1. Bưởi ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc như thế nào?
Khi uống thuốc, cơ thể có thể chuyển hóa và hấp thụ thuốc theo nhiều cách. Bưởi ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa này, có thể làm tăng hoặc giảm tác dụng của thuốc.
Khoảng 50% các loại thuốc được chuyển hóa bởi một loại enzyme CYP3A4, có nhiều nhất trong đường ruột và gan. Bưởi và nước ép bưởi có thể ngăn chặn enzyme này hoạt động, khiến thuốc lưu lại trong cơ thể lâu hơn mức cần thiết. Việc ngăn chặn CYP3A4 cũng khiến thuốc dễ dàng đi vào máu hơn, làm tăng nguy cơ gặp các tác dụng phụ nghiêm trọng.
Chất hóa học furanocoumarin được tìm thấy trong nhiều trái cây họ cam quýt (bưởi, cam, chanh) cũng được chuyển hóa bởi CYP3A4, ngăn chặn thuốc kết nối với enzyme. Bưởi cũng ảnh hưởng đến các protein vận chuyển thuốc vào tế bào để hấp thụ. Điều này dẫn đến lượng thuốc đi vào máu ít hơn và thuốc không có tác dụng tốt.
2. Các thuốc có thể tương tác với bưởi
- Statin là thuốc phổ biến để điều trị tăng cholesterol. Các statin được biết là tương tác với nước ép bưởi bao gồm simvastatin, atorvastatin và lovastatin.
Statin được chuyển hóa thông qua các enzyme CYP3A4. Uống statin với bưởi sẽ khiến nồng độ thuốc trong cơ thể cao hơn. Điều này có thể làm ảnh hưởng tới tác dụng của thuốc, tăng nguy cơ mắc các tác dụng phụ do statin gây ra, bao gồm tổn thương gan, đau cơ và suy nhược cơ và suy thận.
- Benzodiazepin (diazepam, midazolam và clonazepam) là thuốc an thần được dùng để điều trị nhiều tình trạng, bao gồm lo âu, co thắt cơ và co giật. Các nghiên cứu cho thấy, nước ép bưởi làm giảm lượng benzodiazepine được loại bỏ khỏi cơ thể và làm tăng lượng benzodiazepine còn lại trong máu, tăng nguy cơ tác dụng phụ, bao gồm mất ý thức, buồn ngủ, lú lẫn, tiêu chảy, đau đầu và run rẩy.
- Thuốc chẹn kênh canxi (nifedipine, amlodipine và diltiazem) là thuốc được sử dụng để điều trị tăng huyết áp và các bệnh tim khác. Uống bưởi có thể làm tăng nồng độ thuốc trong máu, làm tăng nguy cơ mắc các tác dụng phụ, bao gồm đau đầu, chóng mặt, huyết áp thấp và nhịp tim chậm.
Nghiên cho thấy, bưởi cũng có thể ảnh hưởng đến nồng độ thuốc bằng cách làm chậm tốc độ làm rỗng dạ dày.
- Cyclosporine là thuốc ức chế miễn dịch phổ biến được sử dụng để ngăn cơ thể đào thải các cơ quan cấy ghép. Bưởi ảnh hưởng đến cyclosporine bằng cách tăng lượng thuốc mà cơ thể hấp thụ và tăng nồng độ cyclosporine trong máu. Điều này cũng có thể làm tăng nguy cơ tác dụng phụ do cyclosporine gây ra, bao gồm tiêu chảy, rậm tóc, đau cơ hoặc khớp, bầm tím/chảy máu bất thường và co giật.
- Buspirone là một loại thuốc được sử dụng để điều trị chứng lo âu. Bưởi làm tăng lượng buspirone mà cơ thể hấp thụ và nồng độ trong máu. Do đó làm tăng nguy cơ gặp phải các tác dụng phụ của buspirone như buồn ngủ, chóng mặt, đau đầu, lú lẫn và kích động.
- Budesonide là corticosteroid được dùng để điều trị các tình trạng viêm như bệnh Crohn và viêm loét đại tràng. Ăn/uống nước bưởi có thể làm tăng nồng độ budesonide trong máu, từ đó có thể làm tăng nguy cơ tác dụng phụ, bao gồm đau dạ dày, nôn mửa, mệt mỏi, đau cơ và thay đổi tâm trạng.
- Estrogen là một loại hormone được sử dụng để thay thế mức estrogen và điều trị nhiều tình trạng liên quan đến mức estrogen thấp. Bưởi làm chậm tốc độ cơ thể phân hủy estrogen và tăng lượng estrogen hấp thụ. Điều này có thể làm tăng mức estrogen trong cơ thể, làm tăng nguy cơ tác dụng phụ như nôn mửa, tăng/giảm cân, lo lắng, mọc/rụng tóc, yếu và đau khớp.
- Amiodarone là thuốc kê đơn dùng để điều trị nhịp tim bất thường (loạn nhịp tim). Bưởi có thể làm tăng tác dụng của amiodarone bằng cách tăng lượng thuốc được hấp thụ vào cơ thể. Điều này làm tăng tình trạng loạn nhịp tim và các tác dụng phụ nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như đau đầu, chán ăn, bồn chồn, lo lắng và đổ mồ hôi quá nhiều.
- Fexofenadine là thuốc kháng histamin dùng để điều trị dị ứng. Bưởi ảnh hưởng đến polypeptide vận chuyển anion hữu cơ của chất vận chuyển thuốc, có thể khiến lượng fexofenadine đi vào máu ít hơn. Nước ép bưởi làm giảm nồng độ fexofenadine. Những người dùng thuốc với nước ép bưởi thấy da sưng và ngứa nhiều hơn, cho thấy sự tương tác làm giảm hiệu quả của thuốc.
Tác dụng của fexofenadine lên chất vận chuyển có thể chỉ kéo dài trong một thời gian ngắn. Do đó, việc uống một liều fexofenadine cách xa nước ép bưởi ít nhất 4 giờ có thể ngăn ngừa tương tác thuốc.
- Carbamazepine là một loại thuốc thường được sử dụng để điều trị co giật. Bưởi làm tăng nồng độ carbamazepine trong máu, do đó làm tăng tác dụng của thuốc, có thể tăng tác dụng phụ do carbamazepine gây ra như buồn ngủ, khó nói, khô miệng, lú lẫn hoặc đau đầu, co giật nhiều hơn.
- Quetiapine là thuốc được kê đơn để điều trị các tình trạng như rối loạn lưỡng cực, tâm thần phân liệt và trầm cảm. Bưởi làm giảm tốc độ đào thải quetiapine của cơ thể, có khả năng ảnh hưởng đến hiệu quả của thuốc và làm tăng nguy cơ gặp tác dụng phụ, bao gồm chóng mặt, đau toàn thân, yếu cơ, mơ bất thường và co giật.
- Tacrolimus là thuốc ức chế miễn dịch giúp ngăn cơ thể đào thải các cơ quan được cấy ghép. Bưởi có thể làm chậm tốc độ cơ thể chuyển hóa tacrolimus, làm tăng nồng độ thuốc trong máu, tăng nguy cơ gặp tác dụng phụ, bao gồm đau đầu, tiêu chảy, suy nhược và co giật.
- Clopidogrel là thuốc chống tập kết tiểu cầu giúp ngăn ngừa cục máu đông, đặc biệt ở những người có nguy cơ bị đau tim hoặc đột quỵ. Bưởi có thể làm giảm lượng clopidogrel được kích hoạt trong cơ thể và nồng độ clopidogrel trong máu, làm giảm hiệu quả của thuốc.
- Viagra (sildenafil) là chất ức chế phosphodiesterase-5 được sử dụng để điều trị rối loạn cương dương và tăng huyết áp động mạch phổi. Bưởi có thể làm giảm tốc độ cơ thể chuyển hóa sildenafil, làm tăng khả năng xảy ra các tác dụng phụ, bao gồm đau đầu, hạ huyết áp, ợ nóng, mất thị lực và ù tai. Sự hấp thụ sildenafil có thể tăng hơn 23% khi dùng cùng với bưởi.
3. Làm thế nào tránh tương tác giữa bưởi và thuốc?
Mức độ nghiêm trọng của tương tác giữa bưởi và thuốc phụ thuộc vào nhiều yếu tố: Người bệnh, loại thuốc, lượng CYP3A4 và các enzyme chuyển hóa khác có trong cơ thể, lượng bưởi tiêu thụ...
Sự thay đổi nồng độ thuốc sau khi uống kèm với bưởi có thể gây ra tác dụng phụ không mong muốn hoặc ảnh hưởng đến việc điều trị. Để ngăn ngừa tình trạng này, tốt nhất là tránh ăn bưởi với các thuốc có tương tác với bưởi. Đối với một số loại thuốc nhất định (như fexofenadine), có thể uống thuốc cách xa thời gian ăn bưởi.
Trước khi uống một trong những thuốc trên, cần trao đổi với bác sĩ về tương tác thuốc và bưởi để tránh những tác dụng phụ có thể xảy ra.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Hệ lụy khi lạm dụng thuốc giảm đau.