Ngày 17/12, các bác sĩ Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cho biết tại đơn vị vừa thực hiện phẫu thuật thành công cho bệnh nhân Trương Văn Nh. (58 tuổi, quê Sóc Trăng).
BS.CK2 Trần Văn Hiệp - Phó Trưởng khoa khoa Ngoại Tiêu hóa, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, cho biết, bệnh nhân có khối u kích thước lớn ở phần bụng trên, giới hạn không rõ, di động kém, ấn đau tức. Sau khi chụp MSCT bụng có bơm thuốc cản quang phát hiện khối u to, nhiều thùy, mật độ không đồng nhất, kích thước 28 x 22x 14cm chiếm toàn bộ thể tích bụng trên, dính vào gan trái và dạ dày, đè đẩy các tạng lân cận.
Các bác sĩ đang thực hiện ca phẫu thuật tách bỏ khối u "khủng" cho bệnh nhân
Khai thác bệnh sử, trước đó khoảng 1 năm, bệnh nhân bắt đầu tăng cân, bụng to dần nhưng do cơ thể không có dấu hiệu bất thường nên vẫn chủ quan nghĩ bụng to do béo lên. Cách đây khoảng 4 tháng, anh Nh. có uống một số loại thực phẩm chức năng không rõ loại, bụng ngày càng to nhanh hơn, cảm giác đau tức vùng ngực bụng, một tháng nay anh tự mua thuốc uống tình trạng bụng vẫn không giảm, đến khi bụng căng cứng và khó chịu nhiều hơn gây khó thở khi ngủ đêm anh mới đi khám tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương.
Với tình trạng của người bệnh, các bác sĩ đã quyết định thực hiện ca phẫu thuật khẩn cấp để tách khối u. Nhận định đây là một ca phẫu thuật khó do khối u nằm ở vị trí phức tạp, kích thước lại rất lớn, dính vào nhiều cơ quan quan trọng, ê kíp đã chuẩn bị cẩn trọng từ thành phần đến trang thiết bị cho cuộc phẫu thuật. BS Hiệp cho biết, sau khi thám sát ổ bụng, các phẫu thuật viên phát hiện một khối u rất lớn kích thước 30 x 22 x 15cm, nằm chiếm gần hết ổ bụng trên, tương đối di dộng, mật độ không đồng nhất, đè đẩy các tạng xung quanh, dính vào gan trái, tụy...
Các bác sĩ đã tiến hành phẫu tách bóc theo vỏ u, giải phóng các tạng xung quanh như đại tràng ngang, lách, tụy, cắt một phần thùy gan trái dính vào u, cắt thân vị dạ dày. Sau gần 5 giờ phẫu thuật các bác sĩ đã lấy trọn khối u khoảng 3,5kg.
Sau gần 5 giờ phẫu thuật, khối u 3,5kg đã được bóc tách thành công
“Quá trình phẫu thuật gặp nhiều khó khăn do tăng sinh mạch nhiều, mạch nuôi khối u không chỉ có cuống mạch mà còn phát triển xung quanh khối u gây mất nhiều máu, khó cầm máu trong quá trình phẫu thuật. Hơn nữa, kích thước u lớn chiếm toàn bộ thể tích ổ bụng trên, chèn ép, đè đẩy các tạng và các mạch máu xung quanh làm biến đổi giải phẫu vùng bụng, gây khó khăn trong việc xác định, kiểm soát các tạng lân cận để bóc tách khối u” BS. Hiệp cho biết.
Sau phẫu thuật, bệnh nhân hồi phục sức khỏe tốt, sau 3 ngày có thể vận động, trung tiện, tiểu tiện bình thường. Hiện tại bệnh nhân có thể đi lại, ăn nhẹ với thức ăn lỏng. Dự kiến bệnh nhân xuất viện sau khoảng một tuần. Sau mổ 3 tuần, khi tình trạng bệnh nhân ổn định, bệnh nhân được xem xét chỉ định điều trị bỗ trợ sau mổ và dần ổn định.
Bệnh nhân đã hồi phục sau phẫu thuật
U mô đệm đường tiêu hóa là loại u mô đệm thường gặp nhất. Theo thống kê của Mỹ, tỷ lệ mắc chuẩn hoá theo tuổi hàng năm của Mỹ là 7 trường hợp/1 triệu dân, trong khi đó các nghiên cứu dựa trên cộng đồng ở Hà Lan, Trung Quốc và Cộng hòa Séc cho thẩy tỷ lệ mắc dao động ở mức 8,6 - 21,1 trường hợp/1 triệu dân. GIST có thể gặp ở tất cả các vị trí của đường tiêu hoá nhưng nhiều nhất ở dạ dày 63,7%, ruột non 21,5%.
BS Hiệp khuyến cáo, người dân khi phát hiện tình trạng bụng to bất thường nên đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và phát hiện sớm để được điều trị đúng chuyên khoa, tuyệt đối không tự mua thuốc uống, không điều trị theo dân gian sẽ làm chậm trễ quá trình điều trị cũng như mất đi thời giang vàng để điều trị triệt để bệnh cá tính.