Vào thời điểm cận Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa tăng cao, cùng với lợi nhuận rất lớn nên tình trạng buôn hàng hóa Trung Quốc qua khu vực biên giới phía Lạng Sơn ngày càng nóng bỏng.Không chỉ buôn lậu hàng hóa tiêu dùng thông thường mà nhiều mặt hàng giả, hàng nhái cho tới những mặt hàng quốc cấm như: pháo nổ, tiền giả, ma túy, thực phẩm bẩn... đua chen...
Từ những nẻo đường mòn, lối tắt…
Trong những ngày cuối năm, tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn), tình trạng náo nhiệt diễn ra từ sáng sớm tới tận chiều tối khi hàng trăm chuyến xe tải hạng nặng nối đuôi nhau xuôi ngược để vận chuyển hàng hóa qua lại hai bên biên giới. Sau nhiều lần thuyết phục và một chút “bôi trơn”, một cửu vạn có dáng người mập, thấp mới đồng ý làm “gai” dẫn đường cho chúng tôi đi tìm hiểu hàng lậu tại khu vực đường mòn cánh gà xung quanh khu vực cửa khẩu. Mất chừng 20 phút lòng vòng qua vài dãy núi tới khu vực đường mòn Rọ Bon (Tân Thanh), ngay trước mắt chúng tôi là cả đoàn cửu vạn đang miệt mài gùi từng bao hàng nặng 50-60kg được bọc kỹ trong các bao tải xuống núi, phía dưới chân núi, một bãi hàng hóa các loại được vứt la liệt chờ xe tới vận chuyển. Một cửu vạn cho biết, công sá của mỗi chuyến hàng nhận bên chợ Pò Chài (Trung Quốc) chuyển về Việt Nam phụ thuộc vào mặt hàng được thuê vận chuyển qua biên giới, nếu là hàng tiêu dùng thông thường chỉ khoảng 50.000-60.000 đồng/1bao, còn hàng có giá trị hay hàng cấm sẽ thỏa thuận giữa người vận chuyển với đầu nậu. Không chỉ có vậy, không ít đầu nậu còn bắt cửu vạn phải đặt cọc. Vì thế, không ít cửu vạn thường chống trả rất quyết liệt mỗi khi bị lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ hàng vì nếu bị mất hàng, thu hàng sẽ không được trả công mà còn mất luôn tiền cọc.
Các lực lượng chức năng ở Lạng Sơn triệt phá một tụ điểm tập kết hàng lậu.
Tại chợ biên giới Lũng Vài (Trung Quốc), nơi đây thực sự là “thiên đường” hàng hóa với hàng trăm chủng loại khác nhau, từ hàng hiệu, hàng “fake”, cho tới hàng giả, hàng nhái, hàng cấm... loại nào cũng có, miễn là có tiền. Qua tìm hiểu, phần lớn hàng hóa ở Lũng Vài được chuyển từ thủ phủ Quảng Châu ra để tập kết tại đây, rồi được các chủ hàng người Việt chọn lựa, thuê cửu vạn vận chuyển vào nội địa. Tuy nhiên, để thu được nhiều lợi nhuận nhất và trốn thuế cũng như thoát khỏi sự kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng, phần lớn hàng hóa ở Lũng Vài được chuyển qua nhiều đường mòn, lối tắt trên biên giới. Theo Ban chỉ đạo 389 Lạng Sơn, với trên 235km đường biên, nếu như trước đây, Hang Dơi là điểm nóng về hàng lậu bị triệt phá thì trên tuyến biên giới tại Lạng Sơn lại xuất hiện thêm nhiều đường mòn, lối tắt để vận chuyển hàng lậu như: đường mòn Rọ Bon (Tân Thanh), gốc Bưởi, đồi 386 (Tân Mỹ, huyện Văn Lãng) cho tới các đường mòn lối tắt Khe Thớt, Cột Cờ, Thác Nước, Bà Đen thuộc thị trấn Đồng Đăng và Cửa khẩu hữu nghị. Khi lực lượng chức năng đấu tranh quyết liệt vào dịp giáp Tết thì các đối tượng buôn lậu lại tìm cách vận chuyển theo các đường vòng, đường tránh khác như: đường 474 (ở xã Tân Mỹ) và các đường mòn khác về thị trấn Đồng Đăng và xa hơn nữa là đường mòn lối mở thuộc huyện Lộc Bình.
Đến các chiêu trò đối phó
Với sự cảnh giới của các “chim lợn”, hàng lậu, hàng cấm sau khi được đội quân cửu vạn vận chuyển qua biên giới vào trong nội địa sẽ nhanh chóng được các phi đội “bay” sử dụng xe máy, ôtô du lịch vận chuyển tới nhiều tổng kho xung quanh thị trấn Đồng Đăng. Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại ngã ba Hữu Nghị - Tân Thanh, càng về khuya, số phương tiện chở hàng lậu từ các tổng kho ở khu vực thị trấn Đồng Đăng ra Quốc lộ 1A và quốc lộ 1B càng tấp nập. Xe nào xe đó cũng chất ngất những bao tải hàng nặng trĩu, phóng với tốc độ kinh hoàng nhằm trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng. Thậm chí, không ít đối tượng vận chuyển hàng lậu khi bị phát hiện, ngăn chặn còn sẵn sàng lao cả xe vào lực lượng chức năng. Một cán bộ hải quan ở Đồng Đăng cho biết, hàng lậu sau khi được tập kết ở Đồng Đăng và một số nhà dân gần biên giới, chờ đợi thời điểm thuận lợi sẽ được các chủ hàng thuê xe tải nhỏ chuyển về TP. Lạng Sơn và các tỉnh thành sâu trong nội địa, thậm chí hàng lậu còn được chuyển lên các chuyến tàu khách ở ga Đồng Đăng để chuyển về xuôi.
Theo Cục Hải quan Lạng Sơn, trong năm 2016, lực lượng hải quan tại các cửa khẩu Lạng Sơn đã phát hiện, bắt giữ và xử lý gần 400 vụ buôn lậu, gian lận thương mại với giá trị tang vật ước trên 20,6 tỉ đồng. Tuy nhiên, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới vẫn diễn ra phức tạp, nhất là những mặt hàng có thuế suất cao. Ông Trần Bằng Toàn - Chi Cục trưởng Hải quan cửa khẩu Hữu Nghị cho biết, các đối tượng buôn lậu không từ một thủ đoạn nào để đối phó với cơ quan chức năng, không chỉ lợi dụng đêm tối, đường mòn, lối tắt, giờ giao ca của lực lượng chức năng để chuyển hàng lậu qua biên giới mà nhiều đối tượng còn lợi dụng thuận lợi trong thủ tục hải quan điện tử để buôn hàng cấm, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ. Trong khi đó, Trung tá Ngô Tuấn Cường thẳng thắn, hàng lậu thường được các đầu nậu lợi dụng các quy định chưa chặt chẽ về hóa đơn chứng từ đối với hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường để làm hóa đơn hợp thức cho hàng lậu đưa sâu vào nội địa tiêu thụ nên việc đấu tranh gặp không ít khó khăn.