Buôn lậu cổ vật ngày càng tinh vi

10-07-2015 08:00 | Thời sự

SKĐS - Đồ cổ xuất xứ từ châu Âu, châu Phi… đang là một mặt hàng được nhiều người chơi đồ cổ ở Việt Nam săn lùng nên giá trị của các mặt hàng này đang được đẩy lên rất cao.

Đồ cổ xuất xứ từ châu Âu, châu Phi… đang là một mặt hàng được nhiều người chơi đồ cổ ở Việt Nam săn lùng nên giá trị của các mặt hàng này đang được đẩy lên rất cao. Chính vì vậy, thời gian gần đây, không ít đối tượng đã dùng mọi thủ đoạn để tuồn mặt hàng cấm này về Việt Nam.

Vì lợi nhuận bất chấp lệnh cấm

Ngày 8/7, tại cảng Nam Hải Đình Vũ, Hải Phòng, Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Bắc phối hợp cùng với Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan đã phát hiện một container hàng cấm, gần 100 chiếc xe đạp Peugeot, 200 chiếc đồng hồ cổ cùng hàng chục thùng thiết bị loa đài cổ và mỹ phẩm có nguồn gốc từ châu Âu đã bị thu giữ. Các đối tượng đã thu gom những mặt hàng này trong một thời gian dài, rồi tập kết hàng ở Pháp và vận chuyển về Việt Nam theo đường biển. Ban đầu, các mặt hàng được khai báo là những vật dụng cá nhân của lao động Việt Nam tại Pháp được chuyển về Việt Nam sau quá trình hoàn thành hợp đồng lao động. Để phát hiện được lô hàng này, cơ quan chức năng phải mật phục trong 2 tháng từ khi các đối tượng thu gom hàng tại Pháp.

Lực lượng chức năng đang tháo dỡ container đồ cổ nhập lậu tại cảng Nam Hải,Đình Vũ, Hải Phòng.

Liên quan đến việc vận chuyển mua bán đồ cổ từ châu Âu, trước đó tại địa bàn quận Hoàng Mai, TP.Hà Nội, Đội chống buôn lậu - Buôn bán hàng cấm (Công an TP.Hà Nội) phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 14 (Chi cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội) đã phát hiện một số người đang bốc dỡ hàng hóa gồm các loại đồng hồ, bình hoa, chân nến... từ chiếc xe taxi tải mang BKS: 30X-2589 ở trước ngôi nhà số 14, ngõ 19/2 đường Kim Đồng, thuộc phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai, Hà Nội có nhiều biểu hiện nghi vấn nên đã tiến hàng kiểm tra. Lực lượng chức năng phát hiện lô hàng trên bao gồm nhiều loại đồng hồ, đèn chùm, lọ hoa, chân nến, bình hoa... Các món hàng này đều có kiểu dáng cổ kính, sang trọng. Ước tính, lô hàng này có giá trị hàng tỷ đồng. Chủ sở hữu của lô hàng nghi là đồ cổ này là Nguyễn Đức Năng (SN 1976). Tại thời điểm kiểm tra, ông Năng không xuất trình được bất cứ giấy tờ nào chứng minh nguồn gốc xuất xứ các loại hàng hóa này. Bước đầu, ông Năng khai nhận, số hàng trên được nhập từ nước ngoài về, chủ yếu là ở Bỉ và Thái Lan. Được biết, các loại hàng hóa này khi về Việt Nam được ông Năng bán lẻ cho khách hàng. Các khách hàng của ông Năng thường là những người có tiền và đam mê đồ cổ. Lực lượng chức năng đã thu giữ toàn bộ lô hàng nói trên để phục vụ cho công tác điều tra nguồn gốc và xử lý đối với những người liên quan.

Cũng liên quan đến vận chuyển đồ cổ từ nước ngoài về Việt Nam. Mới đây, Chi cục Hải quan cửa khẩu Sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội) đã phát hiện và bắt giữ vụ vận chuyển trái phép số lượng lớn sản phẩm động vật nghi là ngà voi và sừng tê giác từ Pháp về sân bay Nội Bài. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện lô hàng trên có tổng trọng lượng là 65,42kg, gồm các sản phẩm động vật hoang dã nghi là sừng tê giác và ngà voi. Trong đó, có 18 khúc ngà động vật nghi là ngà voi (rất có thể là loại ngà voi cổ có nguồn gốc từ châu Phi) với tổng trọng lượng 60,56kg và 3 sừng động vật nghi là sừng tê giác có trọng lượng 4,86kg. Nếu lô hàng trên được vận chuyển trót lọt qua cửa khẩu hải quan và đem bán trên thị trường đen thì giá trị có thể lên đến hàng chục tỷ đồng. Theo luật, sừng tê giác và ngà voi được xác định là hàng hóa thuộc diện cấm nhập khẩu, nằm trong danh mục các loài  thuộc quản lý của công ước về buôn bán quốc tế các loại động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.

Cần nâng cao nhận thức người dân

Theo ông Nguyễn Hữu Toàn, Cục phó Cục Di sản (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch): Theo Luật Di sản văn hóa quy định, Nhà nước không cấm việc buôn bán cổ vật, nhưng nguồn gốc cổ vật ấy phải hợp pháp. Những cổ vật bất hợp pháp sẽ bị xử lý theo các luật như luật dân sự, luật tố tụng hình sự. Một điều quan trọng khác là làm sao nâng cao nhận thức của toàn xã hội. Ở nhiều nước trên thế giới, buôn bán tài sản văn hóa đã trở thành một ngành kinh doanh có lợi nhuận cao. Hơn nữa, việc sưu tầm đồ cổ còn là một cái thú và mốt của những người giàu có. Việc này khiến nạn buôn bán cổ vật trái phép ngày càng phát triển và khó kiểm soát.

Cũng theo ông Nguyễn Hữu Toàn, Luật Di sản văn hóa không cấm việc mua bán di vật, cổ vật nhưng phải xác định được nguồn gốc của di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia đó. Nếu nguồn gốc là trái phép thì việc đó cũng giống như các tài sản khác, việc buôn bán trên sẽ là bất hợp pháp. Còn nguồn gốc hợp pháp thì được mua bán. Tất nhiên trong việc lưu thông cổ vật này cũng có những điều kiện của nó. Nhà nước thông qua việc này để nắm được nguồn di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, thu thuế làm tăng ngân sách nhà nước, tạo lành mạnh cho thị trường và tránh tình trạng buôn bán chui.

Bên cạnh đó, Nhà nước tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân kinh doanh mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia. Việc kinh doanh phải tuân thủ các quy định Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế, Luật Di sản văn hóa... Đồng thời, nghiêm cấm mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia có nguồn gốc bất hợp pháp, mua bán để đưa ra nước ngoài.

Tiến Đà

 

 


Ý kiến của bạn