Lựa chọn của Mỹ về vấn đề Triều Tiên?
Động thái Mỹ hủy bỏ chuyến thăm chính thức của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cuối tháng 8 là minh chứng rõ nhất cho thấy mối quan hệ giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên không được cải thiện như mong đợi. Thậm chí Tổng thống Mỹ D. Trump còn lên tiếng thừa nhận những nỗ lực của ông phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên đang “có vấn đề” và đình trệ. Nhiều người cho rằng, Tổng thống Mỹ đã “thất bại” trong giải quyết vấn đề “khó nhằn” này ở khu vực Đông Bắc Á.
Đây được xem là “cú rẽ” trong chiến lược của Mỹ với Triều Tiên, bởi kể từ sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ Triều, người đứng đầu nước Mỹ luôn ngợi ca những kết quả đạt được trong vấn đề Triều Tiên. Nhưng động thái ngoại giao bất ngờ của Tổng thống Trump cho thấy triển vọng đối ngoại trở nên u ám. Cùng với đó, Mỹ quyết định nối lại tập trận quân sự chung với Hàn Quốc. Theo nước này, các biện pháp ngoại giao như đối thoại, đàm phán là không đủ để khiến Triều Tiên phi hạt nhân hóa trước.
Thất bại của Tổng thống D.Trump trong vấn đề Triều Tiên còn khiến ông gặp khó khăn trong cuộc bầu cử Tổng thống giữa nhiệm kỳ sắp diễn ra vào tháng 11 tới. Bởi Triều Tiên chính là bằng chứng về năng lực ngoại giao của Tổng thống Mỹ, điều mà ông tự hào gọi là thành tựu của mình trong nhiệm kỳ Tổng thống. Giám đốc phụ trách khu vực châu Á của nhóm tư vấn chính sách Á Âu ông Scott Seaman nhận xét, kết quả của cuộc bầu cử giữa kỳ chắc chắn sẽ tác động đến chính sách của Mỹ về Triều Tiên. Rõ ràng, Tổng thống Mỹ đang chịu nhiều sức ép từ cả trong và ngoài nước.
Mỹ - Triều Tiên chưa muốn từ bỏ đối thoại
Về phần mình, truyền thông Triều Tiên cho rằng, bất chấp các nỗ lực của Bình Nhưỡng, Mỹ là quốc gia đang “cản trở bước tiến” trong mối quan hệ liên Triều, đồng thời kêu gọi Hàn Quốc thực thi thỏa thuận Hội nghị cấp cao lịch sử mà không có một “sức ép” nào từ phía Mỹ. Dẫn các ví dụ cho thấy Mỹ không có động thái hòa giải nào, Triều Tiên cho biết, nước này vẫn theo đuổi chính sách trừng phạt Bình Nhưỡng.
Nỗ lực phá vỡ bế tắc trong đàm phán?
Với mong muốn khai thông bế tắc trong các cuộc đàm phán phi hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên, ngày 5/9, Hàn Quốc đã cử nhóm đặc phái viên đặc biệt tới Triều Tiên, trong đó có Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống ông Chung Eui –young và nhiều nhà lãnh đạo cấp cao của Hàn Quốc để đàm phán. Hàn Quốc hy vọng đây sẽ là động lực hồi sinh các cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, mở đầu có thể là hội nghị Thượng đỉnh liên Triều lần 3 vào giữa tháng 9, cách thức phát triển quan hệ hai miền và phi hạt nhân hóa.
Trong khi Bình Nhưỡng muốn một tuyên bố kết thúc chiến tranh và một hiệp ước hòa bình thì Mỹ ngỏ ý muốn Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân của mình trước khi nói đến bất cứ một vấn đề nào khác. Mỹ cáo buộc Triều Tiên đã không thực hiện bất cứ một bước đi cụ thể nào để thực hiện cam kết tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ Triều ở Singapore. Đáp trả cáo buộc này Bình Nhưỡng cho biết, họ đã thực hiện các bước đi đối với việc phi hạt nhân hóa như đơn phương phá dỡ một bãi thử nghiệm hạt nhân hay một cơ sở kiểm tra động cơ tên lửa. Tuy nhiên Mỹ không có hành động nào bày tỏ thiện chí.
Một trong những động thái cho thấy Mỹ chưa muốn từ bỏ đối thoại với Triều Tiên là mới đây, Nhà Trắng cho biết hai Tổng thống Mỹ và Hàn Quốc sẽ tổ chức họp thượng đỉnh song phương bên lề Đại hội đồng LHQ để bàn về chiến lược và hợp tác trong các vấn đề liên quan tới Triều Tiên. Hoặc sắp tới, đặc phái viên về chính sách Triều Tiên của Mỹ sẽ có chuyến công du Hàn Quốc và Nhật Bản, đây được xem là chuyến đi quyết định xu hướng đàm phán Mỹ Triều trong thời gian tới.
Mối quan hệ giữa Washington và Bình Nhưỡng đi vào bế tắc đã làm dấy lên những câu hỏi rằng liệu Triều Tiên có sẵn sàng từ bỏ vũ khí hạt nhân của mình? Hay nếu Tổng thống Hàn Quốc thất bại trong thuyết phục Triều Tiên từ bỏ hạt nhân, liệu ông có tham gia chiến dịch gây áp lực với Mỹ ? …. Tất cả còn phụ thuộc vào kết quả của những cuộc thương thảo sắp tới.