Bức tranh kinh tế châu Á 2014

10-10-2014 9:00 AM | Quốc tế

SKĐS - Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đánh giá triển vọng tăng trưởng của các nước đang phát triển ở châu Á vẫn giữ ở mức ổn định và khu vực này sẽ tiếp tục là nơi có nhịp độ tăng trưởng nhanh nhất toàn cầu.

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đánh giá triển vọng tăng trưởng của các nước đang phát triển ở châu Á vẫn giữ ở mức ổn định và khu vực này sẽ tiếp tục là nơi có nhịp độ tăng trưởng nhanh nhất toàn cầu. Tuy nhiên, Trung Quốc làm khu vực có màu xám trong bức tranh tươi sáng này.

Theo tính toán của Ngân hàng Thế giới, tăng trưởng của Trung Quốc sẽ giảm từ 7,4% vào năm 2014 xuống còn 7,2% vào năm tới và 7,1% vào năm 2015. Đây thật sự là một cú sốc vì theo những đánh giá hồi tháng 4 vừa qua, tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ tăng 7,6% vào năm nay và 7,5% vào năm 2015. Bản báo cáo cũng cho biết, tháng vừa qua, sản xuất công nghiệp Trung Quốc xuống tới mức thấp nhất từ khi khủng hoảng. Mức đầu tư và bán lẻ bị thu hẹp lại và thị trường bất động sản suy giảm trầm trọng. Mô hình một nước Trung Quốc suy yếu còn rõ nét hơn nếu tính thêm những bấp bênh tài chính và các khoản nợ của địa phương mà quốc gia này đang phải đối đầu. Ngân hàng Thế giới cho rằng, những yếu tố trên cũng đã đủ nghiêm trọng để gây ảnh hưởng tới sự tăng trưởng của khu vực. Suy giảm tăng trưởng của nền kinh tế thứ hai thế giới sẽ ảnh hưởng tới giá cả nguyên liệu và có thể gián tiếp gây bất lợi cho Indonesia - quốc gia này phụ thuộc vào nhu cầu tiêu thụ than của Trung Quốc. Tăng trưởng kinh tế của Indonesia ở mức 5,8% vào năm ngoái sẽ xuống còn 5,2% trong năm nay. Ngoài ra, xuất khẩu kim loại của Mông Cổ cũng sẽ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên cho tới nay, tình hình kinh tế châu Á sẽ vẫn bình ổn nhờ mức tiêu thụ luôn được định hướng tốt. Xuất khẩu là trung gian tăng trưởng cho các nền kinh tế ở mức trung bình như Việt Nam, Malaysia và Campuchia.

Kinh tế Trung Quốc ảm đạm.

Kinh tế Trung Quốc ảm đạm.

Theo ADB, các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á sẽ tăng trưởng 6,2% trong năm 2014 và 6,4% trong năm 2015, sau khi tăng trưởng 6,1% trong năm 2013. Chủ tịch ADB Takehiko Nakao nhận định, các quốc gia đang phát triển ở châu Á vẫn sẽ duy trì được đà tăng trưởng kinh tế, bất chấp đà phục hồi chậm hơn dự kiến của các nước công nghiệp phát triển và nhu cầu bên ngoài “ì ạch”. Đối với Ấn Độ, báo cáo cho rằng Chính phủ mới tại New Delhi sẽ theo đuổi các chương trình cải cách để “khai phá” những tiềm năng lớn của quốc gia đông dân hàng đầu thế giới này. ADB dự kiến kinh tế Ấn Độ sẽ tăng trưởng 5,5% trong năm 2014 và 6,3% trong năm 2015, khi các biện pháp cải cách bắt đầu phát huy tác dụng.

Về kinh tế các nước Đông Nam Á, báo cáo của ADB nhấn mạnh, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của các quốc gia khu vực sẽ tăng trưởng mạnh hơn trong năm tới, sau khi GDP dự kiến đạt nhịp độ tăng trưởng 4,6% trong năm nay, thấp hơn mức tăng 5% của năm ngoái. Thông cáo báo chí của ADB cho biết, thiết chế tài chính lớn nhất khu vực này vừa phê duyệt một chương trình cho Indonesia vay 400 triệu USD nhằm giúp đất nước vạn đảo cải thiện môi trường đầu tư để tăng cường thu hút đầu tư ở trong và ngoài nước, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế lâu dài, bền vững và phát triển an sinh xã hội. Giám đốc Quản lý kinh tế công ADB, ông Rabin Hattari cho rằng, Indonesia cần đẩy nhanh cải cách cơ cấu để chuyển đổi từ một nền kinh tế định hướng hàng hóa sang một nền kinh tế dựa trên các nền tảng đa dạng hơn. Để thực hiện được điều này, Indonesia cần thu hút các khoản đầu tư cần thiết vào nhiều lĩnh vực khác nhau, đòi hỏi một môi trường đầu tư được cải thiện, thông thoáng và hấp dẫn, cơ sở hạ tầng đầy đủ và quản trị tốt hơn để có thể tạo nhiều việc làm hiệu quả hơn và góp phần xóa đói giảm nghèo.

Nhận định về Cộng đồng kinh tế Hiệp hội các nước Ðông Nam Á (ASEAN), báo cáo của ADB cho rằng, tiến trình đàm phán để thành lập “Cộng đồng kinh tế ASEAN” (AEC) đang bước vào giai đoạn khó khăn khiến cho kế hoạch “ra mắt” AEC vào cuối năm 2015 của Hiệp hội Các nước Ðông Nam Á chưa chắc sẽ thành hiện thực. Ðể trở thành một cộng đồng thống nhất, các quốc gia thành viên ASEAN cần thực hiện cải cách, bao gồm gỡ bỏ rào cản thương mại, thúc đẩy trao đổi hàng hóa và hài hòa hóa các tiêu chuẩn, luật lệ quy định, nhằm tạo ra một thị trường đơn nhất, nền tảng sản xuất chung có tính cạnh tranh cao, đồng thời tăng cường sự gắn bó giữa các nước thành viên trong tổ chức. Ðược biết, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan là những nước đạt được những kết quả đáng chú ý trong cắt giảm thuế quan, tạo thuận lợi cho thương mại và tự do hóa đầu tư.

(Theo ADB, Bloombergs)

Quỳnh Diệp

 


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ: HOẠT ĐỘNG CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH THÔNG TIN Y TẾ 63 TỈNH, THÀNH