- Dạo này các trường đại học ngoài công lập mọc ra nhiều quá bác nhể! - Hai Phiếm bảo.
- Thật cảm động khi trong đề án xây dựng trường, các nhà sáng lập đều quyết tâm tất cả cho giáo dục, không lợi nhuận! Chả mấy chốc giáo dục nước ta vượt biển lớn cập được bờ khoa học đỉnh cao!
- Nhưng... nghe nói Trường đại học Hoa Sen ở TP.HCM, chính bà Hiệu trưởng phải ngao ngán thốt lên: “Con tàu mà tôi là thuyền trưởng đang tròng trành trong sóng gió dữ dội”.
- Sao vậy?
- Những người bỏ tiền ra đầu tư cho nhà trường đòi hỏi quyền lợi của họ. Những tố cáo, tranh cãi ỏm tỏi của các bên trong đại hội cổ đông cho thấy cũng chỉ là chuyện tiền nong. Trường kinh doanh sinh lãi thì tôi phải được chia lãi. Tinh thần giáo dục phi lợi nhuận không phải ai cũng lĩnh hội hoặc ủng hộ.
- Tưởng gì! Trường đại học tư thục Hùng Vương TP.HCM và một số trường đại học ngoài công lập khác cũng vậy thôi! Khi người ta góp vốn đầu tư phải nghĩ đến lợi ích, đến hồi vốn và có lãi lên trên hết chứ!
- Và khi các nhà đầu tư chiếm cổ phiếu nhiều sẽ chi phối được các chính sách và quyết định của nhà trường. Pháp luật bảo vệ quyền lợi của các cổ đông và giáo dục - đào tạo sẽ thành thứ để kinh doanh kiếm lời? Không biết các nước tiên tiến có các trường đại học tư thì thế nào nhỉ?
- Đại học tư của nhiều nước vừa làm ra lợi nhuận, vừa đào tạo đạt chất lượng cao khi họ sử dụng nguồn tài chính đó tái đầu tư, trả lương cao cho đội ngũ giảng dạy, nghiên cứu khoa học để đóng góp cho xã hội, mang uy danh về cho trường. Mục tiêu của các nhà đầu tư cao và xa hơn nên họ không chằm chặp đòi chia tiền,...
- Còn Việt Nam thì...?
Hai Phiếm nhăn nhó:
- Một khi trường đại học ngoài công lập ở Việt Nam hoạt động vì mục đích kiếm lợi nhuận nóng để các nhà đầu tư chia nhau thì giáo dục - đào tạo ở ta còn là tụt hậu!
Cả Nghĩ