Chỉ vài chục năm về trước, làng tôi vẫn còn thơ mộng lắm. Đi qua cổng làng trên một con đường lát gạch nghiêng màu đỏ là tới đình làng. Trong làng có chùa, có nhiều ao hồ, giếng nước, bờ tre, rặng râm bụt… Nhà nào cũng làm trên mảnh đất rộng. Nhà nằm ở giữa, xung quanh là vườn, nào táo, nào mít, nào cam, nào bưởi. Trong vườn có chuồng, nào lợn nào trâu, nào vịt, nào gà. Nhiều nhà trong làng là họ hàng với nhau, cũng có khi là người dưng nhưng sống với nhau lâu, đời này qua đời khác nên thân thiết chẳng kém gì ruột thịt. Từ hai mươi tháng Chạp cả làng rộn rã. Bà tôi gọi mẹ tôi ở ngoài Hà Nội về để cùng các thím tôi rửa lá dong gói bánh chưng, muối dưa hành, ninh thịt giò làm giò bò, giò lợn… Cả làng, nhà nào cũng làm như vậy. Không khí thật là náo nhiệt. Tôi theo mẹ về, trong cái rét mướt mưa bụi, chúng tôi hăm hở đi từ nhà này sang nhà khác, lúc thì mang thịt mới chia từ nhà ông bác về, lúc lại ra đồng cùng chú tôi trẩy bưởi. Mùi bưởi mới trẩy hăng hăng thơm thơm. Chiều đến những vệt khói mờ xanh bốc lên từ mái rạ, in vào hoàng hôn sao mà thơ đến thế. Tối đến, khi bà tôi đã dọn hàng, gian hàng tơ lụa ở chợ Bưởi về cũng là lúc cả nhà quây quần bên nồi bánh chưng và nồi thịt bò hầm tương. Bà tôi bảo “cả năm đã bóp mồm bóp miệng, vất vả lần hồi, cái gì cũng thiếu nhưng mấy ngày Tết cái gì cũng phải nhiều, cái gì cũng phải đủ”. Bà chìa ra bộ tam cúc mới, đây nhé, mấy ngày Tết cho các cháu chơi thả cửa, chơi vui vẻ để rồi cả năm sau lại chăm chỉ miệt mài cho bà. Ai ngoài phố thì lo công tác học hành, ai ở làng thì lo đồng áng. Nhà có mấy sào trồng cam trồng bưởi đấy, cố mà chăm.
Bà tôi giờ không còn nữa, cái khu vườn có ngôi nhà ba gian ở giữa cậu tôi đã phá đi xây lại thành ba tầng đổ mái bằng. Đất bán bớt đi, người mua cũng xây hai tầng đổ mái bằng, các vườn khác của nhà khác cũng tương tự như nhà chú tôi. Các bụi tre cũng thưa dần, giàn bầu bí không còn nữa, những cái giếng thơi của chung đã bị san lấp gần hết, những con đường gạch nghiêng thưa thớt vá víu nối với những con đường xi măng chạy khắp ngõ ngách của làng. Mùa hè nóng nực bí bách, mùa đông lạnh lẽo do cách xây và vật liệu xây chẳng đúng tiêu chuẩn. Nhất là thẩm mỹ, chẳng có đường nét kiến trúc gì hết, gần như giống nhau, đổ bê tông mái cho bền, cầu thang, vỉa hè hay nền nhà lát cùng một loại gạch men Trung Quốc, lâu ngày bợt men trông thật buồn tẻ. Nhà này với nhà khác không còn mấy cái tình xóm giềng mà xu hướng “đèn nhà ai nhà ấy rạng” ngày càng bao phủ. Ban đầu chúng tôi nhớ làng, nhớ cảnh xưa người cũ, nhớ bà ngoại, nhớ cậu nhớ dì mà về, sau vì sợ mẹ tôi buồn mà về, rồi mẹ tôi cũng không còn nữa, chúng tôi bận bịu nên dịp về thưa dần. Các anh chị tôi cũng bảo để giữ nguyên ký ức thơ mộng của làng tốt nhất là không về nữa.
Không về nhưng chúng tôi vẫn biết, cam Canh bưởi Diễn vẫn là thứ có giá ở thị trường, không chỉ ở trong thành phố mà khắp mọi miền. Còn gọi là đặc sản. Mấy sào bưởi của bà tôi giờ chỉ còn một phần ba. Cậu tôi bảo, đấy là cậu cố giữ chứ nếu không là hết. Đất vườn ngày càng trở nên quý hiếm và thế là người ta chuyển cam, bưởi ra trồng ngoài đồng để tăng thêm diện tích. Nhưng không biết có phải do quen đất vườn hàng trăm năm nay nên cam bưởi trồng ở ngoài ruộng, vẫn trên đất Diễn mà không được thơm ngọt như trước. Bưởi Diễn ngày xưa chỉ cần bày dăm quả trong nhà thì cả mấy ngày Tết cả nhà dịu tràn trong hương bưởi. Bưởi Diễn lúc mới trảy về da vàng bóng, để lâu da bưởi chùng xuống nhưng càng lâu thì ăn càng ngon. Tôm bưởi óng mượt, giòn và tách vỏ chứ không ướt rượt và dính như bưởi vùng khác.
Bây giờ, dân sành ăn ngoài thành phố trước Tết hàng tháng đã về làng đặt tiền ứng trước mua cả vườn bưởi. Người ta sợ lẫn với bưởi ngoài đồng. Bưởi trở thành món quà quý nhưng lại nhã để tặng người thân, để biếu người trên, để trao đổi trong những vụ kinh doanh thương mại. Một trái bưởi Diễn ngày bà tôi còn chỉ có giá 500đồng. Nhưng mua tại vườn hiện thời giữ giá 30.000đ- 35.000đ/ quả. Cam Canh 28.000đ/kg. Bưởi cam trồng ngoài ruộng giá rẻ hơn, có khi chỉ hơn chục ngàn một quả, nhưng ăn vào nhàn nhạt đăng đắng.
Tôi vẫn còn nhớ bà tôi bảo đất vườn làng là đất tổ của bưởi, (hồi ấy bà tôi chưa biết có bưởi Năm Roi, bưởi Hồng da xanh ở vùng Nam Bộ) đất trời cho trời giao cũng như rau sắng chùa Hương, vải thiều Thanh Hà, bánh đa ở Kế… mỗi nơi là mỗi đặc sản. Người vùng đặc sản phải biết chăm sóc công phu hoa quả rau cỏ mới ngon mới đẹp. Bà tôi còn bắt cậu tôi dùng đỗ tương bón bưởi. Đỗ tương ngâm từ tháng năm đến tháng tám cho hoai mục rồi thúc trực tiếp vào gốc. Cậu tôi thành thạo trong việc phân loại bưởi, đâu là quả mới bói, đâu là quả trẩy từ cây 6 tuổi. Bà tôi bắt cậu khi bán phải nói rõ, loại từ cây tí tuổi giá bán phải rẻ, loại từ 8 năm trở lên bán giá phải chăng. Nhưng bây giờ cậu tôi chỉ cười cười, thiên hạ có còn ai thật thà như thế. Cây càng nhiều tuổi bưởi càng ngon, nhưng đến khi cây già hơn hai mươi tuổi thì quả cọc và không ngon nữa, cần phải đốn chặt.
Đã lâu lắm năm nay tôi lại trở về làng, dù biết cậu tôi đã bán cả vườn bưởi cho thương lái lấy tiền cho cháu nội đi học. Tôi về để nói với cậu, đành rằng bây giờ thiên hạ chẳng mấy ai còn ngâm đậu tương để làm chất bón cho bưởi cho cam, đậu tương đắt lắm, cũng chẳng còn ai thật thà phân loại bưởi để bán giá rẻ, nhưng cuộc sống cũng không hoàn toàn đáng buồn như thế, nó đang vận hành về phía tử tế hơn, con đường lịch sử đang quay lại với những giá trị thực của nó cho dù còn chậm chạp. Tiền nào của nấy, thật thà là cha quỷ quái sẽ trở lại với đời, cậu nên là người đi đầu trong lộ trình. Cậu cười cười: Cảm ơn cháu, cậu cũng đang nghĩ như vậy. Năm nay cậu lại trồng bưởi và cam theo cách của bà.
Nhà văn Trần Thị Trường