Liên tục phát hiện nhiều tấn dược liệu không nguồn gốc
Mới đây nhất vào chiều ngày 23/4, tại địa bàn phường Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49) - Bộ Công an và Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội vừa phối hợp cùng tiến hành kiểm tra xe ôtô tải mang BKS 29C - 000.25 do lái xe Tô Văn Học điều khiển. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện xe tải đang vận chuyển khoảng 6 tấn rễ, vỏ cây nghi là nguyên, dược liệu để làm thuốc Bắc, lái xe Tô Văn Học không xuất trình được hóa đơn chứng từ hợp pháp liên quan tới số hàng trên. Qua đấu tranh, lực lượng chức năng đã xác định chủ lô hàng trên là Bùi Minh Đức (35 tuổi, trú tại thôn Pác Mạ, xã Yên Khoái, Lộc Bình, Lạng Sơn). Tại cơ quan chức năng, Đức khai nhận, 6 tấn dược liệu, nông sản gồm các loại rễ và vỏ cây này được Đức mua của một số người không quen biết với giá từ 5 - 6 ngàn đồng/kg với ý định đem xuống Hà Nội bán kiếm lời. Toàn bộ số hàng trên có xuất xứ từ Trung Quốc và khi mua bán không hề có hóa đơn, chứng từ. Hiện toàn bộ số hàng trên đang được lực lượng chức năng lập biên bản và tiến hành xử lý theo quy định.
Lực lượng liên ngành kiểm tra, thu giữ 6 tấn nguyên liệu để làm thuốc Bắc.
Trước đó, vào ngày 11/4, tổ công tác Đội Cảnh sát kinh tế Công an huyện Gia Lâm (Hà Nội) làm nhiệm vụ tại địa bàn xã Ninh Hiệp (Gia Lâm) đã bắt quả tang 1 xe tải mang BKS 29C-644.32 do Nguyễn Duy Thắng (SN 1983, trú ở thôn 2, xã Đình Xuyên, Gia Lâm) điều khiển. Trên xe có 14 mặt hàng dược liệu, tổng trọng lượng khoảng 5,3 tấn, trị giá hàng trăm triệu đồng. Một số loại dược liệu có bao bì ghi chữ Trung Quốc. Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra, tài xế đã không xuất trình đủ giấy tờ, hóa đơn hợp lệ liên quan đến số dược liệu trên.
Tác hại khôn lường
Nhiều bác sĩ Đông y khẳng định, dùng thuốc Đông y giả không những không chữa khỏi bệnh mà còn có thể thêm bệnh, tiền mất tật mang. Với những loại thuốc được tẩm ướp các chất bảo quản độc hại hoặc thêm các tạp chất khác để tăng trọng lượng thuốc thì tác hại nguy hiểm mà nó gây ra cho người sử dụng là khôn lường. Khi hàm lượng hoạt chất thấp thì người bệnh uống thuốc không đủ liều lượng, không khỏi bệnh. Còn dùng phải thuốc giả, thuốc có những độc tố có thể gây dị ứng. Lưu ý, dị ứng thuốc Đông y thường diễn ra muộn hơn (sau 10 - 20 ngày) so với thuốc Tây y nên người bệnh khó nhận biết, đồng thời tình trạng người bệnh cũng thường nặng hơn các loại thuốc khác, điều trị khó khăn hơn.
Theo lương y Nguyễn Văn Phong - Phó Chủ tịch Hội Đông y huyện Thanh Trì cho biết, có nhiều loại thuốc bị làm giả mạo như: hồng hoa, hà thủ ô đỏ, kim ngân, hoài sơn...; hoặc được bảo quản bằng chất độc như: lưu huỳnh, chì, kẽm, thủy ngân,... Quá trình sản xuất, sơ chế thuốc đều bằng phương pháp thủ công, trong khi nguyên liệu nhập từ Trung Quốc không rõ nguồn gốc nên người dân không thể phát hiện hàm lượng kim loại nặng, thuốc trừ sâu còn tồn dư trong thuốc. Ngoài ra, việc sơ chế thuốc thủ công sẽ tạo điều kiện để các hộ gia đình, cơ sở lạm dụng lưu huỳnh xông khô, bảo quản đông dược được lâu, điều này nguy hiểm vô cùng. Những trường hợp ngâm thuốc Đông dược để uống hoặc tán nhỏ để dùng sẽ dẫn tới hậu quả nghiêm trọng. Vì khi đó khói lưu huỳnh bám trên thuốc do dùng quá liều lượng sẽ trực tiếp đi vào cơ thể gây rối loạn tiêu hóa, ảnh hưởng tới hệ thần kinh cũng như các bộ phận khác trên cơ thể, thậm chí gây tử vong.
Cũng theo lương y Nguyễn Văn Phong, thông thường nguyên liệu Đông dược cần được đảm bảo đúng quy cách. Kiểm soát từ khâu thu mua, vận chuyển, bảo quản trong điều kiện độ ẩm và nhiệt độ ánh sáng đúng quy định để thuốc không bị hư hỏng, biến chất và mất chất lượng. Thường thuốc y học cổ truyền được bảo quản tốt chỉ có hạn dùng một năm. Thuốc Đông y giả, dùng hóa chất chế biến không đúng quy cách ngoài việc gây ra những tác hại khôn lường cho sức khỏe người sử dụng mà còn làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành y dược cổ truyền Việt Nam.