Sáng 21/9, Thủ tướng Anh Theresa May có một cuộc họp nội các đặc biệt trước khi bà có bài phát biểu cập nhật thông tin về kế hoạch Brexit (đàm phán về việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu- EU) của bà tại Florence, Italia vào ngày 22/9. Theo đó, Thủ tướng Anh sẽ đề xuất một giai đoạn chuyển tiếp nhằm tránh những ảnh hưởng không mong muốn đối với nền kinh tế trước khi Anh rời khỏi EU.
Cái giá nào cho “cuộc ly hôn” thế kỷ?
Trước khi những sự kiện quan trọng trên diễn ra, tờ Financial Times đã tiết lộ về thông tin mà Thủ tướng Anh sẽ đưa ra vào ngày 21/9, đó là con số mà Anh và các nước EU bấy lâu tranh cãi. Thủ tướng Anh T.May cam kết sẽ trả khoản tiền 20 tỷ euro (tương đương 24 tỷ USD) để đổi lấy việc thảo luận về Hiệp định tự do thương mại tương lai với EU và việc rời khỏi EU. Anh có thể trả số tiền này trong thời gian chuyển đổi để rời khỏi EU. Mặc dù phía Brussels vẫn chưa đưa ra con số chính thức, nhưng nhiều quan chức châu Âu cho rằng, con số này phải từ 60-100 tỷ euro.
Không thống nhất trong thỏa thuận tài chính là một trong những trở ngại khiến Anh gặp khó khăn trong việc rời khỏi EU theo kế hoạch là ngày 29/3/2019. Vậy là từ con số 40 tỷ euro, nước Anh đã rút xuống chỉ đồng ý trả một nửa số tiền đó. Lý giải về lợi ích tài chính mà Anh sẽ thu được khi rời EU, những người ủng hộ Brexit cho rằng Anh sẽ thu lại từ EU khoảng 350 triệu bảng mỗi tuần cho ngân sách để giúp cho các dịch vụ xã hội, y tế vốn đang thiếu hụt trầm trọng. Theo dự báo, nếu Anh rời khỏi EU, ngân sách của khối sẽ bị giảm từ 10-12 tỷ euro mỗi năm.
Cao ủy châu Âu về vấn đề ngân sách cho biết, không chỉ thỏa thuận về con số đề bồi, Anh vẫn phải thực hiện nghĩa vụ tài chính của mình đã ký đến trước thời điểm nước này trưng cầu dân ý rời khỏi EU. Như vậy cái giá phải trả cho “cuộc ly hôn” với EU sẽ không chỉ dừng ở một khoản tài chính. Bên cạnh vấn đề tài chính, vấn đề là khúc mắc chính trong Brexit là quyền của công dân châu Âu sinh sống và làm việc tại Anh cũng như biên giới tương lai giữa Ireland và Bắc Ireland của Anh- đây vốn là vấn đề biên giới nhạy cảm làm đau đầu các nhà đàm phán.
Một nước Anh yếu bên bàn đàm phán
Bài phát biểu về Brexit của Thủ tướng Anh được dư luận rất chờ đợi, bởi người ta hy vọng bà sẽ có những động thái thúc đẩy đàm phán Brexit vốn đang lâm vào bế tắc. Không phải ngẫu nhiên mà Thủ tướng Anh T.May chọn châu Âu để phát biểu về chiến lược mới của bà, mà chuyến đi này là có chủ đích, một mặt làm dịu lập trường với EU, mặt khác khơi thông cuộc đàm phán vẫn ở “điểm xuất phát” mấy tháng qua.
Rõ ràng Thủ tướng T.May đang ở thế khó trước khi bước vào các vòng đàm phán tiếp theo, bởi ngay trong nội bộ nước Anh cho thấy xuất hiện một sự chia rẽ, Thủ tướng Anh đã không nhận được sự ủng hộ tuyệt đối cho quá trình Brexit. Đảng bảo thủ - thuộc liên minh cầm quyền- đang gây sức ép buộc bà T. May phải sửa đổi Dự luật Anh rút khỏi EU (còn gọi là Dự luật Brexit) vừa được Hạ viện thông qua. Họ yêu cầu Quốc hội Anh phải được thông qua thỏa thuận cuối cùng về Brexit, giữ nước Anh ở lại thị trường chung và liên minh hải quan của EU ít nhất trong giai đoạn chuyển tiếp… Ngoài ra dự luật này còn bị các nghị sĩ Công đảng phản đối, họ cho rằng Thủ tướng đang trao quá nhiều quyền lực cho các bộ trưởng trong Chính phủ, điều này dễ dẫn tới sự thay đổi trong tiến trình đàm phán…. Trước thềm Đại hội đảng Bảo thủ, tương lai của bà T.May và tiến trình Brexit sẽ một lần nữa được thử thách.
Nước Anh đang trong giai đoạn "đếm ngược" để rời EU, để tránh một cuộc ra đi không có trật tự, các quan chức EU và Anh đã thống nhất gặp nhau mỗi tháng bốn ngày tại Brussels để thảo về các điều khoản Brexit trước khi quyết định các bước tiếp theo vào tháng 10 tới, thời điểm diễn ra Hội nghị thượng đỉnh EU. Và việc ra đi có “thuận buồm xuôi gió” lại không chỉ phụ thuộc vào nước Anh….