"Cầu nối" cho những bệnh nhân ung thư gan- đó là cái tên ưu ái mà BS Thân Văn Sỹ (Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh và Y học hạt nhân- Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức) đặt cho kỹ thuật nút tĩnh mạch cửa và tĩnh mạch gan trước phẫu thuật cắt gan. Chia sẻ về kỹ thuật này, BS Sỹ cho biết, những báo cáo đầu tiên về kỹ thuật này trên thế giới từ năm 2017, đến năm 2020, Việt Nam đã đưa vào áp dụng, tới năm 2022 đã thực hiện một cách thường quy cho những bệnh nhân ung thư gan. Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức là đơn vị đầu tiên triển khai kỹ thuật này.
Nói về các phương pháp điều trị ung thư gan, BS Sỹ cho biết, hiện tại có nhiều phương pháp như dùng thuốc, mổ, không mổ, nút mạch... Mặc dù phẫu thuật được cho là phương án tốt nhất cho bệnh nhân. Nhưng tại Việt Nam, có tới 50-70% bệnh nhân đến viện và chẩn đoán ung thư gan thường không mổ được do bệnh đã ở giai đoạn muộn.
Điện quang can thiệp là một lĩnh vực mới, bao gồm các kỹ thuật can thiệp để điều trị có sử dụng các thiết bị hình ảnh để định hướng như máy chụp mạch số hóa xóa nền, cắt lớp vi tính, siêu âm giúp định vị chính xác. Các kỹ thuật can thiệp sử dụng theo đường mạch máu (nút mạch, nong mạch, tái thông mạch,…) hoặc ngoài mạch máu (chọc trực tiếp vào tổn thương). Kỹ thuật điện quang can thiệp giúp cho triển khai các kỹ thuật xâm lấn tối thiểu nhằm chẩn đoán, điều trị triệt để, tăng cường khả năng hồi phục, và rút ngắn thời gian nằm viện của người bệnh.
BS Sỹ chia sẻ: "Kỹ thuật này như một chiếc cầu nối cho những bệnh nhân ung thư gan ban đầu không thể điều trị triệt căn. Sau khi áp dụng kỹ thuật nút tĩnh mạch cửa và tĩnh mạch gan trước phẫu thuật cắt gan thì chỉ cần sau 3-4 tuần bệnh nhân sẽ được mổ và điều trị triệt căn. Điều đáng mừng là hiệu quả thực tế cho thấy rất tốt. Thứ nhất tăng mức độ chắc chắn có thể phẫu thuật cắt gan và hai là giảm thời gian chờ đợi cho bệnh nhân. Tỷ lên chắc chắn cắt được gan lên tới hơn 95%".
Trước đây chưa áp dụng kỹ thuật can thiệp này, những bệnh nhân được chỉ định nút mạch tỷ lệ rất thấp, đặc biệt trên nền bệnh nhân ở Việt Nam thường gan xơ khoảng 70%. Có những bệnh nhân u gan 12 cm (rất khổng lồ), đã đi khám tại nhiều cơ sở y tế và nhận được lời từ chối phẫu thuật và chỉ điều trị những biện pháp cầm chừng. Tuy nhiên khi tới với Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và biết tới phương pháp này chỉ sau 3 tuần đã được cắt gan - BS Sỹ thông tin thêm.
Kỹ thuật nút tĩnh mạch cửa và tĩnh mạch gan trước phẫu thuật cắt gan đã thay đổi điều trị hiệu quả bệnh lý ung thư gan nói chung. Việc áp dụng các phương pháp hiện đại, hiệu quả cao này giảm thiểu độ rủi ro so với phương pháp truyền thống.
Cũng là một trong những kỹ thuật đầu tiên được nghiên cứu tại Việt Nam, BS Đào Xuân Hải (Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh và Y học hạt nhân - Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức) đã có những chia sẻ về can thiệp nút động mạch màng não giữa trong điều trị máu tụ dưới màng cứng mạn tính, một phương pháp mới cho các bệnh nhân bị tụ máu màng cứng.
Đây là một bệnh mạn tính, tiến triển chậm, triệu chứng lâm sàng không đặc hiệu, có thể dẫn thoát vị não và tử vong. Tuy nhiên phẫu thuật không giải quyết được cơ chế sinh lý bệnh, đồng thời tỷ lệ tái phát lên tới 37%.
Chia sẻ về kỹ thuật này, BS Hải cho biết: "Khi động mạch màng não giữa cấp máu cho máu cho vỏ của máu tụ dưới màng cứng xảy ra quá trình phản ứng viêm, tạo ra vòng xoắn bệnh lý. Việc nút động mạch màng não giữa giúp ngắt nguồn cấp máu đến vỏ của máu tụ, làm hạn chế tỷ lệ tái phát. Trên thế giới cũng đã có thử nghiệm lâm sàng, và có những so sánh giữa việc phẫu thuật và phẫu thuật có nút mạch màng não giữa. Kết quả cho thấy phương pháp phẫu thuật có nút mạch màng não giữa làm giảm tỷ lệ tái phát rất nhiều".
Bên cạnh đó, đây là một phương pháp với thủ thuật không quá phức tạp, những bệnh nhân có nguy cơ tái phát cao như sử dụng thuốc chống đông, bệnh lý về đông máu… có thể sử dụng phương pháp này phối hợp với phẫu thuật sẽ đạt được hiệu quả điều trị cao.
Hiện tại Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh và Y học hạt nhân thuộc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức là cơ sở duy nhất ở miền Bắc thực hiện kỹ thuật này. Triển khai từ tháng 12/2021, đến nay đã có hơn 20 ca phẫu thuật được áp dụng kỹ thuật này và tất cả đều thuận lợi.
Đó là lời khẳng định của Ths.BS Bùi Quang Huynh – Phó Trưởng khoa Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh và Y học hạt nhân, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức về những nỗ lực của các y bác sĩ trong việc phát triển các kỹ thuật mới cho công tác khám chữa bệnh.
Công nghệ chẩn đoán hình ảnh ngày càng tân tiến giúp bệnh nhân giảm lượng thuốc phải tiêm, giảm liều xạ. Ngoài ra, các bác sĩ còn áp dụng các công nghệ chẩn đoán hình ảnh vào việc phẫu thuật tạo hình hiệu quả.
BS Huynh cho biết: "Việc phẫu thuật tạo hình lấy vạt da vá vào những chỗ bệnh nhân khuyết da quan trọng nhất là đảm bảo được tính chính xác, tính nuôi dưỡng cho vạt da ghép.
Khi lấy da từ vùng này đắp vào vùng khác bắt buộc phải lấy được mạch máu, giống như cây phải có rễ. Mạch máu cũng có những hình dáng khác nhau, khi sử dụng công nghệ này, bác sĩ có thể nắm được hình dạng kích thước của mạch máu, của từng cá thể từ đó xác định được cách lấy mạch máu. Với những đời máy trước không thể nhìn thấy được, công nghệ mới giúp đo đạc chính xác lập kế hoạch phẫu thuật, tỷ lệ thành công phẫu thuật cao, rút ngắn thời gian phẫu thuật mà không tốn quá nhiều chi phí".
Ngoài ra, Trung tâm còn đang sở hữu rất nhiều kỹ thuật hàng đầu như dò bạch mạch, tán sỏi qua da, can thiệp nội mạch li giải filler điều trị biến chứng tắc động mạch ở mắt sau khi tiêm… với rất nhiều cuộc đại phẫu và số lượng bệnh nhân lớn.
Năm 2022 là một năm khó khăn với ngành y tế nói chung, nhìn lại một năm 2022 đầy thử thách, TS.BS Lê Thanh Dũng – Trưởng Khoa Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh và Y học hạt nhân tâm sự sau 2 năm đại dịch Trung tâm rơi vào tình trạng quá tải bệnh nhân. Tuy nhiên các nhân viên y tế tại Trung tâm vẫn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
"Việc đào tạo điện quang can thiệp, nút mạch ở tuyến cơ sở cho thấy mặc dù bệnh nhân điều trị can thiệp tối thiểu nhưng hiệu quả cao, tránh tình trạng phải chuyển lên tuyến trên, trong quá trình vận chuyển người bệnh phải đối mặt với nhiều rủi do. Trong năm qua Trung tâm đã thực hiện các gói đào tạo chuyển giao kỹ thuật cho rất nhiều bác sĩ tuyến tỉnh. Đây là nỗ lực rất lớn của các bác sĩ đồng thời đạt được hiệu quả tốt" – BS Dũng nhận định.
Chia sẻ về kế hoạch trong năm 2023, BS Dũng cho biết bên cạnh việc duy trì công tác khám chữa bệnh, trong năm tới, Trung tâm sẽ tiếp tục phát triển các kỹ thuật mũi nhọn, các kỹ thuật cao để phục vụ các bác sĩ lâm sàng trong việc điều trị bệnh nhân, tăng cường hợp tác quốc tế cử cán bộ ra nước ngoài học tập, nâng cao chất lượng dịch vụ. Bên cạnh đó, Trung tâm vẫn duy trì hội chẩn trực tuyến, trao đổi chuyên môn với các bác sĩ ở tuyến dưới.
Ngoài ra việc ứng dụng AI trong chẩn đoán và điều trị cũng là một điểm nhấn mà Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh và Y học hạt nhân sẽ chú trọng phát triển mạnh mẽ hơn trong năm tới.
BS Dũng hy vọng, năm 2023 sẽ là cơ hội để Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh và Y học hạt nhân phát triển các kỹ thuật về mặt chẩn đoán và điều trị phục vụ bệnh nhân đặc biệt là điện quang can thiệp, trở thành cơ sở đi đầu trong các kỹ thuật điện quang can thiệp.