Bệnh nhân là em Ng. D. K. 15 tuổi, ngụ tại Hậu Giang, được chuyển từ Bệnh viện Nhi Đồng Cần Thơ. Khai thác bệnh sử, ghi nhận em buồn chuyện gia đinh, bất mãn nên uống thuốc trừ sâu nhãn HOPSAN 75 EC không rõ lượng. Theo lời kể của bệnh nhân, em đã đã uống khoảng 2 nắp. Sau uống em nôn ói liên tục nhiều đàm nhớt, khó thở, lơ mơ dần nên người nhà đưa vào một bệnh viện địa phương sơ cứu rồi chuyển Bệnh viện Nhi đồng Thành Phố.
Theo BSCK1. Nguyễn Cát Phương Vũ, Bệnh viện Nhi đồng Thành Phố, khi tiếp nhận các bác sĩ nhận thấy bệnh nhân có biểu hiện lơ mơ mê, tím tái, thở yếu, tăng tiết đàm nhớt, đồng tử 2 bên co nhỏ khoảng 1mm, các bác sĩ cấp cứu nghi ngờ trẻ bị ngộ độc thuốc trừ sâu rầy nhóm phospho hữu cơ. Ngay lập tức các bác sĩ xử trí cho thở máy, rửa dạ dày, uống than hoạt tính để hấp thu độc chất và điều trị thử thuốc giải độc atropine tiêm tĩnh mạch, thấy có đáp ứng với điều trị. Xét nghiệm định lượng men acetyl cholinesterase trong máu giảm còn 840 đv/L (bình thường từ 5000-11000 đv/L) khẳng định trẻ bị ngộ độc thuốc trừ sâu phospho hữu cơ. Bệnh nhi được tiếp tục điều trị atropine và truyền tĩnh mạch pralidoxime - là thuốc tăng cường phục hồi men acetyl cholinesterase – men này bị giảm do bị bất hoạt bới thuốc trừ sâu phospho hữu cơ đưa đến tình trạng ngộ độc.
Bằng sự quyết tâm của BS CK2 Lê Vũ Phượng Thy, Trưởng khoa HSTC-CĐ cùng các y bác sĩ, sau gần 1 tuần điều trị tình trạng bệnh nhi đã cải thiện, được cai máy thở, tỉnh táo, chức năng cải thiện, định lượng men ACE hồi phục khả quan. "Đây là trường hợp khẩn cấp nhờ kinh nghiệm thực tế, dựa vào biểu hiện lâm sàng, các y bác sĩ đã chẩn đoán và điều trị kịp thời cứu sống trẻ" BS Thy nhấn mạnh.
Bệnh nhi đã được các bác sĩ quyết tâm cứu sống sau khi uống thuốc sâu tự tử.
Được biết thuốc Hospan là thuốc trừ sâu hỗn hợp, phổ rộng, trừ được nhiều loài sâu chích hút và miệng nhai trên nhiều loại cây trồng. Lưu ý người dân khi sử dụng phải cất giữ thuốc nơi an toàn, xa tầm tay trẻ em, không để chung với thực phẩm, thức ăn của gia đình, gia súc...
..Nhìn những đứa trẻ nhỏ hơn mình cả chục tuổi, thoi thóp giành giật sự sống xung quanh mình, K. ân hận khóc mỗi giờ thăm bệnh...Em đã thực sự trưởng thành khi được sống lại một lần nữa. Cảm nhận được cái tình và sự quan tâm của mọi người dành cho mình, em hứa với chuyên gia tâm lý và các y bác sĩ điều trị khi về nhà sẽ chăm ngoan học giỏi, phụ giúp cha mẹ nhiều hơn, không bốc đồng và yêu bản thân nhiều hơn, em K. chia sẻ sau cơn bệnh thập tử nhất sinh.
BS Vũ chia sẻ, cha mẹ và người thân là phòng tuyến cuối cùng của con trẻ. Đã từng có những người trẻ đứng trên bờ vực của sự bế tắc, muốn giải thoát bằng cách tự chấm dứt cuộc sống, nhưng rồi họ lùi bước, vì nhớ đến gia đình .
Thay lời bệnh nhi 15 tuổi vừa được cứu sống ấy, xin gửi đến bậc cha mẹ, hãy bao dung hơn cho những trái tim non dại, và nên nhớ từng có câu nói: "Sau khi trưởng thành, bố mẹ đợi con nói một tiếng cảm ơn, nhưng con trẻ lại mong nhận từ bố mẹ một lời xin lỗi". Đối với nhiều bậc sinh thành, những câu nói kia chỉ đơn giản là lời nói trong lúc không kiềm chế được tâm trạng, nhưng đối với những cô cậu thiếu niên đang trong độ tuổi nhạy cảm, chúng như những mũi dao dần khoét sâu những vết sẹo khó lành trong tận đáy tim con.... , BS Vũ nói.