Bụi siêu mịn - 'Sát thủ' vô hình có thể gây đột biến gen và ung thư da

15-12-2018 07:09 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Bụi siêu mịn không thể thấy bằng mắt thường, nó nhỏ đến mức chỉ bằng 1/50 đường kính của 1 sợi tóc. Tuy nhiên, chuyên gia da liễu cảnh báo, trong loại bụi siêu mịn này có chứa các hạt kim loại siêu nhỏ có thể gây đột biến gen và ung thư da.

Theo tính toán dựa trên số liệu nghiên cứu về hiện trạng chất lượng môi trường TP.HCM, số lượng các chất dạng hạt ngoài trời và lượng da chết thải ra trên cơ thể phụ nữ có thể lên tới 6kg/năm. Con số này có thể khiến nhiều người phải giật mình, nhưng nhìn vào thực tế ô nhiễm không khí hiện nay, đặc biệt tại các khu đô thị đông đúc thì đó cũng không phải là điều quá khó để giải thích.

Nếu bụi thô có kích thước được ví như con cá voi, bụi mịn chỉ to bằng con voi. Còn bụi siêu mịn chỉ có kích thước bằng con người. Sát thủ chính là loại bụi siêu mịn mà không thể thấy bằng mắt thường. Nó nhỏ đến mức chỉ bằng 1/50 đường kính của 1 sợi tóc.

TS.BS Đỗ Thị Thu Hiền - Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Da liễu Trung ương.

Tuy là thứ tưởng như vô hình như vậy nhưng theo TS.BS Đỗ Thị Thu Hiền - Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Da liễu Trung ương: Trong bụi siêu mịn có chứa các hạt kim loại siêu nhỏ có thể gây đột biến gen và ung thư da.

Ngoài ra, nó cũng là dị nguyên gây dị ứng trên cơ thể, gây khởi phát hoặc tái phát các bệnh da mạn tính như mày đay, vảy nến, viêm da cơ địa.

Cách nào loại bỏ bụi siêu mịn?

Bụi siêu mịn nhỏ đến mức không thể thấy bằng mắt thường như vậy thì làm sao để ứng phó với bụi siêu mịn? TS.BS Đỗ Thị Thu Hiền cho rằng, bụi siêu mịn luôn tồn tại trong không khí, loại bỏ nó là điều bất khả thi. Do vậy, tất cả mọi người, đặc biệt là cư dân đô thị cần tìm cách đối phó.

Đeo khẩu trang là phương pháp được áp dụng nhiều nhất, tuy nhiên đó chưa phải là biện pháp hữu hiệu. Khẩu trang thông thường chỉ ngăn chặn được những hạt bụi lớn. Nếu có điều kiện hơn, người dân có thể sử dụng khẩu trang chuyên dụng với khả năng lọc bụi và vi khuẩn tới 95%.

Bụi siêu mịn - Sát thủ vô hình tới sức khỏe con người.

Bên cạnh đó, bác sĩ da liễu cũng khuyến cáo người dân cần chú ý:

Mặc các loại quần áo dài tay, đeo khẩu trang hoạt tính, sử dụng kính chắn bụi mỗi khi ra đường.

Sử dụng nước muối sinh lý để nhỏ mắt, vệ sinh mũi sau khi đi ra ngoài.

Rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và làm sạch cơ thể trước khi đi ngủ.

Không ăn uống ở lề đường.

Chọn thực phẩm không bị nhiễm bẩn.

Hạn chế đi ra ngoài vào giờ cao điểm hoặc thời điểm thời tiết hanh khô.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 12,6 triệu người trên thế giới tử vong vì ô nhiễm môi trường, tức là cứ 4 người chết thì có 1 người tử vong do hậu quả của việc sống và làm việc trong môi trường ô nhiễm.

Môi trường ô nhiễm không chỉ là hậu quả của sự phát triển kinh tế xã hội, ý thức bảo vệ môi trường của con người kém mà còn là do sự biến đổi của tự nhiên.... Tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, vấn đề ô nhiễm môi trường đã trở nên đáng báo động do tình trạng tập trung đông dân cư dẫn tới ô nhiễm, khói bụi từ các công trình xây dựng, mật độ phương tiện giao thông lớn cộng thêm khí thải từ than, củi hoặc do người dân ngoại thành đốt rơm rạ gây ô nhiễm không khí ở nội đô....

Bên cạnh đó nguồn ô nhiễm ngay trong mỗi gia đình như ô nhiễm do khói thuốc, do thói quen sinh hoạt, dùng loại bếp, thiết bị sưởi ấm ... vô tình đã trở thành nguồn ô nhiễm gây ảnh hưởng tới sức khỏe.

Một kết quả đo và phân tích chỉ số không khí (AQI) trên địa bàn Hà Nội đầu tháng 10/2016 cho thấy, nhiều nơi tại thủ đô chất lượng không khí rất kém, do nồng độ bụi trong không khí cao, vượt mức cho phép, được xếp vào nhóm “rất không tốt cho sức khỏe” và nên hạn chế tiếp xúc. Điều này làm cho người dân thủ đô và dư luận rất lo ngại.

Theo các chuyên gia y tế, con người sống trong môi trường bị ô nhiễm sẽ dẫn tới các căn bệnh nguy hiểm như các bệnh về đường hô hấp, tim mạch, tiêu hóa, các bệnh về mắt hay thậm chí cả căn bệnh ung thư. WHO cho biết, mỗi năm có 1,4 triệu người chết vì mắc bệnh hô hấp mạn tính do ô nhiễm môi trường; 2,5 triệu người tử vong vì đột quỵ hay 1,7 triệu người chết vì ung thư đều có nguyên nhân do môi trường ô nhiễm....


Dương Hải
Ý kiến của bạn