Bừng sáng nét đẹp văn hóa xin chữ đầu năm

07-02-2020 12:58 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Mặc dù đời sống đã bước vào thời đại công nghệ 4.0, tuy nhiên nét đẹp văn hóa xin chữ đầu năm của người Việt vẫn được gìn giữ và phát triển. Đặc biệt vài năm trở lại đây, Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) luôn rộn ràng hội chữ khi xuân về, là nơi hội tụ nhiều ông đồ với tài viết chữ để phục vụ nhu cầu xin chữ, thưởng lãm của nhân dân.

Nét đẹp truyền thống

Theo nhà thư pháp Cung Khắc Lược, xin chữ đầu năm là một nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt, đây cũng là việc làm mong muốn của người xin chữ cho cả một năm mới mang đến những điều may mắn, bình an và phúc thọ tràn đầy. Mỗi bức thư pháp khi hoàn thành bao giờ cũng có hai con người đồng cảm, đó là bộ óc, trí tuệ của người cho chữ gặp trái tim, tâm hồn người xin chữ. Những ước vọng tốt đẹp cho một năm mới hạnh phúc, bình an được lồng trong những nét mực uyển chuyển. Ngoài cầu may mắn, người ta còn muốn xin cái đức độ, tài năng của ông đồ và lấy chữ để răn mình. Đó cũng là một minh chứng về truyền thống hiếu học, trọng chữ nghĩa của dân tộc Việt Nam.

Bàn về ý nghĩa của thú chơi thư pháp ngày Tết cũng như những ngày đầu xuân mới, các nhà thư pháp cho rằng, tùy theo đối tượng và lứa tuổi mà người xin chữ muốn xin các ông đồ chữ để phù hợp với tâm tư nguyện vọng. Thông thường, người lớn thường thích các chữ Phúc, Lộc, Thọ, An Khang, Cát Tường, Như Ý... nhằm cầu mong sự bình yên cho gia đình con cháu. Trong khi đó, các nhà thư pháp cho biết giới doanh nhân thích các chữ Phát, Lộc, Tài, Vượng để mong cho công việc kinh doanh được phát triển, thuận buồm xuôi gió. Những nam thanh nữ tú là giới trẻ, là tương lai của đất nước lại thích chữ Chí, Thành, Đạt, Đắc, Nhẫn. Theo đó, “Chí” nghĩa là phải có ý chí quyết vượt mọi khó khăn; “Thành” có nghĩa là nên việc; “Đạt” là thỏa mãn yêu cầu; “Đắc” là được, “Nhẫn” là kiên trì nhẫn nại trong mọi việc. Còn các em nhỏ thường được bố mẹ chọn cho các chữ Học, Hiếu, Lễ, Nghĩa, Tiến với ước mong con mình lớn lên từ những điều kỳ vọng của bố mẹ, trở thành những người con hiếu thảo của gia đình, một công dân có ích cho xã hội.

Ở nước ta, xin chữ đầu năm đã thành thói quen không thể thiếu, một nét văn hóa của người Việt và gắn liền với câu ca Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ, Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh. Chữ thường được viết trên nền giấy đỏ, bởi theo quan niệm của người phương Đông, màu đỏ là màu của sự sống và sự tái sinh, là biểu tượng của sự may mắn, nên trong ngày Tết và những ngày đầu xuân mọi thứ đều có màu đỏ.

Bừng sáng nét đẹp văn hóa xin chữ đầu nămCác bạn trẻ khoe xin được chữ “Tài” tại Hội chữ Xuân Canh Tý 2020.

Rộn ràng hội chữ

Ở nước ta, Hà Nội là một trong những thành phố đã, đang duy trì được hội chữ Xuân để phục vụ nhu cầu của người dân trong những ngày đầu năm mới. Năm nay, Hội chữ Xuân Canh Tý tại Hà Nội tiếp tục diễn ra ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám, thu hút hàng vạn lượt người đến tham quan, xin chữ các ông đồ. Hội chữ Xuân Canh Tý lần này diễn ra từ trước Tết đến 10 tháng Giêng, có sự tham gia của 52 người viết thư pháp. Xung quanh Hội chữ, Ban tổ chức trưng bày nhiều tác phẩm thư pháp chữ Hán, chữ Nôm và chữ Quốc ngữ có chủ đề “Thành Đức” với mong muốn giới thiệu những giá trị tốt đẹp của truyền thống hiếu học, hiếu nghĩa, tôn sư trọng đạo, tôn trọng hiền tài... thông qua những tác phẩm thư pháp mang hơi thở của cuộc sống đương đại.

Bên cạnh đó, Hội chữ Xuân Canh Tý tái hiện không gian giáo dục thi cử truyền thống như làng sĩ tử, các cụm tiểu cảnh, các điểm chụp ảnh phục vụ khách du xuân. Nhiều gian hàng của làng nghề thủ công truyền thống (giấy dó, tơ lụa, sơn mài, gốm sứ, khảm trai, mây tre đan nghệ thuật...); nhiều trò chơi đậm nét văn hóa (kéo co, đi dép cao su tập thể, đập niêu...) cùng các chương trình biểu diễn làn điệu dân ca, những môn nghệ thuật truyền thống tạo nên sự kết nối, trở về với những giá trị tốt đẹp của truyền thống văn hóa dân tộc.

Tại không gian Hội chữ, bạn Tống Phượng là sinh viên đang theo học tại Hà Nội, chia sẻ: “Em đến hội chữ và đã xin chữ Lộc. Em xin chữ này để gửi tặng bố mẹ ở quê, với mong muốn có một năm làm ăn phát tài, phát lộc, của cải dôi dư, đời sống sung túc. Đây cũng như một lời chúc may mắn, món quà mừng tuổi của em dành cho bố mẹ trong những ngày đầu năm mới”. Trong khi đó, anh Minh Tưởng lại xin chữ Tâm. Theo anh Tưởng, trong Phật giáo, chữ Tâm có ý nghĩa tâm linh sâu sắc đối với người Việt Nam. “Vì thế, tôi đã xin chữ này ở hội chữ để vừa tự răn mình và cả mọi người cần tu dưỡng đạo đức, mong giữ được tâm thanh tịnh, xóa hết dục vọng, tham - sân - si, ích kỷ, hận thù... để có một cuộc sống yên bình, thanh thản”, anh Tưởng cho biết.

Không khó để nhận thấy những năm gần đây thú chơi chữ, xin chữ đầu xuân đã ngày càng được nhiều người quan tâm hơn, từ người cao niên tới các em nhỏ. Điều này đã chứng tỏ sức sống trường tồn của một nét đẹp văn hóa của người Việt vẫn được gìn giữ và phát triển, bất chấp sự ồn ào của một nền kinh tế thị trường đang lan sâu vào đời sống văn hóa của người dân.


Quỳnh Phạm
Ý kiến của bạn