Bảo vệ tuyến phòng thủ đầu tiên chống lại mầm bệnh
Khi biến thể Omicron di chuyển nhanh như chớp trên khắp thế giới, một sự thật đáng lo ngại đã hé lộ, cho thấy coronavirus đã đạt được khả năng lây nhiễm sang người một cách dễ dàng, từ người này sang người khác. Các ca bệnh nhanh chóng tăng vọt, ngay cả trong những người đã được tiêm chủng.
Theo những kết quả thu thập ban đầu, vaccine COVID-19 dạng tiêm đang tỏ ra rất linh hoạt, bảo vệ mọi người khỏi những hậu quả tồi tệ của COVID-19. Các chuyên gia đang tranh luận về việc khi nào, liệu và ai nên nhận mũi vaccine bổ sung.
Theo nhiều nhà khoa học, việc chuyển đổi đường phân phối vaccine từ dạng tiêm sang dạng ngửi có thể tập hợp một bức tường miễn dịch ngay tại nơi virus tồn tại và ngăn chặn sự lây lan của chúng, ngăn ngừa ngay cả những trường hợp nhiễm trùng nhẹ.
Dữ liệu lâm sàng cho thấy vaccine dạng hít là an toàn và có thể bảo vệ rộng rãi chống lại virus SARS-CoV-2, bao gồm cả các chủng đột biến của nó. Vì các virus gây bệnh hô hấp thường nhắm vào phổi và đường hô hấp trên, nên vaccine dạng hít có thể giúp tăng cường phản ứng miễn dịch trong các tế bào tạo nên màng nhầy ở những bộ phận đó của cơ thể, đóng vai trò là tuyến phòng thủ đầu tiên chống lại mầm bệnh.
Khả năng bảo vệ niêm mạc đường hô hấp này là một đặc tính mà vaccine tiêm bắp không có. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng một trong những lí do khiến biến thể Omicron lây lan nhanh là bởi virus dễ dàng tấn công đường hô hấp trên. Vì vậy, người dùng vaccine dạng hít cũng có thể được bảo vệ tốt hơn trước biến thể này. Ngoài ra, vaccine dạng hít cũng chỉ cần sử dụng một liều lượng thấp để tạo ra phản ứng miễn dịch.
Trong nghiên cứu nhằm xác định hiệu quả của vaccine ngừa COVID-19 dạng xịt mũi, các nhà khoa học Australia đánh giá đây là một sự cải tiến có thể tạo ra những "những tác động lớn" trên toàn cầu.
Hướng nghiên cứu vaccine COVID-19 mới
Vaccine COVID-19 dạng xịt mũi đang trở thành một hướng nghiên cứu mới. Hiện, có khoảng 20 thử nghiệm lâm sàng đã được bắt đầu trên thế giới.
Đơn cử, các nhà khoa học tại Viện Y tế Quốc gia và Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển Tiên tiến Y sinh - được gọi là BARDA - đang xem xét một loạt các khái niệm vaccine COVID-19 thế hệ tiếp theo, bao gồm cả những khái niệm kích hoạt miễn dịch niêm mạc và có thể ngăn chặn sự lây truyền.
Vaccine dạng hít ngừa COVID-19 được phát triển bởi công ty của Trung Quốc đã bước vào giai đoạn thử nghiệm lâm sàng cuối cùng. "Người được chủng ngừa sẽ hít một hơi thật sâu từ bình chứa vaccine dạng khí dung, nhịn thở khoảng 5 giây sau đó từ từ thở ra. Toàn bộ quá trình này mất khoảng 10 giây và hoàn toàn không gây đau đớn, lý tưởng cho những người sợ kim tiêm" - ông Zhu Tao, một thành viên Ủy ban toàn quốc Hội nghị Chính trị hiệp thương Nhân dân Trung Quốc (Chính hiệp) cho biết.
Trung tâm Gamaleya, Nga vừa thông báo loại vaccine dạng xịt Sputnik V sẽ được lưu hành tại Nga sau 3 - 4 tháng nữa. Loại vaccine này có khả năng chống lại biến thể Omicron của SARS-CoV-2. "Các thí nghiệm trong phòng thí nghiệm cho thấy Sputnik V ở dạng tiêm thông thường bảo vệ chống lại Omicron, vì thế ở dạng xịt mũi nó cũng sẽ có hiệu quả" - ông Alexander Gintsburg, Giám đốc Trung tâm Gamaleya cho biết
Các nhà nghiên cứu ở Mỹ, Australia, Canada, Anh, Ấn Độ và Nhật Bản… cũng đang phát triển vaccine COVID-19 dạng hít hoặc xịt mũi.
Tiêm chủng an toàn ở TP.HCM