Bức thư tay từ chiến trường và chuyện tình đẹp gần nửa thế kỷ- Ảnh 1.

Hàng trăm lá thư của chồng gửi về từ chiến trận được bà Ngoan giữ gìn, nâng niu. Đó là "liều thuốc" giúp bà vượt qua khó khăn, thay chồng nuôi con.

Bức thư tay từ chiến trường và chuyện tình đẹp gần nửa thế kỷ

SKĐS - Gần nửa thế kỷ trôi qua, bà Lê Thị Ngoan (xã Quỳnh Lưu, Nghệ An) vẫn nâng niu những lá thư tay của người chồng gửi về từ chiến trận. Đó không chỉ là kỷ vật thời chiến mà còn là chứng nhân về mối tình son sắt vượt bom đạn của người lính nơi tiền tuyến.

Phía trước mỗi bước chân ra trận của người lính là bảo vệ Tổ quốc, nhưng trong tim họ là quê hương, gia đình là dáng hình người vợ trẻ ở hậu phương. Những lá thư viết vội nơi chiến hào, pha lẫn mùi khói súng, tiếng bom rơi, nhưng vẫn đầy ắp yêu thương với niềm tin chiến thắng và khát vọng đoàn tụ. Họ sẵn sàng hy sinh, nhưng vẫn đau đáu nỗi niềm người ở lại. Chiến tranh đã lùi xa, nhưng giờ đây kỷ vật năm xưa - những bức thư viết tay của người chồng gửi về từ chiến  trận vẫn được người vợ nâng niu, như một phần máu thịt không thể tách rời...

Lá thư thấm đẫm những yêu thương

Trong căn nhà nhỏ bên cánh đồng ở xã Quỳnh Lưu, hơn 46 năm qua, những bức thư của liệt sỹ Hồ Văn Chí (SN 1949) luôn được bà Lê Thị Ngoan giữ gìn, nâng niu như báu vật. Nhiều lá thư đã úa màu thời gian, lắm chỗ không còn đọc được nữa. Nhưng mỗi lần nhớ chồng, mỗi lần thấy lòng chông chênh, bà lại lặng lẽ mang thư ra đọc… rồi khóc.

Bức thư tay từ chiến trường và chuyện tình đẹp gần nửa thế kỷ- Ảnh 2.

Bà Lê Thị Ngoan - vợ liệt sĩ Hồ Văn Chí.

Từng dòng chữ chất chứa yêu thương, tin tưởng, cả những hờn trách, giận dỗi rất đỗi đời thường… từng lá thư đã vực người phụ nữ vượt qua giông bão, gần nửa thế kỷ thay chồng nuôi con…

"Lá thư nào anh Chí gửi về tôi đều cất giữ. Đến nay đã 46 năm rồi, có bức thư đã nhoè mực đọc không còn rõ chữ, nhưng tôi vẫn nhớ nội dung bên trong", bà Ngoan chầm chậm mở đầu câu chuyện.

Lần giở những bức thư được gói kín trong túi nilon, đôi mắt bà Ngoan ánh lên niềm xúc động. Ký ức tuổi trẻ lại hiện về qua những dòng chữ mà người chồng bộ đội viết gửi về từ chiến trường. Qua lời kể của bà, hai người cùng lớn lên tại mảnh đất Quỳnh Hậu, huyện Quỳnh Lưu nay là xã Quỳnh Lưu.

Bức thư tay từ chiến trường và chuyện tình đẹp gần nửa thế kỷ- Ảnh 3.

Cũng có những lá thư hờn giận, thể hiện một khía cạnh rất "đời" của người lính khát khao yêu thương và chia sẻ.

Sống gần nhà, học chung trường, tình yêu giữa cô gái tên Ngoan và chàng trai Hồ Văn Chí lớn dần theo năm tháng. Năm 1968, khi chiến tranh đang diễn ra ác liệt, 19 tuổi Hồ Văn Chí gác lại đèn sách, tình nguyện viết đơn nhập ngũ.

Từng dấu chân anh đi đều mang theo hình bóng người con gái tên Ngoan. Để tình yêu không bị lạc nhịp giữa bom rơi, đạn nổ, người lính trẻ nắn nót từng chữ viết bức thư đầu tiên gửi về cho người con gái mình yêu. Anh gọi người yêu bằng cái tên tha thiết: "Ngoan em thương!".

Những dòng chữ thấm đẫm cả bụi đường hành quân, băng qua lửa đạn để đến tay người thương ở hậu phương.

Bức thư tay từ chiến trường và chuyện tình đẹp gần nửa thế kỷ- Ảnh 4.
Bức thư tay từ chiến trường và chuyện tình đẹp gần nửa thế kỷ- Ảnh 5.

Nhiều lá thư đã úa màu thời gian, lắm chỗ không còn đọc được nữa.

Mỗi lần đọc lại thư người yêu gửi từ chiến trường, bà Ngoan lại bật khóc. Có khi vì nỗi nhớ cồn cào, có khi lại vì sợ hãi lo lắng đó sẽ là lá thư cuối cùng. "Ngày đó, nếu lâu không thấy thư thì bồn chồn, mong ngóng. Nhận được thư rồi thì lại khóc, khóc nhiều vì thương anh hơn. Mỗi lá thư về, tôi lại viết vội vài dòng gửi đi báo tin sức khỏe của gia đình, động viên anh yên tâm cầm chắc tay súng, giữ lời hứa sớm trở về để tổ chức đám cưới…", bà Ngoan nhớ lại.

Phải đến tận năm 1974, sau 6 năm cách trở, anh bộ đội được về phép. Cuộc hội ngộ ngắn ngủi nhưng đủ để hai người nên duyên vợ chồng, xây dựng mái ấm và lần lượt đón hai người con một trai, một gái.

Thế nhưng hạnh phúc ấy chưa kịp trọn vẹn. Ngày 20/4/1979, người lính Hồ Văn Chí đã ngã xuống tại chiến trường Campuchia ác liệt.

Bức thư tay từ chiến trường và chuyện tình đẹp gần nửa thế kỷ- Ảnh 6.

Những lá thư thấm đẫm yêu thương và lời hẹn ước "Anh sẽ về với em, khi nước nhà thống nhất!" của người lính gửi vợ ở quê nhà.

Gia tài ông để lại cho vợ là hai con thơ và hàng trăm lá thư tay thấm đẫm yêu thương. Bức thư đầu tiên gửi về cho bà được viết năm 1968, khi ông đang chiến đấu tại chiến trường. Bức thư cuối cùng đề ngày 2/3/1979, viết từ Campuchia, đến tay bà chỉ hơn một tháng trước khi ông hy sinh.

Một lá thư của liệt sĩ Hồ Văn Chí viết cho vợ, đề ngày 8 tháng 3 năm 1975, có đoạn:

"Sau những ngày, học rèn quân sự rất căng thằng là những ngày anh nhớ em quá chừng, anh cũng chẳng hiểu mà mấy ngày này lại nhớ và thương em đến thế. Trên đồi tranh nắng gắt mặt đen sạm, bởi cái nắng đầu của quảng trị, khi đang bò và tiến vào vị trí của địch anh bỗng nghĩ tới em, nghĩ tới người vợ đầy quý mến.

Như anh đang tiến vào vị trí của địch để giành lấy chiến thắng, sự tiến lên đó là cả quá trình nghĩ về em, về một người vợ…

Thế là trưa nay, sau khi anh làm phương án xong còn hơn 40 phút nữa anh tiếp tục ghi thư cho em. Hẳn rằng em cũng mong thư anh lắm… anh nghĩ tới cái sống và cái chết, giữa sướng và khổ, giữa chung và riêng… em sẽ hiểu ở anh ở những người lính như anh…", liệt sĩ Hồ Văn Chí viết trong bức thư gửi vợ ngày 8/3/1975.

Bức thư tay từ chiến trường và chuyện tình đẹp gần nửa thế kỷ- Ảnh 7.
Bức thư tay từ chiến trường và chuyện tình đẹp gần nửa thế kỷ- Ảnh 8.
Bức thư tay từ chiến trường và chuyện tình đẹp gần nửa thế kỷ- Ảnh 9.

Liệt sĩ Hồ Văn Chí và bà Lê Thị Ngoan thời trẻ.

Qua từng trang thư, ông không chỉ gửi gắm tới người vợ trẻ những lời yêu thương mà còn nhắn nhủ cách nuôi dạy con cái, chăm sóc mẹ già, giữ gìn tình nghĩa với bà con, lối xóm. Ở hậu phương, bà thay chồng nuôi con, chèo chống gia đình giữa bom đạn, giữa thiếu thốn bủa vây, nên không viết thư nhiều cho chồng được.

Ông viết thư về nhà, câu chữ đầy giận hờn, trách móc nhưng ẩn chứa sau mỗi câu, mỗi chữ là khát khao được yêu thương, được chia sẻ, là những hờn giận vợ chồng như những cặp đôi bình thường khác.

"Song tất cả mọi việc, em cứ tự quyết định lấy anh không bắt buộc cũng không thể trách mà việc đó, đều có lợi cho em và gia đình còn sự giận dỗi của em, anh không đặt thành vấn đề gì. Mỗi khi em tức giận, sống trong tình cảnh này anh cũng chán…"

Bức thư tay từ chiến trường và chuyện tình đẹp gần nửa thế kỷ- Ảnh 10.

Bà Lê Thị Ngoan và PV Sức khoẻ và Đời sống.

Là người lính, họ có thể ngã xuống bất cứ lúc nào. Với họ, sống là phải dũng cảm, chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng. Mỗi người lính ra trận đều thấu hiểu rằng cái chết có thể ập đến bất cứ lúc nào và vì thế họ sẵn sàng đón nhận. Họ không tiếc máu xương mình mà chỉ lo lắng cho người ở lại.

Trong những bức thư gửi vợ con, liệt sĩHồ Văn Chí chia sẻ sâu sắc về cuộc sống, về cuộc chiến gian khó và trách nhiệm của mỗi người dân với vận mệnh dân tộc. Ông hình dung ngày hòa bình, sẽ trở về, cùng con vui chơi, dạy dỗ chúng học hành, mỉm cười hạnh phúc nhìn những đứa trẻ xinh đẹp, giỏi giang trưởng thành. Nhưng ước mơ bình dị, ấm áp ấy của người cha mãi chỉ là một ký ức chưa trọn vẹn.

Tình cảm được vun đắp, lớn dần lên qua những cánh thư

Bà Ngoan chia sẻ, gần 50 năm trôi qua, nhưng ký ức một thời chiến tranh lúc nào cũng hiện nguyên trong tâm trí bà, chưa lúc nào phai nhạt. Bà nhớ lại, thuở nhỏ, bà và ông cùng học chung trường làng, rồi trở nên thân thiết.

Bức thư tay từ chiến trường và chuyện tình đẹp gần nửa thế kỷ- Ảnh 11.
Bức thư tay từ chiến trường và chuyện tình đẹp gần nửa thế kỷ- Ảnh 12.
Bức thư tay từ chiến trường và chuyện tình đẹp gần nửa thế kỷ- Ảnh 13.

Trong thư có nỗi nhớ người thân, có sự hy sinh anh dũng của người lính và sự khắc nghiệt của chiến tranh.

"Hồi trẻ, anh Chí tính cách vui tươi, nói chuyện có duyên, nên được nhiều người quý mến. Nhưng khi ấy tình cảm của chúng tôi vẫn chỉ dừng lại ở mức độ bạn bè. Mãi đến khi đi bộ đội, anh ấy mới ngỏ lời yêu", bà Ngoan kể về mối tình của mình.

Điều đáng nói là suốt hơn 4 năm từ khi nhận lời yêu đến khi ông Chí hy sinh, bà và ông tính ngày gặp nhau chỉ vỏn vẹn chừng 2 tháng. Bà kể, tình cảm giữa bà và ông được nuôi dưỡng, lớn lên qua những cánh thư tay từ chiến trường ác liệt gửi về, và ngược lại. Tình yêu trong thời hoa lửa, xa cách mà đầy nhớ thương.

Bà Ngoan kể, trước khi hy sinh, ông Chí đã gửi đồng đội một chiếc ba lô, trong đó có cuốn nhật ký viết tại chiến trường, một cuốn học bạ phổ thông và vài lá thư nhờ trao lại cho bà.

"Khi biết tin anh Chí hy sinh, tôi như sụp đổ, tinh thần hoảng loạn đến mức như phát điên. Nhưng rồi phải gạt nỗi đau để chăm sóc hai con còn nhỏ. Nếu không có các con, có lẽ tôi đã theo anh ấy rồi", bà Ngoan xúc động nhớ lại.

Bức thư tay từ chiến trường và chuyện tình đẹp gần nửa thế kỷ- Ảnh 14.

Bà Ngoan và cô con gái út - kết quả của mối tình đẹp đẽ ấy luôn dành sự kính trọng, ngưỡng mộ mỗi khi nhắc về tình yêu của bố mẹ.

Lá thư cuối cùng của ông Hồ Văn Chí gửi cho bà Ngoan có đoạn:

"Em thương yêu!

Công -Thắm con yêu quý

Xa em đã lâu, chắc em ngóng chờ tin anh lắm, nhưng anh vẫn im lặng, chờ cái gì sẽ tới. Xong sự lo lắng của em như năm 1975, khi cách mạng đã thành công mà người chồng vẫn không tin tức, chính vì vậy em yêu của anh lại buồn lắm phải không?

Vậy thì hôm nay, hãy vui lên nhé! Anh vẫn còn đây, vẫn nhớ thương em và con lắm. Song lại còn trên đất bạn, đánh địch vì vậy chắc em cũng buồn còn anh thì em có biết không chắc em không đoán nổi đâu? Đất nước chúng ta hai đầu có giặc em và anh còn thấy trách nhiệm mỗi người vì tế mà anh cũng thấy buồn lắm vì xa em và con. Sống bên đồng đội ngày đêm vẫn còn tiếng súng khi Campuchia giải phóng song vẫn còn phức tạp lắm…còn em thế nào có khoẻ không? Con chúng ta nay ra sao? Em vất vả lắm và em sẽ giận anh lắm có phải không? Đừng giận anh nhé. Sau này thật lâu mới có một lá thư đấy em ạ…

Anh sẽ còn ở bên này một thời gian dài, có thể rất lâu. Nếu sau này anh trở về nước, biết đâu anh lại thành người Miên mất rồi, em có chịu được không? Nói vậy thôi, em hãy yên tâm chăm sóc con và giữ gìn sức khỏe nhé. Đừng lo cho anh, anh sẽ trở về với em. Em hãy tin anh!". Ông động viên người vợ của mình. Nhưng người lính ấy đã không trở về!

Thật may mắn, giữa vô vàn cuộc chia ly của thời chiến, tình yêu của ông bà vẫn đơm hoa, kết trái. Trái ngọt của mối tình đẹp ấy là hai người con hiếu thảo: anh Hồ Công (SN 1975), hiện là Trung tá công tác tại Phòng Kỹ thuật hình sự, Công an tỉnh Gia Lai và chị Hồ Thị Thắm (SN 1978), đang công tác tại Tổng công ty Hợp tác kinh tế Việt - Lào. Mẹ hay chia sẻ với chị Thắm về quan điểm tình yêu đôi lứa, rằng giàu nghèo không quan trọng, tình cảm đối xử của con người với nhau mới là cái quý giá. Bà cũng bày tỏ suy nghĩ với cô về tình yêu của người trẻ hiện nay.

"Bây giờ mình mong là mẹ sẽ luôn khỏe mạnh, ở bên con cháu thật lâu để kể tiếp nhiều câu chuyện về tình yêu thương nữa", chị Hồ Thị Thắm tâm sự. Năm 2025 là bước qua năm thứ 46 của câu chuyện tình yêu đẹp. Cả 2 người con của ông bà đều luôn yêu thương và kính trọng tình yêu của bố mẹ, lấy đó làm động lực cho cuộc sống của mình.

Ngày ông Hồ Văn Chí hy sinh, bà Lê Thị Ngoan chưa đầy 30 tuổi, ở độ tuổi rực rỡ của thanh xuân cùng hai đứa con còn thơ dại. Dẫu gian khó, thiếu thốn và đau thương chồng chất, bà vẫn kiên cường, vững vàng trước cuộc sống. Nhiều người từng ngỏ ý muốn cùng bà chia sẻ gánh nặng cuộc đời, nhưng bà đều nhẹ nhàng từ chối. Bởi trong tim bà, tình yêu dành cho người chồng đã khuất vẫn âm thầm cháy mãi, như thể ông chưa từng rời xa…

Gần nửa thế kỷ qua, bà vẫn lặng lẽ chờ ông như thế!

Liệt sĩ Hồ Văn Chí (SN 1949), chính trị viên Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 9, Sư đoàn 98, Quân khu 9, là con trai thứ 6 của Mẹ Việt Nam Anh hùng Hồ Thị Xin (xã Quỳnh Lưu, Nghệ An), đã anh dũng hy sinh năm 1979 tại chiến trường Campuchia, khi tuổi đời còn rất trẻ. Trước đó, người con trai thứ tám của mẹ là Hồ Chí Trung (SN 1954) cũng đã lên đường nhập ngũ và hy sinh năm 1975, khi chưa kịp lập gia đình. Người con trai cả là thương bệnh binh mang thương tật trở về sau chiến tranh và qua đời trong những năm sau đó.

Ba người con trai, gắn liền với những năm tháng chiến tranh khốc liệt. Nỗi đau mất mát quá lớn, nhưng mẹ Hồ Thị Xin vẫn sống tiếp cuộc đời còn lại trong lặng thầm, kiên cường, với trái tim luôn hướng về những đứa con đã hóa thân vào đất mẹ.

Mẹ Hồ Thị Xin qua đời năm 2012, hưởng thọ 99 tuổi. Trong lịch sử đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, những người mẹ như mẹ Xin là những chiến sĩ thầm lặng nơi hậu phương, đã góp phần làm nên những trang sử hào hùng và bất tử.

Những ký ức khó quên của mẹ SáuNhững ký ức khó quên của mẹ Sáu

SKĐS - Mẹ Lê Thị Sáu có chồng tham gia kháng chiến chống Pháp, và rồi hai người con trai cũng tiếp bước theo con đường cách mạng. Hai lần tiễn con đi là hai lần mẹ Sáu nén chặt nỗi đau, khóc thầm lặng lẽ...

Hoàng Trinh

Ý kiến của bạn