Tại Việt Nam, thống kê cho thấy có đến 40% số trẻ em BỊ biếng ăn. Trong khi đó, việc nuôi ăn cho trẻ từ tuổi ăn dặm đến khi có thể ngồi cùng bàn với gia đình luôn là nỗi ám ảnh, giờ ăn trở thành “trận chiến” với kết quả: cha mẹ thì kiệt sức, giận dữ; trẻ thì đầy nước mắt, thậm chí là tổn thương tâm lý nghiêm trọng. Nhiều bậc phụ huynh mất phương hướng, không biết giải quyết ra sao để có thể đương đầu và vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Nước mắt và sai lầm
Câu chuyện về đứa con “còi” của bà mẹ “tuyệt vọng” Vũ Loan, ngụ tại Nha Trang, Khánh Hòa, đang làm xôn xao cư dân mạng Facebook và đã có không ít bà mẹ nhảy vào “kêu cứu” theo: “Tôi nuôi con sai rồi, cứu mẹ con tôi với!”. Đó là những câu chuyện có thật của nhiều bậc phụ huynh biến bữa ăn của con thành một trận chiến đầy nước mắt. Có người luôn đưa con đi ăn rong khắp làng, khắp xóm; có người sẵn sàng múa may quay cuồng, khua chiêng gõ trống, chỉ hòng cho con nuốt một miếng cháo; người khác lập cả “chiêu” dùng súng bắn nước bắn sữa vào miệng con; mẹ khác lại nghĩ ra cách… bóp mũi con để con nuốt hay mỗi miếng cơm là một… cây roi.
Không khí thoải mái từ bữa ăn chung với gia đình là phần quan trọng trong việc học ăn của bé |
Theo TS. Từ Ngữ, Tổng thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam (VINUTAS), tất cả các cách trên đều sai lầm nghiêm trọng. Bé cũng cần được học ăn như học đi, học nói. Tại Chương trình “Bé yêu học ăn” do VINUTAS phối hợp với Abbott vừa tổ chức tại TP.HCM, TS. Từ Ngữ đã công bố kết quả cuộc khảo sát gần nhất (từ 15/3 - 15/4) thực hiện trên 3.000 phụ huynh cho thấy: hơn 65% số cha mẹ mắc sai sầm trong việc nuôi ăn trẻ nhỏ. Những sai lầm đó là: không cho trẻ ăn theo thời gian nhất định; tách biệt bữa ăn của trẻ với bữa ăn của gia đình; chế biến thực phẩm không hợp khẩu vị với trẻ; 14% cố ép trẻ ăn hết khẩu phần ăn dù trẻ không muốn ăn hoặc quấy khóc; có đến 23% cha mẹ phải hỗ trợ công cụ khác (đồ chơi, quảng cáo…) để tạo ra “hứng thú” cho trẻ ăn; 19% cha mẹ đút cho con ăn mặc dù trẻ đã lớn (hơn 2 tuổi), bàn tay đã khéo léo có thể tự mình đút ăn được.
TS. Từ Ngữ khuyến cáo, “những sai lầm này nếu không điều chỉnh sẽ ảnh hưởng lớn đến quá trình phát triển của trẻ bao gồm cả thể lực lẫn trí lực”.
6 nguyên tắc vàng
GS. nhi khoa Irene Chatoor, người đã cống hiến 25 năm nghề nghiệp để giúp cho các bậc cha mẹ hiểu và xử lý tốt hơn những thử thách, khó khăn trong việc nuôi dạy trẻ biếng ăn, vừa đến Việt Nam. Với sự hỗ trợ của Abbott, bà đã đem đến cho các bậc phụ huynh Việt Nam một số phương pháp hữu hiệu để giải quyết vấn đề nan giải này thông qua việc ra mắt cuốn sách “Bé yêu học ăn”. Qua chia sẻ của GS. Irene Chatoor cho thấy, quan trọng là làm thế nào nhận biết được trẻ bị rối loạn ăn uống - biếng ăn thật sự hay chỉ là do cha mẹ áp đặt cho bé cái tên “biếng ăn”?.
Theo bà, biếng ăn có thể bắt đầu rất sớm (trong giai đoạn bú mẹ hoặc bú bình) nhưng đa số trường hợp bắt đầu từ khoảng 9 tháng đến 3 tuổi. Đây là thời điểm trẻ được giới thiệu những thực phẩm mới đa dạng hơn và cũng chính là thời điểm trẻ thể hiện “cái tôi” độc lập, tự chủ của mình.
GS. Irene Chatoor cho biết: “Cha mẹ cần xem xét trên biểu đồ tăng trưởng cũng như tình trạng sức khỏe của trẻ; nếu trẻ bị rối loạn ăn uống thật sự thì biểu đồ tăng trưởng kém. Ngược lại, nếu bình tĩnh quan sát thấy trẻ vẫn nằm trong biểu đồ tăng trưởng là do ngộ nhận trẻ biếng ăn hoặc do cha mẹ quá kỳ vọng nên cho là trẻ không phát triển”.
Để giúp giải quyết các vấn đề khó khăn khi cho trẻ ăn, GS. Irene Chatoor khuyên các bậc phụ huynh cần nhận biết được các “kỹ thuật né tránh” thức ăn của trẻ; giữ cho bữa ăn không dài quá 20 - 30 phút, cố gắng không khen ngợi hay phê bình khi trẻ ăn được bao nhiêu và hạn chế đặt đồ chơi, sách vở và truyền hình tại bàn vì điều đó sẽ làm bé xao nhãng. Quan trọng hơn cả là “ăn uống phải là việc của cả gia đình, phải kéo tất cả thành viên vào cuộc. Những bữa ăn điều độ có lợi cho tất cả mọi người và những bữa ăn chung sẽ giúp gắn kết tình cảm thương yêu của tất cả thành viên trong gia đình”.
Đồng hành cùng GS. Irene Chatoor, chuyên gia dinh dưỡng Kim Milano (Mỹ) cũng có mặt trong dịp này và giới thiệu 6 nguyên tắc vàng để giúp trẻ có thói quen ăn uống lành mạnh. Theo đánh giá của các chuyên gia, những nguyên tắc này không chỉ tốt và nên được áp dụng cho trẻ em Mỹ hay Việt Nam mà có ích cho việc nuôi trẻ ăn trên toàn thế giới. Đó là:
Sắp xếp giờ ăn cố định: lên lịch cho thời gian ăn bữa chính và bữa phụ (cách nhau từ 2 - 4 tiếng), để giúp bé cảm nhận được cảm giác no và đói. Giữa các bữa chỉ nên cho bé uống nước lọc, tuyệt đối không cho bé ăn vặt hay uống nước ngọt.
Lựa chọn thực phẩm lành mạnh: đảm bảo 4 nhóm thực phẩm: bột đường, đạm, vitamin và khoáng chất, chất béo. Nên chọn thực phẩm tươi, không nên chọn những thực phẩm được chế biến sẵn vì đã mất dinh dưỡng và vitamin. Chế biến những thực phẩm này cho phù hợp với việc cho trẻ ăn, ví dụ xay nhuyễn, băm nhỏ, nấu mềm…
Kiến tạo bữa ăn gia đình: nhìn người khác ăn cũng là một phần quan trọng trong việc học ăn của bé. Nếu gia đình bạn không thể sắp xếp để tất cả các bữa ăn mọi người đều có mặt thì hãy cố gắng ít nhất có một bữa ăn trong ngày sum họp cả gia đình.
Nhận biết những dấu hiệu trẻ đói: hãy cho bé ăn khi có dấu hiệu đói và kết thúc bữa ăn khi có dấu hiệu no. Đa số trẻ đói thường rên rỉ, bụng sôi, thậm chí ăn vụng. Nếu no, nhiều bé gạt thức ăn ra khi được đưa.
Kiên nhẫn tập cho trẻ ăn một thực phẩm mới: nhiều người sau một hai lần mang thức ăn mới ra, thấy con xua tay là nản và không tập cho bé nữa. Thực tế, có những bé phải sau 10 - 15 lần làm quen mới chính thức ăn thức ăn mới.
Tìm hiểu cách nuôi ăn của gia đình: cần tìm hiểu cách đang cho bé ăn có đáp ứng được nhu cầu của bé không. Cha mẹ có thể đáp ứng được nhu cầu của bé bằng cách cho bé ăn khi đói; không cho ăn khi quá no; ăn với bé và làm mẫu cho bé; để bé tự ăn đúng lượng bé cần; cho bé ăn thực phẩm đa dạng và tốt cho sức khỏe...
GIA KHÁNH
Ý kiến chuyên gia GS. Irene Chatoor: Theo tôi làm sao có được khoảng thời gian ăn chung vui với cả gia đình là nền tảng căn bản nhất. Nếu không đảm bảo 3 bữa ăn thì ít nhất nên duy trì 1 bữa tối. Thử tưởng tượng trong cuộc đời với hàng trăm nghìn bữa ăn mà mỗi bữa ăn là một cực hình thì để lại dấu ấn nặng nề biết bao. Đặc biệt với con trẻ sẽ ảnh hưởng lớn đến sự phát triển cảm xúc, tâm lý và trí tuệ. Vì vậy, nên tạo bầu không khí thoải mái, vui vẻ khi cho trẻ ăn. Chuyên gia dinh dưỡng Kim Milano (Mỹ): Trong xã hội hiện đại, khi mà cha mẹ quá bận rộn với công việc hàng ngày, thêm vào đó là thực phẩm đông lạnh, không an toàn tràn ngập, trẻ em thì bị xao nhãng bởi quá nhiều trò giải trí thì việc áp dụng 6 nguyên tắc này khó khăn với ngay cả người Mỹ. Tuy nhiên, nếu chịu khó kiên nhẫn đầu tư thời gian và công sức cho việc ăn uống của con trẻ, cha mẹ sẽ không còn đau đầu khi nghĩ đến chiều cao cân nặng của con. Trẻ ăn là cách học để trở thành một người trưởng thành thực sự. Việc này cần được tiến hành sớm bởi sau 5 tuổi, trẻ đã cố định những sở thích thì rất khó điều chỉnh về sau. TS.Từ Ngữ: Nuôi dưỡng trẻ phải bắt đầu từ rất sớm chứ không phải đợi khi sinh ra mới tiến hành mà chuẩn bị việc đảm bảo dinh dưỡng từ khi có kế hoạch làm mẹ, rồi đến khi có thai và sinh con. Việc ăn bổ sung của trẻ phải chú ý nguyên tắc ăn từ loãng đến đặc, từ ít đến nhiều, phối hợp nhiều loại thực phẩm để có đủ năng lượng và vi chất dinh dưỡng, theo dõi cân nặng, chiều cao của trẻ đúng kỳ. TS.BS. Huỳnh Thị Duy Hương, nguyên giảng viên chính Bộ môn Nhi, Đại học Y Dược TP.HCM: Trong quá trình điều trị biếng ăn ở trẻ nhỏ, tôi thấy kết quả thành công là 50:50. Thất bại là do cha mẹ “không nỡ”, “không dám” chờ đến lúc con đói mới cho ăn; hoặc có sự xung đột giữa 2 thái độ: giận dữ (bỏ đói trẻ) và kiên trì (chờ đến giờ ăn sau của trẻ sẽ cho ăn lại). Như vậy, quyết định sự thành công chính là thái độ của cha mẹ, phải hết sức bình tĩnh và kiên nhẫn, cho ăn theo nhu cầu đói - no của trẻ và tuân thủ khoảng cách giữa các bữa cách nhau từ 2 - 4 tiếng, cho dù là bữa chính hay bữa phụ. |