Bức xúc vấn nạn tranh giả

23-03-2018 14:25 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Vấn nạn tranh giả, tranh “nhái” trong thị trường mỹ thuật Việt đã không còn là chuyện hiếm ở nước ta. Tuy nhiên, gần đây, một trang mạng ngang nhiên và công khai rao bán tranh được sao chép, tranh giả mà các tác giả không hề hay biết hoặc chưa có sự đồng ý lại khiến giới trong nghề bức xúc.

Tranh giả giá “bèo” bán trên mạng

Trong đời sống mỹ thuật Việt, tình trạng tranh giả, tranh nhái đã diễn ra nhiều và tốn không ít giấy mực của báo giới. Tuy nhiên, hiện trạng này cho thấy có tính kế thừa vì năm này qua năm khác, tình trạng  xâm hại bản quyền tranh, tranh giả vẫn diễn ra như điều hiển nhiên khiến giới làm nghề chân chính ngao ngán và mệt mỏi.

Trung tuần tháng 3/2018, các họa sĩ tên tuổi ở nước ta bất ngờ và bức xúc khi trang mạng xuongtranh.vn (địa chỉ đặt tại Hà Nội) trưng bày, giới thiệu nhiều tranh sao chép, tranh giả và các bức tranh được rao bán với giá rẻ. Theo đó, mỗi bức tranh trên trang mạng được rao bán và giới thiệu khá chuyên nghiệp từ lúc còn trên giá vẽ, trong tổng thể nội thất cần trang trí, thậm chí còn trong một triển lãm mỹ thuật quốc tế. Tranh giả được chia theo các đề tài: phong cảnh, phong thủy, tĩnh vật, trừu tượng, đời sống và sắp xếp theo những tác phẩm mới nhất, tác phẩm được duyệt bởi hội đồng nghệ thuật, tác phẩm nổi bật, tác phẩm tiêu biểu, tác phẩm được nhà sưu tập quan tâm nhiều nhất, tác phẩm dễ treo tạo điểm nhấn cho căn hộ. Người mua chỉ cần xem tranh, ưng giá, click vào giỏ mua hàng, điền thông tin và xuongtranh.vn sẽ chép lại bức tranh khách đặt. Giá mỗi bức tranh rất “bèo”, chủ yếu từ 2 - 3 triệu đồng/bức. Trên tranh có cả chữ ký, gồm chữ ký giả và thậm chí là chữ ký của chính người sao chép. Tuy nhiên, tên đầy đủ tác giả của từng bức tranh thì không hề được giới thiệu.

Khi phát hiện trang web trên rao bán tranh giả, tranh sao chép một cách công khai; nhiều họa sĩ đã lên tiếng và phản ứng gay gắt khi trang mạng đã ngang nhiên bán tranh với giá rẻ, chưa được sự đồng ý của các tác giả. Họa sĩ Đặng Tiến bức xúc cho biết, tranh gốc của anh còn đang giữ nhưng trên web đã rao bán, thậm chí còn ghi chữ “Khuyến mại”. Hoặc có bức tranh làm giả chữ ký họa sĩ Nguyễn Thanh Bình khiến họa sĩ này phải thốt lên “Trình ăn cắp của mấy chú này tệ thật, các chú làm thành tranh cắt dán rồi!”. Bên cạnh hai họa sĩ trên, nhiều họa sĩ khác như Khổng Đỗ Duy, Mai Huy Dũng… cho biết cũng là nạn nhân của trang web xuongtranh.vn khi bị rao bán tranh giả, tranh nhái với giá bèo bọt.

Bức xúc vấn nạn tranh giảTranh giả rao bán trên mạng với giá rẻ khiến giới họa sĩ Việt bức xúc.

Theo nhà nghiên cứu mỹ thuật Phan Cẩm Thượng, trên thế giới cũng có xâm hại bản quyền, song tỉ lệ chỉ 5%, trong khi Việt Nam thì quá trầm trọng, chiếm tới 50%.

Cần sự nhập cuộc của cơ quan chức năng

Sự việc trang mạng trên rao bán tranh giả, sao chép tranh trái phép đã tạo nên làn sóng phản ứng của các họa sĩ ở nước ta. Nhiều ý kiến của người trong cuộc đã gửi đến ban quản trị trang mạng xuongtranh.vn, ngay lập tức, đại diện trang web này đã đăng lời xin lỗi các họa sĩ và chính thức xóa các hình ảnh tranh chép. “Chúng tôi gửi lời xin lỗi sâu sắc đến cộng đồng mỹ thuật Việt Nam”, đó là lời xin lỗi từ đại diện trang web xuongtranh.vn đưa ra. Tuy nhiên, từ sự việc này, các họa sĩ đã ngồi lại cùng nhau để nói lên tâm tư, suy nghĩ về “chuyện thường ngày ở huyện” nhưng chưa có hồi kết này với mong muốn các cơ quan chức năng cần có biện pháp ngăn chặn và xử phạt các hành vi sai trái để sự việc xấu xí này không còn lặp lại.

Họa sĩ Thành Chương đánh giá, việc tranh chép, tranh giả bao nhiêu năm qua đã làm thiệt thòi cho cả nền mỹ thuật của đất nước, làm hình ảnh mỹ thuật Việt Nam xấu xí trong mắt những nhà sưu tập tranh thế giới và đây là cái giá đắt vô cùng với giới làm nghệ thuật rất nhiều năm mới gây dựng được. Thế nhưng, nhiều vụ việc mua bán, trưng bày tranh giả bị phanh phui song chưa có trường hợp nào bị xử lý dứt điểm. “Chúng ta cần vào cuộc ngay, mạnh mẽ, đồng bộ, triệt để mới chấm dứt được sự bùng nhùng tai hại này”, họa sĩ Phạm Hà Hải cho biết. Họa sĩ này chia sẻ thêm, Hội Mỹ thuật Việt Nam nên tham gia vào việc bảo vệ quyền lợi cho hội viên. Đứng ra bảo vệ những họa sĩ khi có sự việc tranh chấp, làm giả “hàng nhái”. Trong khi đó, các tổ chức làm tranh giả, tranh chép cần phải được xử lý bởi vì bấy lâu họ hoạt động mà không có ai quản lý, kiểm soát.

Đồng quan điểm trên, họa sĩ Thành Chương chia sẻ, Hội Mỹ thuật Việt Nam - cơ quan tập hợp các nhà sáng tác cần chính thức nêu vấn đề tranh chép từ sự việc của xuongtranh.vn gần đây để phối hợp với các cơ quan chức năng làm rõ nhằm bảo vệ quyền lợi các họa sĩ, chấm dứt nạn tranh chép, đồng thời đảm bảo một xã hội văn minh, an toàn và sáng tạo. Trong khi đó, một số luật sư cho rằng, các họa sĩ nên thành lập tổ chức bảo vệ quyền tác giả. Ở Việt Nam đã có Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản thi hành, chúng ta cũng nên tìm hiểu về luật để có cách tự bảo vệ tác phẩm của mình chứ không nên thụ động chờ cơ quan chức năng giải quyết.


Ngọc Hòa
Ý kiến của bạn