đó, họ sẽ thông báo cho chúng như khoản tiền đó đủ để mua một chiếc xe đạp, một chiếc máy tính,...Sau đó trẻ có thể tự quyết định xem sẽ sử dụng số tiền đó vào việc gì cùng với sự hậu thuẫn của bố mẹ. Hay ý nghĩa hơn là dành một phần số tiền đó để giúp các bạn có hoàn cảnh khó khăn. Bởi theo nhiều bậc phụ huynh, điều này không chỉ giúp trẻ học cách quản lý tiền bạc, mà qua đó chúng còn hiểu thêm về giá trị của tình người, của sự sẻ chia. Chỉ có như vậy, tiền mừng tuổi đầu xuân mới mang ý nghĩa cầu chúc may mắn, bình an cho mọi người.