Bùng phát bệnh tay-chân-miệng

06-10-2014 08:00 | Thời sự
google news

SKĐS - Khoảng 2 tuần nay, số ca mắc bệnh tay-chân-miệng tại TP. Hồ Chí Minh đột ngột tăng cao.

Khoảng 2 tuần nay, số ca mắc bệnh tay-chân-miệng tại TP. Hồ Chí Minh đột ngột tăng cao. Diễn biến của bệnh tay-chân-miệng cho thấy căn bệnh này có khả năng bộc phát thành dịch ở một số quận huyện nếu không tích cực phòng chống.

Theo BS. Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP. Hồ Chí Minh, bệnh tay-chân-miệng trên địa bàn thành phố đang gia tăng ở mức báo động khi số ca nhập viện tăng vọt ở tuần cuối tháng 9 và tăng liên tục ở những tuần trước đó. Nếu như tháng 8/2014 toàn thành phố có 519 ca mắc bệnh tay-chân-miệng thì đến tháng 9 đã lên đến 799 ca (tăng gần 300 ca trong 1 tháng - PV), trong đó một cháu bé 8 tháng tuổi đã tử vong vì căn bệnh này.

Số trẻ mắc bệnh tay-chân-miệng tăng và nhiều ca biến chứng nặng.

Số trẻ mắc bệnh tay-chân-miệng tăng và nhiều ca biến chứng nặng.

Ghi nhận tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2 và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, mỗi ngày đều có ca bệnh tay-chân-miệng mới phải nhập viện. Nhiều trường hợp biến chứng co giật phải theo dõi. Số ca bệnh tăng bất thường vào tuần thứ 39 (tuần vừa qua), tăng nhiều ở các quận/huyện Bình Chánh, quận 6, Gò Vấp, Tân Bình. Các quận 8, 6, Tân Bình, Tân Phú, Bình Thạnh có số ca bệnh tay-chân-miệng phải nhập viện tăng trên 100% so với tuần 33 và kéo dài hơn 2 tuần.

Tại Khoa khám của Bệnh viện Nhi Đồng 2, mỗi ngày có đến 20 - 30 trẻ em nghi mắc và mắc tay-chân-miệng đến khám. Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, số trẻ mắc bệnh tay-chân-miệng đến khám tuy có giảm so với các tháng trước nhưng mỗi ngày vẫn có đến 30 - 40 trẻ, trong đó có cả trẻ từ các tỉnh khác chuyển về.

BS. Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho rằng, hiện chưa phải là thời cao điểm của dịch tay-chân-miệng, bệnh này xảy ra rải rác quanh năm, tập trung vào thời điểm đầu năm học như hiện nay. Tuy nhiên, hiện tượng bệnh bùng phát sớm là hết sức đáng lo ngại. Bên cạnh các ổ dịch trong cộng đồng thì các bác sĩ cũng cảnh báo về tình trạng các chùm ca bệnh ở trường học. Riêng về ca tử vong của cháu bé 8 tháng tuổi, qua theo dõi hồ sơ bệnh án của ca tử vong này, BS. Trương Hữu Khanh nhận định, đây là một trong những trường hợp không mang những dấu hiệu điển hình của bệnh tay-chân-miệng. Do đó, bác sĩ và người nhà cần phải lưu ý, chú tâm hơn vào việc phát hiện các ca mắc bệnh không điển hình để cho nhập viện theo dõi điều trị kịp thời, không để biến chứng quá nặng.

Cũng theo BS. Khanh, giật mình là triệu chứng đặc trưng của bệnh tay-chân-miệng không thể lẫn với những bệnh khác. Bên cạnh đó, trẻ bị tăng huyết áp cộng với loét miệng cũng là dấu hiệu đặc trưng của bệnh. Những triệu chứng có thể chắc chắn là trẻ bị tay-chân-miệng biến chứng nặng như: giật mình, run tay, run chân, đi đứng loạng choạng, thở nhanh, tăng huyết áp, mạch nhanh, suy hô hấp... đều phải nhập viện để theo dõi.

Tại cuộc họp giao ban về công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh diễn ra mới đây, BS. Nguyễn Trí Dũng cảnh báo, bệnh tay-chân-miệng đang đi vào đỉnh dịch thứ hai trong năm và sẽ còn tăng cao trong những tháng tới. Để ngăn bệnh lây lan, ngoài việc tuyên truyền cho phụ huynh hiểu được cách phòng bệnh cho trẻ (vệ sinh môi trường và những vật dụng trẻ tiếp xúc), y tế dự phòng khi phát hiện ca bệnh, cần điều tra dịch tễ để khoanh vùng, không để tạo thành ổ bệnh.

Cũng theo BS. Dũng, để hạn chế dịch bệnh này, TP. Hồ Chí Minh đã triển khai thực hiện chiến dịch “Vệ sinh khử khuẩn, vệ sinh môi trường, diệt muỗi, diệt loăng quăng phòng ngừa dịch bệnh trên địa bàn thành phố”; đồng thời tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát, chỉ đạo, hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh tại 24 quận/huyện, tập trung vào những quận/huyện có số ca mắc bệnh cao như: Bình Chánh, Hóc Môn, Quận 8, Bình Thạnh, Tân Phú... Kiểm soát chặt chẽ các ca nhiễm trong các trường mầm non và các nhóm trẻ gia đình; khẩn trương xử lý các ổ dịch nhỏ, các ca bệnh lẻ tẻ theo hướng dẫn của Bộ Y tế về giám sát và phòng chống bệnh sốt xuất huyết, tay-chân-miệng.

Bệnh tay-chân-miệng ở trẻ có các triệu chứng dễ nhận ra như: sốt, chán ăn, mệt mỏi và thường xuyên bị đau họng; sau đó, trong miệng, lưỡi, nướu răng sẽ xuất hiện lở loét, phát ban trên da.

Các đốm ban thường nằm trong lòng bàn tay và lòng bàn chân; cũng có thể xuất hiện trên mông và/hoặc ở cơ quan sinh dục. Một số ít trường hợp bị nặng và biến chứng, diễn biến nhanh với các triệu chứng về thần kinh, hô hấp và nhanh chóng dẫn đến tử vong.

Theo các bác sĩ chuyên khoa, bệnh tay-chân-miệng, nếu xác định được bệnh, chỉ cần cho trẻ uống thuốc theo đơn của bác sĩ và ở nhà theo dõi trong vòng một tuần sẽ hết.

Mai Lan

 


Ý kiến của bạn