Bụi mịn PM2.5 "bủa vây" Hà Nội, những tuyến đường nào ô nhiễm nhất?

02-04-2019 15:11 | Thời sự
google news

SKĐS - Theo Tổng cục Môi trường, nồng độ PM2.5 vượt chuẩn khá cao chủ yếu tập trung tại các khu vực có các hoạt động xây dựng đang diễn ra hoặc mật độ giao thông cao như đường Phạm Văn Đồng, phố Hàng Đậu, phường Minh Khai (Q. Bắc Từ Liêm)...

Xem thêm: Thực hư thông tin "Hà Nội ô nhiễm bụi thứ 2 Đông Nam Á"?

Ngày 2/4, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã thông tin về diễn biến chất lượng môi trường không khí tại Thủ đô Hà Nội trong quý I/2019.

Nồng độ bụi PM2.5 một số ngày đã vượt giới hạn cho phép

Theo Tổng cục Môi trường, tại Hà Nội và một số tỉnh thành miền Bắc, ô nhiễm bụi vào thời gian mùa đông và đầu xuân tăng cao hơn những mùa khác trong năm. Đây cũng là hiện tượng thường gặp trong nhiều năm qua và có tính quy luật, ô nhiễm bụi mịn tăng cao vào thời gian tháng 12, tháng 1-2 và có thể kéo dài sang tháng 3.

Quy luật này cũng đã thể hiện khá rõ trong khoảng thời gian vừa qua khi nồng độ bụi trong môi trường không khí của Thủ đô Hà Nội đang có những biến động đáng kể, đặc biệt là sự gia tăng nồng độ bụi PM2.5.

Kết quả quan trắc từ các Trạm quan trắc không khí tự động đặt tại Nguyễn Văn Cừ do Tổng cục Môi trường quản lý, 10 trạm quan trắc không khí tự động do Sở TN&MT Hà Nội quản lý, tham chiếu số liệu của Trạm quan trắc không khí tự động tại số 8 Láng Hạ của Đại sứ quán Mỹ trong Quý I năm 2019 cho thấy: Nồng độ bụi PM2.5 trung bình 24 giờ của một số ngày đã vượt giới hạn cho phép của QCVN 05:2013/BTNMT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng môi trường không khí xung quanh. Thời gian nồng độ bụi mịn (PM2.5) tăng cao đột biến tập trung trong tháng 1 và tháng 3, đặc biệt trong các ngày 11-13/01, 19-20/01, 23-26/01, 11-14/03, 20-22/03 và 26-27/03.

Biểu đồ 1. Diễn biến giá trị trung bình 24h của PM2.5 tại các trạm quan trắctrên địa bàn Hà Nội (01/01/2019 – 30/03/2019).

Tỷ lệ số ngày có nồng độ PM2.5 vượt QCVN 05:2013/BTNMT tại 12 trạm quan trắc không khí tự động tại Hà Nội có sự khác nhau giữa các khu vực. Kết quả phân tích số liệu tại Biểu đồ 2 cho thấy các trạm có tỷ lệ số ngày nồng độ PM2.5 vượt chuẩn khá cao chủ yếu tập trung tại các khu vực có các hoạt động xây dựng đang diễn ra hoặc mật độ giao thông cao như đường Phạm Văn Đồng, phố Hàng Đậu, phường Minh Khai (Q. Bắc Từ Liêm)...; tại các khu vực khác, tỷ lệ số ngày nồng độ PM2.5 vượt chuẩn là tương đối thấp.

Biểu đồ 2. Tỷ lệ số ngày trong tháng 01-03/2019 có giá trị trung bình 24 giờ của PM2.5 vượt QCVN tại các trạm quan trắc trên địa bàn Hà Nội.

Đánh giá theo chỉ số chất lượng không khí (AQI) cho thấy, trong 03 tháng đầu năm 2019, phần lớn thời gian, chất lượng không khí tại các khu vực có trạm đo ở mức trung bình (tỷ lệ ngày có chất lượng không khí ở mức trung bình tại hầu hết các trạm trên địa bàn thành phố Hà Nội dao động trong khoảng 50-60%).

Tại các khu vực ngoại vi hoặc các khu vực có không gian thoáng, nhiều cây xanh như Nguyễn Văn Cừ, Mỹ Đình, Tân Mai, Tây Mỗ, số lượng ngày có chất lượng không khí ở mức tốt và mức trung bình chiếm tỷ lệ khá cao. Một số khu vực như Phạm Văn Đồng, Hàng Đậu, Minh Khai, số ngày có chất lượng không khí ở mức kém và xấu cao hơn. Đây là những khu vực có mật độ phương tiện giao thông cao, cộng với các công trình xây dựng, nâng cấp hạ tầng đô thị đang diễn ra làm phát sinh một lượng bụi lớn vào môi trường (Biểu đồ 3).

Biểu đồ 3. Tỷ lệ mức độ ô nhiễm theo giá trị AQI tại các trạm quan trắc trên địa bàn Hà Nội trong tháng 01 – 03/2019.

Bụi mịn PM2.5 tăng cao vào giờ cao điểm

Theo dõi diễn biến nồng độ bụi PM2.5 qua các giờ trong ngày cho thấy, nồng độ bụi PM2.5 dao động trong khoảng từ 40 – 80 µg/m3, thường tăng cao vào các giờ cao điểm, khi mật độ giao thông lớn. Tuy nhiên, số liệu quan trắc cũng cho thấy nồng độ bụi PM2.5 cũng tăng cao vào một số khoảng thời gian khác, cụ thể: Thời gian từ 23h đêm đến 5h sáng các ngày 19-20/1, 23-27/01, 11-14/03, 20-22/03 và 26-27/03. Theo số liệu khí tượng, đây chính là thời điểm gió mùa đông bắc tràn về Thủ đô Hà Nội.

Hiện tượng ô nhiễm bụi mịn thường tăng cao vào thời gian tháng 12, tháng 1-2 và có thể kéo dài sang tháng 3 tại Thủ đô Hà Nội là do trong khoảng thời gian này, Hà Nội chịu tác động mạnh của gió mùa Đông Bắc.

"Nền nhiệt độ trong không khí khá cao cộng với sự di chuyển, biến động của các khối khí tầng trên đã nén khí tầng thấp, khiến cho lượng bụi mịn không thể khuếch tán.

Bên cạnh đó, vào những ngày có độ ẩm cao, sương mù xuất hiện làm cho sự lưu thông khí quyển bị hạn chế, các chất ô nhiễm không thể khuếch tán được lên cao để pha loãng và phát thải mà bị giữ lại tại tầng khí quyển sát mặt đất, làm gia tăng ô nhiễm môi trường không khí"- Tổng cục Môi trường lý giải.

Nguồn: TTXVN.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 12,6 triệu người trên thế giới tử vong vì ô nhiễm môi trường, tức là cứ 4 người chết thì có 1 người tử vong do hậu quả của việc sống và làm việc trong môi trường ô nhiễm.

Bụi siêu mịn không thể thấy bằng mắt thường, nó nhỏ đến mức chỉ bằng 1/50 đường kính của 1 sợi tóc. Tuy nhiên, chuyên gia da liễu cảnh báo, trong loại bụi siêu mịn này có chứa các hạt kim loại siêu nhỏ có thể gây đột biến gen và ung thư da.

Tuy là thứ tưởng như vô hình như vậy nhưng theo TS.BS Đỗ Thị Thu Hiền - Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Da liễu Trung ương: Trong bụi siêu mịn có chứa các hạt kim loại siêu nhỏ có thể gây đột biến gen và ung thư da. Ngoài ra, nó cũng là dị nguyên gây dị ứng trên cơ thể, gây khởi phát hoặc tái phát các bệnh da mạn tính như mày đay, vảy nến, viêm da cơ địa.

Đeo khẩu trang là phương pháp được áp dụng nhiều nhất, tuy nhiên đó chưa phải là biện pháp hữu hiệu. Khẩu trang thông thường chỉ ngăn chặn được những hạt bụi lớn. Nếu có điều kiện hơn, người dân có thể sử dụng khẩu trang chuyên dụng với khả năng lọc bụi và vi khuẩn tới 95%.

Bên cạnh đó, bác sĩ da liễu cũng khuyến cáo người dân cần chú ý: Mặc các loại quần áo dài tay, đeo khẩu trang hoạt tính, sử dụng kính chắn bụi mỗi khi ra đường; Sử dụng nước muối sinh lý để nhỏ mắt, vệ sinh mũi sau khi đi ra ngoài; Rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và làm sạch cơ thể trước khi đi ngủ; Không ăn uống ở lề đường; Chọn thực phẩm không bị nhiễm bẩn; Hạn chế đi ra ngoài vào giờ cao điểm hoặc thời điểm thời tiết hanh khô.

Lê Nguyên
Ý kiến của bạn