PV: Thưa ông, chiến tranh đã lùi xa, ngày hôm nay, y tế tỉnh Hà Giang đã có bước phát triển mạnh mẽ, nếu giới thiệu khái quát, ngắn gọn về y tế của địa đầu Tổ quốc, ông sẽ nhắc tới gì?
BS CKII Nguyễn Văn Giao: Năm 1991, khi tái lập tỉnh Hà Giang từ tỉnh Hà Tuyên cũ, y tế Hà Giang sau tách tỉnh gặp vô vàn khó khăn. Sau 33 năm tái lập, các thế hệ thầy thuốc tiếp nối truyền thống của nhiều thế hệ thầy thuốc đi trước tiếp tục cống hiến, xây dựng nền y tế vì dân, gần dân, vì nhân dân phục vụ.
10 năm trở lại đây, y tế Hà Giang đã có bước phát triển mạnh mẽ nhờ sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Bộ Y tế và các bệnh viện tuyến trung ương trong việc đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao kỹ thuật…
Là địa phương miền núi còn gặp nhiều khó khăn nhưng Hà Giang tự hào về công tác chuyển đổi số toàn ngành.
Chúng tôi gắn chuyển đổi số của ngành y tế với nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn tỉnh, đồng thời cải cách thủ tục hành chính triệt để. Đẩy mạnh Đề án Khám, chữa bệnh từ xa, xác định đây là Đề án quan trọng nhằm thu ngắn khoảng cách địa lý giữa y tế Hà Giang với miền xuôi nên lãnh đạo tỉnh cũng như Sở Y tế đặc biệt quan tâm đầu tư.
Sở Y tế Hà Giang đã chỉ đạo các đơn vị triển khai hoạt động khám chữa bệnh, tư vấn hội chẩn từ xa từ trạm y tế, tuyến huyện đến tuyến tỉnh và tuyến trung ương nhằm giảm tải chuyển tuyến, tận dụng giờ vàng trong điều trị, giảm chi phí, mang lại hài lòng cho bệnh nhân.
Các bệnh viện của Hà Giang như BVĐK tỉnh, BVĐK khu vực Bắc Quang, Hoàng Su Phì, BVĐK huyện Quang Bình...thường xuyên kết nối trực tuyến và trực tiếp với các bác sĩ giỏi của BV Đại học Y Hà Nội, BV Việt Đức, BV Tim Hà Nội...Tính riêng trong năm 2023, đã có gần 1.000 bệnh nhân ở Hà Giang được hội chẩn và xin ý kiến về ca bệnh đối với các bác sĩ đầu ngành ở các bệnh viện tuyến trung ương.
Đối với các bệnh viện trong tỉnh, Đề án Khám chữa bệnh từ xa đã nâng cao được năng lực điều trị ở tuyến dưới. Bệnh viện tuyến tỉnh thường xuyên kết nối chặt chẽ với bệnh viện tuyến huyện thông qua hội chẩn trực tuyến, chủ trì là BVĐK tỉnh duy trì hội chẩn vào thứ 3 hàng tuần với các bệnh viện trong tỉnh.
Đã có 480 người bệnh được hội chẩn giữa tuyến huyện và tỉnh về các mặt bệnh như: Nhồi máu cơ tim, sốc nhiễm khuẩn, viêm phổi nặng, tai biến mạch máu não, ngộ độc, uốn ván, cơn đột quỵ não, di chứng đột quỵ não...
Về hồ sơ sức khỏe điện tử, tính đến hết ngày 25/12/2023 toàn tỉnh Hà Giang đã có 12.329 hồ sơ khám sức khỏe được cấp với 11.981 hồ sơ được kết nối, chia sẻ và gửi dữ liệu tự động lên hệ thống giám định BHYT của cơ quan BHXH; đã có 5.578 giấy chứng sinh được cấp với 5.116 hồ sơ được gửi tự động…
Tiếp tục quán triện các cán bộ tiếp nhận hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận một của của tỉnh nghiêm túc thực hiện Nghị định số 104/2022/NĐ-CP về sử dụng thông tin về cư trú của công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư không yêu cầu người dân xuất trình giấy chứng minh thư 9 số.
Thường xuyên chỉ đạo các đơn vị trong toàn ngành tăng cường sử dụng Căn cước công dân gắn chíp trong KCB BHYT trong đó đã có 17 bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh, tuyến huyện đầu tư được 52 đầu đọc, đạt 100% chỉ tiêu UBND tỉnh giao; 193/193 trạm y tế đầu tư đầu đọc Qrcode đạt 100% (vượt chỉ tiêu giao 50%).
PV: Tỉnh Hà Giang có nhiều vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, đời sống của đồng bào các dân tộc còn khó khăn, để người dân yên tâm điều trị ngay gần nhà không phải về Hà Nội cách xa 300 km, "mũi nhọn" nào được ngành y tế chú trọng đầu tư?
BS CKII Nguyễn Văn Giao: Hà Giang hiện có 19 dân tộc anh em cùng sinh sống trong đó chủ yếu là người H'Mông, Dao, Tày, Nùng, La Chí…địa bàn rộng, vùng sâu, vùng xa nhiều, do đó, ngành y tế Hà Giang xác định vừa phải nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh ban đầu ngay tại cơ sở nhưng cũng cần có mũi nhọn để đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của người dân, đặc biệt là khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, vãn cảnh tại địa phương.
Được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, trong 3 năm gần đây chúng tôi đã đầu tư, ứng dụng công nghệ - khoa học kỹ thuật vào khám chữa bệnh là hướng đi, đòn bẩy quan trọng thúc đẩy y tế phát triển.
Trên cơ sở đó, ngành Y tế đã chủ động đầu tư trang thiết bị, đào tạo nhân lực, bố trí kinh phí cho công tác nghiên cứu khoa học - công nghệ, nhiều tiến bộ khoa học mới được nghiên cứu, ứng dụng. Hàng loạt các kỹ thuật cao được triển khai thành công tại các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện.
Đặc biệt, nhiều dịch vụ kỹ thuật vượt tuyến được thực hiện thành công tại cơ sở, người bệnh không phải chuyển tuyến, giảm thời gian, kinh phí, nâng cao hiệu quả điều trị. Năm 2023, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đã ứng dụng trên 130 kỹ thuật mới, 135 kỹ thuật cao và chuyển giao cho tuyến dưới 39 kỹ thuật.
Quan tâm ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật, ngành Y tế đã xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật cao trong chẩn đoán, điều trị bệnh.
Khuyến khích nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học trong chẩn đoán, điều trị gắn với áp dụng các kỹ thuật mới tại đơn vị y tế.
Năm 2023, các bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh đã đạt và vượt các chỉ tiêu đăng ký, triển khai các dịch vụ kỹ thuật mới. Đồng thời, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực để làm chủ kỹ thuạt mới và thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực khoa học, công nghệ; phối hợp triển khai nhiều dự án nghiên cứu nhằm tăng cường giải pháp nâng cao chất lượng y tế.
Nhiều kỹ thuật khó, mới đã được triển khai tại BVĐK tỉnh Hà Giang và một số bệnh viện đa khoa khu vực cứu sống được người bệnh như can thiệp tim mạch, phẫu thuật nội soi, can thiệp lấy huyết khối trong điều trị đột quỵ nhồi máu não cấp…
Ứng dụng kỹ thuật mới trong điều trị được áp dụng tại các bệnh viện trên địa bàn đã cứu sống được nhiều người bệnh tạo niềm tin cho nhân dân và du khách gần xa khi đến với Hà Giang thân yêu của chúng tôi.
PV: Trân trọng cảm ơn ông.