Ngày 28/6, tại huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai, Bộ Y tế tổ chức lễ bàn giao 7 bác sĩ (BS) trẻ vừa tốt nghiệp khóa đào tạo BS chuyên khoa cấp I đầu tiên trong tổng số 78 BS đang được đào tạo theo dự án “Thí điểm đưa BS trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn”, góp phần khắc phục tình trạng thiếu BS ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chúc mừng 7 bác sĩ trẻ chuyên khoa I về công tác tại huyện nghèo.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nêu rõ, hiện nay người dân ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn vẫn còn nhiều vất vả trong việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe do hệ thống y tế cũng còn một số bất cập. Một trong những nguyên nhân là do thiếu nguồn nhân lực y tế, nhất là đội ngũ BS có trình độ chuyên môn chuyên sâu. Do đó, nhằm góp phần tăng cường số lượng và đặc biệt là chất lượng BS có tay nghề cao cho các địa phương ở những vùng khó khăn, Bộ Y tế đã chủ động báo cáo Trung ương xây dựng Dự án “Thí điểm đưa BS trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (ưu tiên 62 huyện nghèo)”.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Dự án này là điều kiện để các thầy thuốc trẻ có cơ hội cống hiến sức lực và trí tuệ.
TS. Phạm Văn Tác - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế - Giám đốc Dự án “Thí điểm đưa BS trẻ tình nguyện về vùng khó khăn” (Dự án 585) cho biết, 7 BS trẻ tình nguyện được Bộ Y tế bàn giao đợt đầu tiên này sẽ về làm việc tại các cơ sở y tế của các huyện nghèo thuộc 4 tỉnh: Lào Cai, Bắc Kạn, Điện Biên và Sơn La. “Đây là những BS chuyên ngành chẩn đoán hình ảnh, ngoại khoa và nhi khoa. Trước đó, những BS này tốt nghiệp Đại học Y loại khá, giỏi và được đào tạo thêm 2 năm, theo phương thức “cầm tay chỉ việc” tại các BV đầu ngành tuyến Trung ương” - TS. Phạm Văn Tác nói.
Theo như quy định hiện tại của dự án, thời gian làm việc tại vùng khó khăn là 2 năm đối với 2 BS nữ và 3 năm đối với 5 BS nam. Khi tham gia dự án này, các BS trẻ trên đã được tiếp nhận vào các BV tuyến Trung ương như BV Bạch Mai, BV Nhi TW, do đó, sau khi hoàn thành nghĩa vụ tại các huyện nghèo, những BS này vẫn được tiếp nhận làm việc tại các bệnh viện này...
Cũng trong bài phát biểu tại Lễ bàn giao BS trẻ tình nguyện về công tác tại vùng khó khăn, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh: Dự án thí điểm BS trẻ tình nguyện là bước đột phá của ngành y tế trong việc tiến tới bảo đảm đủ số lượng nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân ở địa phương còn khó khăn. Qua đó tạo cơ hội cho đông đảo người nghèo, người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn được tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng ngày một tốt hơn, hạn chế chuyển tuyến điều trị không cần thiết, góp phần giảm quá tải ở các bệnh viện tuyến trên, tránh lãng phí cho người dân, cộng đồng và xã hội.
“Triển khai tốt Dự án này còn tạo điều kiện để các thầy thuốc trẻ có cơ hội cống hiến sức lực và trí tuệ, phát huy tính xung kích, tình nguyện góp phần xây dựng và phát triển đất nước” - Bộ trưởng khẳng định.
Là một trong các địa phương được thụ hưởng nguồn nhân lực của dự án này, tại buổi lễ nhận bác sĩ trẻ về công tác, ông Đặng Xuân Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai khẳng định: Việc Bộ Y tế tổ chức đào tạo các BS trẻ có trình độ chuyên môn cao về công tác tại các huyện nghèo là chủ trương hết sức đúng đắn, thể hiện sự quan tâm và chia sẻ của ngành y tế đối với công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, đặc biệt là người dân ở vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, góp phần rút ngắn khoảng cách về thụ hưởng dịch vụ y tế có chất lượng giữa các vùng miền.
Cô gái Trần Thị Loan sinh năm 1989 là một trong 2 nữ bác sĩ tình nguyện đi về vùng khó khăn để mang những kiến thức của mình phục vụ, chăm sóc sức khỏe cho đồng bào. Loan cho biết, em cũng như những bác sĩ trẻ khác mong muốn cống hiến sức lực tuổi trẻ của mình, muốn lên vùng cao để trải nghiệm và thử thách bản thân ở những nơi khó khăn nhất. Em đã quyết định chọn Mường Khương, một trong những huyện nghèo và khó khăn nhất của tỉnh Lào Cai để thử sức mình. Để đến được với Mường Khương, cô gái nhỏ bé này đã phải mất 9 tháng thuyết phục gia đình cho em đi tình nguyện. Đặc biệt, Loan đã thuyết phục người yêu và đã được bạn trai ủng hộ, động viên Loan cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ, vượt qua mọi khó khăn, hẹn 2 năm sẽ trở lại.
“Em đã chuẩn bị tâm thế vững vàng, sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, sẽ phải làm quen với rất nhiều thứ như phong tục tập quán của đồng bào, học tiếng H’Mông... Nhưng em sẽ cố gắng bởi vì em luôn có chỗ dựa là gia đình, bạn trai cũng như các thầy cô luôn hỗ trợ đồng hành!” - Loan tâm sự.
BS. Cao Thị Hồng Yến: Muốn được thử thách, được trải nghiệm
Khác với Trần Thị Loan, ngay khi biết dự án thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện lên vùng cao của Bộ Y tế, tân bác sĩ Cao Thị Hồng Yến đã tìm hiểu và nhận được sự đồng thuận của gia đình do đó Yến đăng ký và trúng tuyển vào dự án.
Yến sinh ra ở ngoại thành Hà Nội, điều kiện kinh tế gia đình khá giả, nhưng muốn được thử thách mình, được trải nghiệm nên em đã quyết định “tạm biệt phố lên rừng” để gắn bó với đồng bào hai năm liền.
Yến tâm sự, chắc chắn còn nhiều khó khăn không thể lường trước được cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế và sự bất đồng về ngôn ngữ. Tuy nhiên, với kiến thức đã được học từ nhà trường và bệnh viện, bây giờ em phải “tự đứng một mình trên đôi chân của mình nên em sẽ phải nỗ lực rất nhiều. Vẫn biết khó khăn phía trước khi lần đầu tiên sống xa gia đình lâu như vậy. Nhưng với tuổi trẻ, em luôn tâm niệm sẽ vẫn kiên trì và tiếp tục con đường mình đã chọn, cứ đi là sẽ tới” - BS. Yến nói.