Hà Nội

Buôn lậu nội tạng người - ngành công nghiệp tàn ác ở Nepal

13-01-2015 15:14 | Quốc tế
google news

SKĐS - Theo một báo cáo của tổ chức Tích hợp tài chính toàn cầu (GFI) thì hơn 7.000 quả thận đã bị khai thác bất hợp pháp mỗi năm và đạt doanh thu từ hoạt động buôn bán nội tạng khoảng 514 triệu USD đến 1 tỷ USD mỗi năm.

Nepal – nơi chế độ ăn uống nghèo nàn, các bệnh về nội tạng đang tăng nhanh và không có các hệ thống bảo hiểm y tế. Trên khắp các con phố ở thủ đô Kathmandu, nhìn đâu cũng thấy nhan nhản người đi ăn xin để kiếm tiền chạy thận. Và những kẻ buôn bán nội tạng trên thị trường chợ đen đang đói khát săn lùng thận của những người nghèo. Theo một báo cáo của tổ chức Tích hợp tài chính toàn cầu (GFI) thì hơn 7.000 quả thận đã bị khai thác bất hợp pháp mỗi năm và đạt doanh thu từ hoạt động buôn bán nội tạng khoảng 514 triệu USD đến 1 tỷ USD mỗi năm.

Mánh lới lừa đảo

Kavre, một huyện nhỏ nằm cạnh thủ đô Kathmandu – đây là nơi được coi là “thủ phủ” cho hoạt động buôn bán nội tạng của thị trường chợ đen ở Nepal. Ở đây, những mánh lới buôn lậu thận – đã được tổ chức tinh vi và tài trợ ngân sách đầy đủ để lôi kéo những nạn nhân nghèo khó và ít học phải cho đi một phần cơ thể của mình. Kavre gắn với danh tiếng Ngân hàng thận của Nepal. Các nhà hoạt động xã hội ở đây cho biết, trong vòng hơn 20 năm qua, người dân từ các làng bản ở Kavre – vốn là những nạn nhân cho thận – đã đổ bệnh và rơi vào tình cảnh tuyệt vọng phân tán trên khắp đất nước Nepal.

Trẻ em ăn xin nằm ngủ trên một góc phố Kathmandu

Nawaraj Pariyar là một trong số nhiều nạn nhân của những kẻ buôn bán thận phi pháp. Pariyar từng kiếm sống bằng nghề bán sữa bò và làm những công việc lao động theo mùa tại những trang trại gần đó. Túng bấn và thất học, tất cả tài sản mà anh có là 2 con bò, một ngôi nhà và thửa đất nhỏ. Pariyar đến thủ đô Kathmandu để tìm một công việc xây dựng. Người quản đốc công trường đã tiếp cận Pariyar với một lời đề nghị: nếu anh để cho các bác sĩ cắt đi “một khúc thịt” trong cơ thể thì anh sẽ nhận được 30 lakh (tương đương 30.000 USD). Nhưng Pariyar không hề biết “khúc thịt” đó chính là quả thận của anh. Pariyar đau khổ kể: “Tay quản đốc nói với tôi rằng miếng thịt sẽ mọc trở lại. Khi đó tôi nghĩ, “nếu miếng thịt đó mọc trở lại được và tôi sẽ có 30.000 USD thì tại sao lại bỏ qua cơ hội này nhỉ?” Trước khi đến cánh cửa đau đớn, Pariyar đã được cho ăn ngon, mặc đẹp và thậm chí còn được đi xem phim.

Rồi sau đó anh được hộ tống đến một bệnh viện ở Chennai, một bang ở miền Nam Ấn Độ. Những kẻ buôn bán thận đã tạo ra cho anh một cái tên giả và nói với bệnh viện rằng Pariyar là họ hàng của người được nhận thận. Pariyar chua xót kể: “Tại bệnh viện, vị bác sĩ hỏi bệnh nhân có phải là em gái của tôi không. Tôi đã nói y theo lời mách bảo của bọn buôn bán thận, rằng đúng rồi. Trong lúc đó tôi nghe thoang thoáng bọn họ thì thầm đến từ “thận”. Nhưng thật sự lúc đó trong tôi không mảy may hoài nghi gì. Kể từ đó, tôi không còn hiểu thứ tiếng địa phương của người Ấn, tôi không còn hiểu bất kỳ lời đàm thoại nào giữa kẻ buôn lậu và nhân viên bệnh viện nữa”. Kết thúc việc lấy “miếng thịt”, Pariyar đã ra viện, trở về nhà với số tiền 20.000 Rupi Nepal, chưa được 1% so với số tiền mà anh đã được hứa hẹn. Pariyar đã mất luôn số tiền còn lại, cũng như chẳng nhìn thấy lại những tay buôn thận gian giảo. Trở lại Nepal, Pariyar có một chút hoài nghi nên đã tìm đến hỏi bác sĩ, và đất trời đổ sụp khi biết mình đã vĩnh viễn mất đi quả thận. Pariyar giờ đây đang có vấn đề ở đường tiết niệu và tình hình tồi tệ thêm mỗi ngày và cũng không có tiền để điều trị bệnh. Hoàn cảnh của Pariyar là một trong rất nhiều câu chuyện tương tự ở Kavre.

Nếu hiểu về tình trạng kinh tế ở Kavre thì sẽ là chiếc chìa khóa để hiểu lý do tại sao nhiều người ở đây dễ dàng sập bẫy giăng sẵn của bọn buôn thận. Ngoài làm ruộng và chăn nuôi gia súc, dân cư ở đây không còn biết làm gì thêm. Chỉ cần mùa màng thất bát hay tiền viện phí nhiều cũng có thể đánh sập một gia đình. Lý do chính của vấn đề là sự nghèo đói và thiếu nhận thức do vậy bọn buôn bán thận rất dễ lừa đảo người dân.

Một nạn nhân bị lấy thận

Theo Diễn đàn bảo vệ quyền lợi nhân dân (FPPR), một tổ chức nhân quyền phi lợi nhuận đặt trụ sở ở Kathmandu, trong vòng 5 năm qua, hơn 300 người báo cáo rằng họ là nạn nhân của những kẻ buôn bán thận chỉ riêng tại huyện Kavre. Tuy vậy, một số nhà hoạt động quả quyết rằng con số nạn nhân thực sự hãy còn cao hơn thế. Ông Rajendra Ghimire, một luật sư nhân quyền và đồng thời là giám đốc của FPPR, tuyên bố: “Những kỳ thị xã hội và các mối đe dọa từ những kẻ buôn bán nội tạng khiến cho nạn nhân không dám tiết lộ bản thân họ”.

Kẽ hở từ Ấn Độ

Những kẻ buôn thận đã sử dụng sự ủy quyền tại tất cả các giai đoạn của quá trình. Kẻ tiếp cận với nạn nhân, kẻ tạo ra bộ hồ sơ giả mạo về người hiến thận, kẻ hộ tống “người hiến thận” đến bệnh viện. Tại Nepal cũng đã có một số bệnh viện thực hiện được các ca cấy ghép thận, tuy nhiên bệnh nhân lại muốn được hưởng các dịch vụ tốt hơn. Đó là lý do tại sao các bệnh nhân thích vượt biên giới sang Ấn Độ để cấy ghép thận - bác sĩ Rishi Kumar Kafle, giám đốc Trung tâm Thận quốc gia Nepal (NKC) cho biết. Nhưng các nhà hoạt động đã có những giải thích khác cho nhu cầu ghép thận của người Ấn. Ông Ghimire cho rằng: “Thật khó để kiểm tra chéo các hồ sơ ở bên kia biên giới, vì thế bọn buôn thận sẽ đưa người hiến thận sang Ấn Độ”. Trước khi tiến hành bất kỳ ca cấy ghép thận nào được thực hiện ở Ấn Độ, bệnh viện sẽ yêu cầu có giấy chứng nhận không phản đối (NOC). đây là một bức thư được soạn thảo bởi đích thân Đại sứ quán Nepal ở New Delhi nhằm xác nhận rằng người hiến thận là họ hàng của người nhận thận. Nhưng các bức ảnh về người nhận thận và họ hàng của họ, ai là người hiến thận hợp pháp, sẽ không được bao gồm trong lá thư NOC cho mãi đến gần đây.

Prem Bajgai, một tay trùm buôn bán thận phi pháp, đang ngồi “bóc lịch” bên trong xà lim ở Dhulikhel, Ne

Kể từ khi các bệnh viện Ấn Độ chấp thuận các hồ sơ chính thức phía Nepal, thì bất kỳ ai cũng có thể xuất hiện tại bệnh viện đó, chìa ra các giấy tờ giả mạo rằng họ là người có thận cần được tách đi. Các nhà hoạt động nói rằng đây chính là kẽ hở mà bọn buôn thận lậu đã lợi dụng trong suốt nhiều năm. Với khả năng dễ dàng tiếp cận các hồ sơ giả mạo, bọn buôn thận lậu có thể đánh sập cả hệ thống. Trong khi chính phủ Nepal cố gắng thắt chặt các chính sách, thì các sĩ quan cảnh sát Nepal đang cố gắng phá vỡ các nghiệp đoàn tội phạm. Năm ngoái 2014, nhà chức trách Nepal bắt giữ 10 người bị cáo buộc đã buôn lậu thận ở Kavre. Vụ án đang được xem xét tại tòa án. Phó thanh tra Dipendra Chand, người dẫn đầu cuộc điều tra của cảnh sát, khẳng định rằng dừng hoạt động buôn bán ngầm thì khó khăn hơn hết. Ông Dipendra Chan nói: “Nếu chúng ta đàn áp ở làng này thì bọn buôn thận sẽ chuyển sang địa bàn khác”. Ông Rajendra Ghimire nói rằng các nghiệp đoàn buôn lậu thận đã vượt xa khỏi huyện Kavre. Ông chỉ rõ: “Chúng tôi có những báo cáo rằng vấn đề này đã mở rộng phạm vi sang những huyện lân cận với Kavre”. Những câu chuyện về buôn bán thận đang là tiêu đề ăn khách trên báo chí quốc gia Nepal. Nhưng với các nạn nhân như Pariyar và những người khác thì đợi đến khi truyền thông vào cuộc thì đã quá trễ.

NGUYỄN THANH HẢI (CNN –1/2015)

 


Ý kiến của bạn