Các cuộc bầu cử Tổng thống và Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra sớm hơn 1 năm so với kế hoạch. Trong trường hợp liên minh của Tổng thống Kỳ Tayyip Erdogan chiến thắng, ông sẽ tiếp tục nắm giữ cương vị Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ với quyền hành pháp mới, được thông qua trong cuộc trưng cầu ý dân năm 2017. Hiện, Tổng thống Kỳ Tayyip Erdogan vẫn là ứng cử viên mạnh nhất trong cuộc bầu cử.
Cuộc bầu cử lần này là cuộc đua song mã giữa Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan và đối thủ chính của ông, ông Muharrem Ince.
Tổng thống Erdogan đã nắm giữ vị trí quyền lực chính trị tại Thổ Nhĩ Kỳ từ 15 năm qua, Thủ tướng trước khi trở thành tổng thống từ năm 2014. Phát biểu trước hàng chục nghìn người ủng hộ, ôngTayyip Erdogan khẳng định hệ thống mới cho phép gia tăng quyền lực cho tổng thống sẽ giúp Thổ Nhĩ Kỳ đạt được những điều "không thể tưởng tượng". Vị chính trị gia 64 tuổi cũng cam kết sẽ thúc đẩy thêm nhiều dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn vốn đã trở thành biểu tượng trong thời gian ông cầm quyền và giúp ông trở thành nhà lãnh đạo nổi tiếng nhất trong lịch sử Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại. Tuy nhiên, trong bối cảnh những thách thức kinh tế ngày càng chồng chất, đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền cũng phải đối mặt với thử thách không hề nhỏ từ phe đối lập.
Ông MuharremInce, vốn là giáo viên và là ứng viên tranh cử tổng thống của đảng đối lập chính Nhân dân Cộng hòa (CHP), trong thời gian quan đã chứng minh khả năng thu hút sự chú ý của cử tri, đặc biệt tại các thành phố lớn. Bằng chứng là ít nhất 1 triệu người đã kéo tới quận Maltepe của Istanbul trong ngày 23/6 để nghe ông Ince thuyết trình. Luận điểm vận động bầu cử của ông Ince cũng xoáy sâu vào những điểm yếu của chính quyền hiện tại do Tổng thống Erdogan đứng đầu để lôi kéo sự ủng hộ từ người dân. Ông Ince đã tổ chức 107 buổi gặp mặt, mít tinh trên toàn Thổ Nhĩ Kỹ trong vòng 51 ngày qua sau khi ông công bố tranh cử.
Bầu cử sớm ở Thổ Nhĩ Kỳ ngày 24/06 được coi là nước cờ táo bạo của Thổ Nhĩ Kỳ.
Cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội ngày 24/6 được coi là một trong những sự kiện chính trị quan trọng nhất tại Thổ Nhĩ Kỳ trong nhiều thập kỷ qua. Người giành chiến thắng sẽ có những quyền lực mới theo hiến pháp sửa đổi vốn do ông Erdogan ủng hộ và thông qua hồi năm ngoái sau một cuộc trưng cầu ý dân. Chính vì thế, cuộc đua ngày càng trở nên gay gắt hơn.Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố sẽ cắt giảm mạnh số bộ trong nội các xuống còn 16 bộ và đẩy nhanh tiến trình đưa ra những quyết sách trong chính quyền mới. "Khi tôi là Thủ tướng có 37 bộ. Chúng ta đã giảm con số này xuống còn 26. Và bây giờ chúng ta sẽ giảm xuống còn 16 và số bộ giải quyết vấn đề kinh tế sẽ giảm từ 6 xuống còn 3 bộ". Ông Erdogan cho rằng chính phủ mới sẽ giảm nạn quan liêu và đưa ra các quyết định nhanh hơn, tất cả các bộ ngành sẽ hoạt động chú trọng vào hiệu quả.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, đang có nhiều khó khăn thách thức hơn so với thời điểm Tổng thống Kỳ Tayyip Erdogan kêu gọi bầu cử sớm vào tháng 4 vừa qua. Một số khảo sát cho thấy, Tổng thống Tayyip Erdogan có thể phải tham gia vào một cuộc bầu cử Tổng thống vòng 2 và khả năng Đảng Công lý và Phát triển cầm quyền có thể mất thế đa số trong Quốc hội 600 ghế. Đảng Công lý và Phát triển đã thành lập một liên minh với Đảng dân tộc MHP trước cuộc bầu cử . “ Nếu chúng ta phải tổ chức cuộc bầu cử Tổng thống vòng 2. Điều đó có nghĩa là lần đầu tiên, Tổng thống Tayyip Erdogan thất bại trong cuộc bầu cử và phải tham gia vòng 2. Khi đó ông Tayyip Erdogan sẽ phải tham gia cạnh tranh với ứng cử viên của CHP ông Muharrem Ince”, Chủ tịch của nhóm khảo sát Murat Gezicinói.
Khó khăn kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ cũng là một trong các mối lo ngại lớn của các cử tri. Nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đang đối mặt với nhiều khó khăn kể từ sau cuộc đảo chính tháng 7 năm 2016 và sau đó là lệnh tình trạng khẩn cấp. Đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ đã mất hơn 30% giá trị, lạm phát ở mức 12% và cũng không có nhiều đầu tư vào quốc gia này. Người dân Thổ Nhĩ Kỳ đang dần cảm thấy tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế. Mặc dù vậy, trong bức tranh chính trị hiện nay tại Thổ Nhĩ Kỳ thì Tổng thống Tayyip Erdogan vẫn nhận được sự ủng hộ với những chính sách về giáo dục, y tế , hạ tầng cơ sở của đất nước được đưa ra vào thời điểm nền kinh tế phát triển ổn định.
Tổng thống Tayyip Erdogan tuyên bố không loại trừ khả năng sẽ tìm kiếm thành lập một liên minh tại Quốc hội nếu liên minh hiện nay do đảng Công lý và Phát triển (AKP) đứng đầu của ông không giành đa số trong các cuộc bầu cử . Đảng Phong trào Dân tộc (MHP) trong liên minh cũng cho biết, một cuộc bầu cử khác có thể được tổ chức nếu liên minh không thể nhận được thế đa số trong Quốc hội./.