Hà Nội

Bụi công trình “làm khó” bệnh viện phổi!

28-09-2013 16:19 | Xã hội
google news

Tình trạng bụi đất đá ảnh hưởng nghiêm trọng đến Bệnh viện (BV) Phổi Hà Nam đã nhiều tháng nay, mạnh nhất là từ khi Dự án Khu đô thị Liêm Chính (TP. Phủ Lý, Hà Nam) tiếp tục tiến hành san lấp mặt bằng và xây dựng cơ sở hạ tầng, đáng nói tại dãy nhà điều trị lao phổi của BV trúng hướng gió,

Tình trạng bụi đất đá ảnh hưởng nghiêm trọng đến Bệnh viện (BV) Phổi Hà Nam đã nhiều tháng nay, mạnh nhất là từ khi Dự án Khu đô thị Liêm Chính (TP. Phủ Lý, Hà Nam) tiếp tục tiến hành san lấp mặt bằng và xây dựng cơ sở hạ tầng, đáng nói tại dãy nhà điều trị lao phổi của BV trúng hướng gió, bệnh nhân điều trị ở đây hàng ngày ngoài uống thuốc thang đặc chủng, còn phải thường xuyên hít bụi, tình trạng này đã gây không ít khó khăn trong công tác điều trị dứt bệnh của BV.

Nghịch lý "trái khoáy" này bắt đầu từ khi ban dự án lại chọn đường Tô Hiệu chạy qua trước cửa BV Phổi Hà Nam làm lối chính vận chuyển nguyên vật liệu xây dựng, san lấp mặt bằng phục vụ Dự án Khu đô thị Liêm Chính, TP. Phủ Lý (Hà Nam) đã nhiều tháng nay, với tần suất hàng trăm lượt xe tải trọng lớn quần đảo ngày đêm, bệnh nhân trong BV Phổi Hà Nam thường xuyên trở thành "nạn nhân bất đắc dĩ", chữa bệnh lao phổi mà hít bụi hàng ngày!

Bụi công trình “làm khó” bệnh viện phổi! 1
 Ngày mưa lầy lội, bùn đất bẩn thỉu.

Một bệnh nhân phổi tên Tuấn, 63 tuổi, ở xã Chân Lý, huyện Lý Nhân (Hà Nam) đang nằm điều trị bệnh phổi tại BV cho biết: "…tôi đã trải qua hết một đợt điều trị mà bệnh chưa thuyên giảm, ở trong phòng điều trị mà suốt ngày phải khóa kín cửa, không khí ngột ngạt, mở cửa ra thì bụi ngoài đường từ xe công trình lại thốc vào miệng, mũi, khó chịu vô cùng...". Bệnh nhân Ngô Tiến Mạnh cùng phòng ông Tuấn bức xúc thêm: "... các anh bảo điều trị bệnh phổi trong môi trường không khí trong lành còn khó, đằng này bệnh nhân chúng tôi thường xuyên hít bụi thì bao giờ mới khỏi được bệnh, có thuốc "tiên" mới hết được bệnh (!)".

Tìm hiểu chúng tôi được biết, BV Phổi Hà Nam (nằm trên địa phận phường Liêm Chính, TP. Phủ Lý) có 100 giường bệnh, tại thời điểm làm việc chúng tôi ghi nhận có khoảng 100 bệnh nhân đang lưu trú điều trị bệnh. Mỗi đợt điều trị bệnh phổi thông thường kéo dài từ 10 -15 ngày, bệnh lao là 6 tháng, xong do BV thường xuyên bị ảnh hưởng nặng nề của bụi đá xe công trình qua lại nên mỗi đợt điều trị bệnh phổi bị kéo dài hơn dẫn đến tình trạng quá tải thường xuyên của BV.

Ông Hoàng Xuân Đạo, Trưởng phòng Hành chính - Tổ chức, BV Phổi Hà Nam cho biết, bụi nói chung đặc biệt là bụi đá gây kích ứng rất mạnh cho bệnh nhân phổi, gây khó thở cho bệnh nhân, đặc biệt làm cho một số bệnh nhân mắc chứng ho xuyễn, viêm phổi tắc nghẽn (Ci-bi-di) biến chứng mạnh, khó tiên đoán và điều trị rất khó khăn.

Bụi công trình “làm khó” bệnh viện phổi! 2
 Ngày nắng lập tức số đất bùn này biến thành những đám bụi mù trời bao trùm lấy toàn BV Phổi Hà Nam.

Qua quan sát, đoạn đường Tô Hiệu chạy qua cổng BV dài chừng 200m, song nó đã gây tác hại không nhỏ đến việc điều trị lao phổi tại BV Phổi Hà Nam. Đoạn đường này trước đây đã được đổ nhựa kiên cố, song do xe tải trọng lớn cày xới ngày đêm phục vụ Dự án Khu đô thị Liêm Chính, nay đường hư hỏng, đất đá lởm chởm, tan hoang, ổ voi ổ gà chằng chịt, ngày nắng thì bụi mù trời, ngày mưa ngập nước bùn thành ao vũng bẩn thỉu. Mặc dù các xe công trình này có che bạt xong chỉ "chiếu lệ" để đối phó với đơn vị chức năng. Và từ chiệc chở quá tải nên đất đá vương vãi ra đầy mặt đường, khi khô ráo chúng lập tức biến thành những đám bụi khổng lồ "nuốt trọn" BV Phổi suốt ngày đêm. Và theo tìm hiểu của chúng tôi, các xe tải này thuộc Doanh nghiệp vận tải Thanh Tùng đóng đô trên địa bàn TP. Phủ Lý.

Trước tình trạng bức xúc trên, phía BV Phổi đã nhiều lần có kiến nghị lên cơ quan chức năng nhưng đến nay vẫn chưa được can thiệp, xử lý. Trước thực trạng bức xúc đã trình bày ở trên, đề nghị cơ quan chức năng tỉnh Hà Nam sớm có biện pháp chấn chỉnh nhằm đảm bảo môi trường tốt nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác chữa và điều trị bệnh lao, phổi cho nhân dân.

Quang Trần


Ý kiến của bạn