Bùi Thu Mai (Hưng Yên)
Rối loạn tiền đình là tình trạng thường gặp và ngày càng phổ biến. Người bị rối loạn tiền đình thường có các triệu chứng như: Cơ thể mất thăng bằng, choáng váng, đầu óc quay cuồng, cơ thể loạng choạng, đứng không vững; rối loạn thị giác (hoa mắt, chóng mặt, mất phương hướng); ù tai; buồn nôn, nôn; người mệt mỏi, thiếu tập trung... Mức độ bệnh có thể nhẹ nhưng cũng có khi nặng và nghiêm trọng, tùy từng người bệnh.
Có nhiều thuốc được sử dụng trong rối loạn tiền đình, trong đó có piracetam. Đây là thuốc có tác dụng cải thiện chuyển hóa tế bào thần kinh, có thể làm thay đổi sự dẫn truyền thần kinh và góp phần cải thiện môi trường chuyển hóa để các tế bào thần kinh hoạt động tốt. Trên thực nghiệm, piracetam có tác dụng bảo vệ chống lại những rối loạn chuyển hóa do thiếu máu cục bộ nhờ làm tăng đề kháng của não đối với tình trạng thiếu oxy. Do đó, với những bệnh nhân bị rối loạn tuần hoàn không còn lạ lẫm gì đối với loại thuốc này.
Tuy nhiên, khi dùng thuốc người bệnh có thể gặp một số bất lợi trên tiêu hóa khi dùng như: buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau bụng, trướng bụng... (như bác đã gặp), hoặc cảm thấy mệt mỏi hoặc bồn chồn, dễ bị kích động... khiến người dùng cảm thấy khó chịu. Đây là những tác dụng phụ không mong muốn của thuốc. Những bất lợi này có thể thoảng qua, xuất hiện khi mới dùng thuốc rồi hết, nhưng cũng có thể tồn tại lâu hơn.
Có thể nói, rối loạn tiền đình có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như đột quỵ, thiếu ôxy não... Vì vậy, người bệnh cần tích cực điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ. Khi gặp các bất lợi của thuốc, hoặc dùng thuốc mà bệnh không thấy tiến triển, người bệnh cần thông báo cho bác sĩ điều trị biết để theo dõi và xử lý thích hợp. Trong trường hợp gặp tác dụng phụ của thuốc nặng, hoặc bệnh không đỡ... bác sĩ sẽ phải thay thuốc khác phù hợp hơn.