Làng Chè Đông (còn có tên gọi làng Chè Đồng), xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa có nghề truyền thống đúc đồng từ thời Lý. Một trong những niềm tự hào lớn lao của làng là đã đúc thành công bức tượng Bác Hồ bằng nguyên liệu đồng. Đây được xem là bức tượng Bác bằng đồng đầu tiên trong cả nước.
Cụ Lê Văn Mơi, một trong những đảng viên của làng Chè Đông vinh dự được tham gia đúc bức tượng Bác bằng đồng đầu tiên cách đây gần 45 năm, vẫn còn nhớ như in ngày đó mặc dù cụ đã bước sang tuổi 87.
Bức tượng Bác Hồ bằng đồng đầu tiên cao 1,3m, nặng 3,7 tạ.
Để lưu lại hình ảnh Bác bằng một cách riêng, Đảng ủy, chính quyền xã Thiệu Trung đã cùng với nhà điêu khắc Lê Quỳ đưa ra ý tưởng sử dụng chính nghề truyền thống của địa phương để đúc một bức tượng Bác bằng đồng, thể hiện tri ân đối với vị Cha già của dân tộc. Đảng ủy đã giao trọng trách cho chi bộ làng Chè Đông thực hiện. Nguyên liệu đúc bức tượng thì phát động nhân dân quyên góp đồng. Vừa phát động, bà con trong làng đã ùn ùn kéo nhau tới người cái mâm, người cái nồi, cái bát... đến đóng góp. Nhiều người ở khu vực các xã lân cận cũng đi bộ hàng chục km tới “xin” được đóng góp.
Hơn 20 đảng viên của chi bộ đã nhanh chóng họp bàn kế hoạch và phân chia thành từng nhóm dưới sự chủ trì của hai đảng viên ưu tú, hai thợ đúc tượng kỳ cựu của HTX đúc đồng làng Chè Đông là ông Đặng Ích Bích và ông Lê Văn Duân (Chủ nhiệm HTX).
Công việc chuẩn bị được triển khai từ đầu mùa hè năm 1970. Sau 1 tháng miệt mài, họa sĩ Lê Quỳ đã hoàn thành bức chân dung Bác Hồ làm cơ sở cho việc khắc khung cốt cho bức tượng.
Theo cụ Mơi, việc dựng khuôn cốt cho bức tượng đòi hỏi rất cẩn trọng, bởi thành công hay thất bại phần lớn phụ thuộc vào khuôn cốt. Nếu lựa chọn đất không đảm bảo tỉ lệ, khi đổ đồng lỏng vào sẽ làm vỡ hoặc rạn nứt khuôn, việc đúc đồng coi như thất bại hoàn toàn. Vì vậy, chỉ những người thợ có kinh nghiệm mới được tham gia những khâu quan trọng này. Đặc biệt, loại đất sét được sử dụng làm khuôn cốt chỉ có ở làng Chè Đông mà địa phương khác không có.
Với khối lượng đồng lớn hơn 4 tạ, việc nấu đồng được chia làm 8 lò đúc, mỗi lò do 3 nghệ nhân phụ trách: 2 người thổi còn 1 người đổ đồng vào khuôn.
Vườn Kẻ giữa làng Chè Đông (nay là Nhà văn hóa thôn 5) được chọn là nơi diễn ra lễ “chập lửa” để đúc bức tượng Bác Hồ đầu tiên bằng đồng trên cả nước. Ngày 5/6/1970, tại đây đã diễn ra lễ “dựng cốt” theo phong tục của làng nghề Chè Đông. Cả đêm đó, các nghệ nhân đúc đồng đã tiến hành nung khuôn cốt để chuẩn bị cho lễ đúc diễn ra vào sáng hôm sau. Cụ Mơi nhớ lại, tối đó, ánh sáng từ đèn măng – xông và từ các lò nung làm sáng rực hồng một góc trời Thiệu Trung. Từ chập tối, nhân dân trong làng và các vùng lân cận nô nức đi xem như trẩy hội.
Sáng sớm ngày 6/6/1970 được chọn để “phát hỏa” đúc tượng. Dưới sự chứng kiến của lãnh đạo các cấp và nhân dân địa phương, lễ đúc tượng Bác trang trọng diễn ra. Mọi công đoạn của việc đúc đồng đều diễn ra thủ công bằng sức người. 8 lò nấu đồng được bố trí xung quanh nơi dựng khuôn. Lúc bấy giờ, cụ Mơi là Đảng ủy viên, Phó Chủ tịch UBND xã được giao phụ trách lò số 6. Mọi thao tác diễn ra nhanh chóng, chính xác và được thực hiện bởi những người thợ dày dặn kinh nghiệm. Bức tượng đồng Bác Hồ đã hoàn thành sau hơn 3 giờ đồng hồ trong tiếng vỗ tay reo hò của nhân dân.
Đã gần 45 năm trôi qua, hơn 20 đảng viên tham gia đúc tượng Bác ngày đó giờ chỉ còn lại một vài người. Nhưng đối với họ nói riêng và làng Chè Đông nói chung thì đó là niềm vinh dự lớn lao, thể hiện niềm tưởng nhớ và kính yêu vô hạn đối với vị Cha già của dân tộc. Hiện tại, bức tượng được đặt trang trọng tại Phòng Truyền thống của Trung tâm Văn hóa thể thao huyện Thiệu Hóa.
Thanh Thảo