Bức tường 1 tỷ đồng và bùng nhùng quy hoạch

27-07-2015 07:20 | Thời sự
google news

SKĐS - Câu chuyện nhà siêu mỏng, siêu méo do quy hoạch không thống nhất, đồng bộ gây mất mỹ quan đô thị và gây mất an toàn đã được nhắc đến nhiều,

Câu chuyện nhà siêu mỏng, siêu méo do quy hoạch không thống nhất, đồng bộ gây mất mỹ quan đô thị và gây mất an toàn đã được nhắc đến nhiều, tuy nhiên những bài học dường như không được rút ra khi cứ mỗi lần thực hiện những dự án mở đường tại Hà Nội lại nảy sinh nhiều bất cập.

Mỗi lần mở đường là Hà Nội lại xuất hiện thêm những công trình siêu mỏng, siêu méo, mất mỹ quan đô thị, gây ra những bức xúc cho các hộ dân sinh sống xung quanh, song qua nhiều lần mở đường, Hà Nội dường như vẫn chưa rút được kinh nghiệm trong công tác quy hoạch. Gần đây, dư luận không khỏi xôn xao khi chỉ một bức tường hình thành sau quá trình mở đường Lê Văn Huyên kéo dài với chiều dài hơn 10m và chỉ rộng có 0,14m, song bức tường này lại đang được chủ nhân rao bán với mức giá “trên trời”, gần 1 tỷ đồng. Theo quy định, bức tường trên chỉ được bán cho gia đình liền kề để tiến hành hợp khối, song với cách định giá như trên, việc mua lại bức tường có thể xem là khó khả thi.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực kiến trúc và quy hoạch, đây là hệ quả của sự yếu kém trong công tác thực hiện quy hoạch khi làm đường của các cơ quan hữu trách. Điều này không chỉ đưa người dân vào thế khó xử mà còn khiến bộ mặt đô thị trở nên méo mó.

Từ sau khi Luật Thủ đô có hiệu lực, tháng 7/2013, trong luật này Quốc hội đã cho phép Hà Nội có cơ chế đặc thù, đó là khi làm các đường mới thì được phép giải phóng mặt bằng các thửa đất siêu mỏng, siêu méo hoặc có hình dáng không hợp lý, thu hồi và trên cơ sở đó để tổ chức tạo lập diện mạo mới cho đường phố...

Báo cáo của UBND thành phố Hà Nội, tính đến quí I/2015, thành phố vẫn đang gặp khó khăn trong công tác giải quyết các trường hợp nhà siêu mỏng, siêu méo. Theo đó, 174/192 trường hợp nhà, đất mỏng, méo tồn đọng trước năm 2005 vẫn chưa thể giải quyết. Trong khi đó, việc mở đường mới như tuyến Kim Mã - Trần Phú, đường Thanh Nhàn, Nguyễn Văn Huyên... cũng làm phát sinh thêm 442 trường hợp cần xử lý. Điều này cho thấy, công tác quy hoạch, quản lý vẫn đi trên vết xe đổ cũ, khi mở đường vẫn chỉ biết làm đường mà không chú ý đến kiến trúc hai bên tuyến phố.

Ý kiến chung của giới quy hoạch và kiến trúc là chúng ta nên học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển, mở rộng phạm vi, diện tích thu hồi hai bên đường khi thực hiện quy hoạch để tránh trục lợi. Cũng theo các chuyên gia quy hoạch và kiến trúc, ngay từ khâu quy hoạch mở đường đã có thể phát hiện những thửa đất siêu mỏng siêu méo, đây là điều rất thuận lợi, bởi vì khi chúng ta đã xác định chỉ giới sẽ phát hiện được những mảnh đất không hợp lý, qua đó có thể điều chỉnh lại chức năng sử dụng đất hợp lý, phù hợp với mỹ quan đô thị. Chính vì thế, vấn đề cần làm đối với cơ quan quản lý, quy hoạch là khi giải phóng mặt bằng, diện tích còn lại nếu không đủ điều kiện xây dựng thì thu hồi luôn, sẽ không có nhà siêu mỏng, siêu méo. Bên cạnh đó, nếu để người dân hợp thửa hợp khối, giá cả sẽ chịu quy định của Nhà nước như thế nào? Trường hợp cơ quan chức năng tuyên truyền vận động mà không chấp hành thì phải có chế tài và giá thu hồi là bao nhiêu với diện tích hợp thửa đó thì mới tháo gỡ được những vấn đề đang tồn tại dai dẳng hiện nay.

Mạnh Hà

 

 

 


Ý kiến của bạn