Sự việc đã qua đi cả nửa năm nhưng tôi và rất nhiều người còn bất bình, căm phẫn với nhóm công nhân đã tước đi mạng sống của người thầy giáo trẻ kia, khi nguyên nhân của sự vụ chỉ là câu chuyện sinh hoạt rất đời thường, nhỏ nhặt. Thiết nghĩ nếu nhóm công nhân kia biết tiếp thu lời góp ý nhắc nhở của hàng xóm, vặn nhỏ âm lượng khi hát karaoke để không làm ồn, làm ảnh hưởng tới cuộc sống sinh hoạt của mọi người trong khu phố khi đêm đã về khuya, mọi việc đã khác. Tất cả những điều... “giá như” đối với nhóm công nhân có máu côn đồ không biết tôn trọng người khác kia trở thành quá muộn, và chúng phải trả giá đắt cho hành động nông nổi, thiếu suy nghĩ của mình trước pháp luật!
Vụ án chết người xảy ra ở Bình Dương kể trên không phải là sự vụ nghiêm trọng duy nhất, khi trên thực tế trong những năm gần đây đã từng xảy ra không ít vụ trọng án ở nhiều địa phương tại nước ta, khi mâu thuẫn dẫn tới bùng phát sự việc cũng chỉ là xuất phát từ... hàng xóm tổ chức hát karaoke bật loa quá to gây tiếng ồn lớn, làm ảnh hưởng tới mọi gia đình xung quanh.
Điển hình có thể kể tới, đó là vụ xảy ra tại huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, vào tháng 2 năm 2018, khi một người đàn ông tên Lộc đang ngủ trưa thấy hàng xóm tổ chức hát karaoke quá ồn nên đã sang nhắc nhở. Tuy vậy những người hàng xóm không chịu tiếp thu lời nhắc nhở của ông Lộc để vặn nhỏ âm lượng lại, mà còn hát to hơn nữa... Bực tức, ông Lộc đã vác dao sang đâm chết người đàn ông trung niên tên Phước.
Hay như một vụ án khác xảy ra trên địa bàn huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang, vào tháng 3 năm 2018, khi một gia đình bật loa thùng cỡ lớn tổ chức hát karaoke gây ồn cho cả khu vực xung quanh. Lúc cán bộ văn hóa xã cùng các công an viên mang máy tới để đo tiếng ồn nhằm đưa ra tình huống xử lý, bất ngờ các thành viên của gia đình này dùng gạch đá tấn công, khiến 3 người bị thương phải nhập viện...
Còn nhiều vụ án khác có liên quan tới hát karaoke quá ồn, làm ảnh hưởng tới hàng xóm mà tôi không thể liệt kê, kể hết được, xong chỉ mấy trường hợp kể trên cũng đủ nói lên rằng mâu thuẫn của việc bật loa to hát karaoke khiến những hộ dân xung quanh không chịu được là thực trạng khá bức xúc.
Thực ra, đâu phải ai cũng dám lên tiếng nhắc nhở khi nhà hàng xóm tổ chức hát karaoke bật loa to, mà tâm lý chung là dẫu bị “tra tấn” thật đấy, nhiều người dẫu bực tức lắm, nhưng họ vẫn phải cố mà im lặng, cố mà chịu đựng..., bởi mọi người đều nghĩ nếu lỡ không may sang nhắc nhở họ ngừng hát, hoặc giảm âm lượng xuống mà nhà họ không tiếp thu, sinh thù ghét mâu thuẫn thì rách chuyện! Chẳng vậy nhiều người luôn chọn cách im lặng, ôm “cục tức” trong người!
Chẳng nói đâu xa, ngay khu phố tôi sinh sống, có vài gia đình hàng xóm cứ cuồi tuấn là tổ chức bạn bè tới ăn nhậu rồi bật loa thùng để hát karaoke. Việc các gia đình này hát vào các khung giờ bình thường có thể hát được, không nói làm gì, đằng này oái oăm thay, họ hát thông cả trưa, kéo dài cho tới tận quá 12 giờ đêm, giọng hát lè nhè, ông ổng với tần suất âm lượng to gần như hết cỡ, khiến cho các gia đình ngay kế bên là vô cùng điếc tai, không thể ngủ nghê gì luôn!
Mẹ tôi tuổi đã cao, lại bị bệnh đau đầu kinh niên, vì vậy bà cực kỳ khó chịu với mấy gia đình hàng xóm hay tổ chức hát karaoke kia, nhưng cũng không dám góp ý, thậm chí mẹ còn dặn tôi không được góp ý hay nhắc nhở gì, bởi sợ liên lụy khi mấy gia đình nọ đều thuộc dạng... đầu gấu, nhiều thành viên xăm trổ đầy mình..., nên tốt hơn nhất là cứ im, lặng thinh cho lành!
Sự vụ hát karaoke gây tiếng ồn lớn tại khu phố nhà tôi thực ra cũng đã được phản ảnh “ngầm” với những người phụ trách của tổ dân phố, nhưng xem ra chẳng tác dụng. Đúng là nếu ai rơi vào tình cảnh khi sống cạnh những gia đình thường xuyên tổ chức hát karaoke, bật loa to gây tiếng ồn lớn, chắc mới thấu hiểu nỗi khổ. Nhiều khi muốn ngủ trưa một chút cũng chắc chắn là không thể, khi hàng xóm cứ “dội” tiếng loa thùng vào vách tường vang xa đến chói cả tai. Không chỉ gây ồn ban trưa, nhiều “cơn bão tiếng ồn” còn quét đến tận nửa đêm khiến chẳng một ai có thể ngủ nổi.
Được biết, pháp luật đã có chế tài đầy đủ và cụ thể đối với tiếng ồn từ karaoke. Cụ thể, Nghị định 167/2013 quy định hành vi gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22 giờ hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đến 300.000 đồng. Quy định rõ ràng là vậy nhưng dường như biện pháp áp dụng trên thực tiễn lại chưa hề có, hoặc có thì vẫn còn quá hiếm. Chính vì sự việc vẫn còn bị coi nhẹ, không làm gắt gao, mạnh tay như bấy lâu nay nên tình trạng các gia đình tổ chức hát karoke gây tiếng ồn lớn, làm ảnh hưởng tại khu dân cư, làng quê ngõ xóm vẫn diễn ra quá đại trà và thường xuyên.
Thiết nghĩ, để ngăn ngừa tình trạng hát karaoke gây tiếng ồn lớn “tra tấn” những hộ dân xung quanh, cũng như ngăn ngừa những mâu thuẫn, những bực bội, thậm chí là cả những vụ án mạng xuất phát từ sự việc này, rất mong chính quyền các địa phương phải vào cuộc một cách mạnh mẽ, quyết liệt, và duy trì thường xuyên. Khi nhận được phản ảnh từ người dân, đại diện chính quyền cấp thôn, xóm, phường, xã, tổ dân phố..., cần phải nhắc nhở các gia đình thường xuyên tổ chức ăn nhậu và hát karaoke, không được bật âm thanh quá lớn trong khi hát, và trong các khung giờ quy định như buổi trưa, buổi tối muộn, ngừng không được hát... Nếu các gia đình nào không tuân thủ, cố tình chống đối mà vẫn luôn tổ chức hát làm ồn, làm ảnh hưởng tới hàng xóm, phải bố trí cán bộ văn hóa mang máy đo tiếng ồn, nếu vượt khung sẽ xử phạt theo quy định.
Tôi tin rằng, nếu làm nghiêm, làm sát sao như vậy, tình trạng các gia đình tổ chức hát karaoke gây tiếng ồn lớn “tra tấn” hàng xóm sẽ giảm mạnh.
Kết quả khám, mức độ nhẹ thường là bị mệt mỏi, stress, ù tai, rối loạn tiền đình, ảnh hưởng thần kinh số 8. Nặng là bị giảm thính lực, mất khả năng nghe nghiêm trọng.
-Tiếng ồn che lấp âm thanh cần nghe làm suy giảm phản xạ tự nhiên của con người với âm thanh; gây bệnh đối với thính giác và hệ thần kinh, gián tiếp gây ra bệnh tim mạch; tiếp xúc với tiếng ồn cao lâu ngày dẫn tới bệnh đãng trí và bệnh điếc không thể phục hồi.
Nếu sống trong môi trường có tiếng ồn quá lớn, không chỉ gây ra các rối loạn tâm thần mà còn gây tổn thương đối với phần tai trong, dây thần kinh thính giác bị teo lại…
Còn đối với mức độ tiếng ồn khoảng 50 - 60 dBA nhưng phải nghe dai dẳng, liên tục như những trường hợp ở sát quán cà phê, quán nhậu… cũng rất nguy hiểm. Cụ thể như sẽ bị stress, cáu giận, chóng mặt, đau đầu và có nguy cơ cao về bệnh thần kinh.
Tiếng ồn có thể khiến trẻ mất tập trung, ảnh hưởng đến hiệu quả học từ ngữ của chúng ngay từ những năm đầu đời. Tất cả những tác động này dẫn đến nhiều biểu hiện xấu về tâm lý, sinh lý, bệnh lý, ảnh hưởng hiệu quả lao động, nhất là đối với những cư dân đô thị.
-Tiếng ồn kéo dài có thể khiến mất tập trung, giảm khả năng nghe, tác động mạnh đến tâm lý như dễ nảy sinh cảm giác khó chịu, cáu gắt... Ở đô thị, các nhà sát vách nhau, không có khoảng không gian cách ly nếu có đám tiệc nên hạn chế tối đa việc thuê loa, nhạc về hát hò hay nói năng ồn ào để tránh làm phiền hàng xóm.