Hà Nội

Bức tường lửa giữa tâm dịch COVID-19

01-06-2020 07:13 | Y tế
google news

SKĐS - Đôi khi không chỉ người bên ngoài xã hội, mà cả những bác sĩ khác không thuộc chuyên ngành truyền nhiễm, cũng len lén kéo vội khẩu trang, đi chếch xa một chút khi biết đối diện là một bác sĩ truyền nhiễm đang điều trị bệnh nhân COVID-19.

Vậy mà, suốt hơn 100 ngày với cuộc chiến COVID-19, những bác sĩ của Khoa Nhiễm D, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM vẫn vững vàng không sợ hãi bên lằn ranh sinh tử, đối mặt với những nguy hiểm chực chờ, bằng mọi nỗ lực chống lại “tử thần” níu kéo sự sống mong manh của những bệnh nhân biến chứng nặng vì SARS-CoV-2.

Có những gánh nặng tựa lông hồng

23 năm trong ngành cấp cứu chống độc và truyền nhiễm, BSCKII. Nguyễn Thanh Phong, Trưởng khoa Nhiễm D, BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM đã ví von anh cũng như các đồng nghiệp của mình như “các chiến sĩ thầm lặng chiến đấu với kẻ thù vô hình”. Bởi đã chọn ngành y nghĩa là đã có một sự chọn lựa hy sinh ngay từ ban đầu với một khát vọng cháy bỏng: Làm sao cứu sống được bệnh nhân.

“Khi tiếp nhận BN91, tôi đã được cảnh báo tải lượng virus của bệnh nhân rất cao, nguy cơ lây lan rất lớn. Đó là điều đáng ngại nhất, bởi Khoa Nhiễm D là một sợi dây xích, các mắt xích liền lạc, khỏe mạnh mới hoạt động trơn tru. Một nhân viên y tế vô tình bị lây nhiễm, cả khoa coi như bị cách ly hết, và đến tình huống phải cách ly toàn bệnh viện, và có thể cả hệ thống y tế của TP.HCM sẽ gặp nhiều khó khăn, bất động. Vì vậy, tôi yêu cầu từng nhân viên trong khoa tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình bảo hộ cá nhân, kiểm soát nhiễm khuẩn, tránh tối thiểu lây lan trong nhân viên y tế, lại vừa làm tâm lý để động viên nhân viên”, BS. Phong nhấn mạnh.

“Trong khi chăm sóc BN 91, viên phi công người Anh, vẫn còn bộn bề nhiều nỗi, Khoa Nhiễm D đã tiếp nhận thêm BN 278 từ Bạc Liêu chuyển lên. Với tinh thần đã xác định: Khoa Nhiễm D, BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, là khoa “chống dịch” tuyến cuối cùng, nên luôn trong tâm thế sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân nặng. Chúng tôi không hề sợ hãi mà đồng thuận, đoàn kết cả một tập thể vững vàng, giữ vững tinh thần để chiến đấu” - BS. Phong chia sẻ.

“Mỗi nhân viên đều phải tiếp cận với bệnh nhân, không sợ sệt, không né tránh. Nhưng với người có con nhỏ còn đang cho bú, hoặc có bệnh nền, có thai, tôi đều luân chuyển đi chỗ khác. Một số khoa khác sẽ hỗ trợ người tới, để đảm bảo an toàn. Ấy vậy mà có điều dưỡng mang một căn bệnh liên quan đến tự miễn, mếu máo không muốn đi”, BS. Thanh Phong cười nhẹ tênh tâm sự.

Các bác sĩ Khoa Cấp cứu, BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cấp cứu cho bệnh nhân.

Các bác sĩ Khoa Cấp cứu, BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cấp cứu cho bệnh nhân.

Được nhiều hơn mất “nhờ” COVID-19

Khi được hỏi “được - mất” trong những ngày chống dịch, BSCKII. Nguyễn Thanh Phong liệt kê nhanh những cái mất như: phải cách ly gia đình, phải ở dài ngày trong bệnh viện hoặc tại một khách sạn nào đó ở quận Tân Bình cho đến ngày 14/5/2020 mới chấm dứt, không còn thời gian chăm sóc con cái, không được gặp bạn bè, gặp một chút kỳ thị... Nhưng trên hết, ông cùng đồng nghiệp được rất nhiều, kể cả là những trải nghiệm thú vị đón bão lớn với đại dịch COVID-19.

BS. Phong lại say sưa tổng kết: “COVID-19 vốn gây tăng đông, nếu không dùng thuốc kháng đông, có khả năng gây thuyên tắc phổi, hoặc các cục máu đông có thể chạy lên tim gây nhồi máu cơ tim, hoặc chạy lên não gây nhồi máu não hay dẫn đến vi tắc mạch máu, nhiều khi chụp CT Scan cũng khó phát hiện ra một số cơ quan bị tổn thương, nên chúng tôi gián tiếp đánh giá qua các xét nghiệm máu, chứ không chỉ dựa vào hình ảnh. Những điều này, chúng tôi đã đọc qua các tài liệu khoa học, nhưng lần đầu mới tiếp cận thực tế”.

“Như bệnh nhân phi công người Anh này, trong ngành hồi sức cấp cứu Việt Nam chưa từng có tiền lệ sử dụng các loại thuốc như an thần, kháng đông chích đường tĩnh mạch... như đang sử dụng cho anh ta. Ngoài ra, để điều trị cho bệnh nhân chúng tôi có những nhóm làm việc gần như liên tục 24/24h bao gồm những chuyên gia hàng đầu của Bộ Y tế, TP.HCM, Hà Nội và cả BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM về hồi sức cấp cứu, truyền nhiễm, huyết học, dược, xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, chuyên khoa phổi... Chúng tôi đã tập hợp rất nhiều chất xám dành cho ca bệnh này và học hỏi được rất nhiều”, BS. Phong chia sẻ.

Những quyết đoán sinh tử và sự trưởng thành

BS. Dư Lê Thanh Xuân, Khoa Hồi sức Cấp cứu - Chống độc người lớn, BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, là bác sĩ trẻ nhất, 28 tuổi, trong nhóm bác sĩ điều trị trực tiếp cho BN91 - có lẽ là ca COVID-19 khó nhất, phức tạp nhất.

“Cực khổ là chắc chắn rồi. Ngày thường một ca trực kéo dài 8 tiếng, giờ một ca là 12 tiếng, thậm chí có những hôm phải tham gia công tác chăm sóc bệnh nhân 24/24, không được ngơi nghỉ; nhiều lúc mặc đồ bảo hộ, ở trong phòng áp lực âm để chăm sóc bệnh nhân, áp suất thấp hơn xung quanh, lại căng đầu đối diện với diễn tiến người bệnh suốt 12 tiếng đồng hồ. Rất áp lực vì bệnh nhân mang căn bệnh lây lan rất nhanh và dữ, nên mặc đồ phải kỹ, thỉnh thoảng chúng tôi lại kiểm tra cho nhau, rồi kiểm tra máy thở, máy hút đàm nhớt... để tránh lây cho mình, cho đồng nghiệp. Chi vài tháng ngắn ngủi thôi, tôi đã học được rất nhiều kiến thức quý giá từ đợt dịch bệnh”, BS. Thanh Xuân kể lại.

Nhìn lại con đường 3 năm hoạt động trong Khoa Hồi sức Cấp cứu - Chống độc người lớn, nhất là mấy tháng vừa qua, BS. Thanh Xuân khẳng định “nghề của mình rất hay”, nhiều dịch bệnh đến bất chợt, và rồi bản thân mình lớn lên lúc nào không hay; giống như cảm giác đạp xe đạp được một mình trong khi rời bỏ được tay giữ phía sau của ba mẹ.

BSCKII. Phan Vĩnh Thọ, Trưởng khoa Cấp cứu, BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM chia sẻ: “Khoa Cấp cứu này đứng đầu sóng ngọn gió. Người có nguy cơ, có yếu tố tiếp xúc phần lớn đã được cách ly. Tôi chỉ sợ bệnh lan trong cộng đồng nhiều, nhất là những ca suy hô hấp, khi vào đến đây, chúng tôi chưa xác định được có nhiễm hay không. Tôi còn nhớ, giữa mùa dịch, Khoa Cấp cứu tiếp nhận một ca suy hô hấp từ một bệnh viện tư chuyển đến. Kết quả chụp phim phổi cho thấy, phổi cũng tổn thương nhiều rồi. Triệu chứng không rõ, nhưng giữa mùa dịch COVID -19, tất cả chúng tôi đều lăn xả vào cấp cứu trước rồi tính sau. May mắn là ca này do bị viêm cơ tim. Cả khoa thở phào nhẹ nhõm”, BS. Vĩnh Thọ kể lại.

Cả khoa chỉ kê khoảng 6 giường, không gian cấp cứu chật hẹp, nguy cơ chực chờ... BS. Thọ dù đắn đo nhất chuyện ấy, nhưng làm nghề này rồi, không có dịch này, mai mốt có dịch khác, mình vẫn làm thiên chức cứu người của mình thôi. Mỗi mùa dịch, các bác sĩ lại có thêm kinh nghiệm, bản lĩnh trong nghề.

Một nốt trầm xao xuyến

Điều dưỡng Lê Dung Hòa, Khoa Cấp cứu, BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM chia sẻ: Thời gian dịch bệnh COVID-19 diễn ra quá nhanh, quá bất ngờ, đến nỗi tôi không nhớ rõ nó đã xảy ra từ ngày tháng nào, diễn ra tại các quốc gia trên thế giới ra sao. Lúc ấy, cô chỉ nhớ rõ ngày mà BSCKII. Phan Vĩnh Thọ, Trưởng khoa Cấp cứu, thông báo cho cả khoa biết về cái tên đại khái “bệnh phổi do chủng virus mới”. Và cả khoa, như hiển nhiên, đã bắt đầu bước vào trận chiến như thế.

Cử nhân điều dưỡng Nguyễn Thế Anh, Điều dưỡng Trưởng Khoa Cấp cứu, nhớ lại, những ca trực, vừa cấp cứu ca bệnh nặng, vừa tiếp nhận ca nghi nhiễm COVID-19 đến khám. “Những ca sốc nhiễm trùng, bệnh nhân đi tiêu ra máu, lơ mơ, hay những bệnh nhân suy hô hấp phải đặt nội khí quản, lúc đó nguy cơ lây nhiễm cao lắm. Bác sĩ khoa tôi có người phơi nhiễm 2-3 lần. Nhất là mùa dịch COVID-19, nhiều ca suy hô hấp rồi kèm theo nhiều yếu tố dịch tễ, lo lắng và hồi hộp, nhưng vì tính mạng bệnh nhân, rồi niềm tin tưởng của thân nhân, chúng tôi cứ nhào vào cấp cứu cho bệnh nhân, không sợ hãi gì”.

Thế nhưng sau đó là những khoảng lặng, chờ đợi, những câu hỏi thăm nhau: “Ai đứng gần người bệnh nhất? Ai phụ bác sĩ đặt nội khí quản? Người bệnh đó giờ sao rồi? Kết quả xét nghiệm có chưa? Lỡ mình bị lây bệnh thì sao? Gia đình ở nhà sẽ thế nào?... Điều dưỡng Thế Anh nhớ lại, có những buổi sáng vào ca, nhìn thấy mấy em điều dưỡng ca tối còn ngồi bần thần trong phòng là tôi hiểu, vừa làm vừa băn khoăn không nguôi. Cho đến khi vỡ òa với kết quả COVID-19 âm tính, chúng tôi lại tíu tít thay đồ, về nhà, rạng ngời như vừa ghi một bàn thắng ngoạn mục.

Còn cả những điều dưỡng khối Nhi thay phiên nhau thực hiện các công tác tại “điểm khai báo y tế và sàng lọc COVID-19”. Người vừa kết hôn, người rời xa con nhỏ, người chuẩn bị cưới... họ đã buông cả gia đình, để lao mình trận chiến với COVID-19. Những nhân viên y tế của BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM luôn cho rằng công việc họ làm được vô cùng nhỏ bé và đơn giản, khi cả nước, toàn Đảng, toàn dân dồn sức chống dịch, bước vào giai đoạn phát triển mới sau dịch COVID-19; nhưng lại là bức tường lửa từng chiến thắng dịch SARS cũng như nhiều dịch bệnh khác, kể cả COVID-19.


An Quý
Ý kiến của bạn