Bữa tiệc ly - Nhẩn nha thời cuộc tây, ta

18-03-2014 14:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Đầu năm 2014, khi mọi người đang còn nhẩn nha hội hè, thì nhà văn Lê Hoài Nam đã “nhanh tay” tung ra tập truyện ngắn mới nhất của ông - Bữa tiệc ly.

Đầu năm 2014, khi mọi người đang còn nhẩn nha hội hè, thì nhà văn Lê Hoài Nam đã “nhanh tay” tung ra tập truyện ngắn mới nhất của ông - Bữa tiệc ly. Trong tập truyện Bữa tiệc ly có những câu chuyện gây sững người, bởi những cấm kỵ lại bị chính người thuộc hàng chức sắc cao nhất bước qua.

Thực tế, lịch sử Việt Nam từ thế kỷ 17 - 19 cực kỳ phức tạp với những cuộc chiến, ly loạn. Từ đó bộc lộ những đổi thay đau đớn, nhưng cũng là những cú hích thay da đổi thịt của đất nước. Những vấn đề của lịch sử đã được Lê Hoài Nam chuyển thành những câu chuyện nhân thế gần gũi và rất sát với cuộc sống hiện thực bây giờ.

Nhà văn Lê Hoài Nam.

Nhà văn Lê Hoài Nam.

Bằng giọng kể giản dị, trầm tĩnh và nhẩn nha, ông đã đụng đến những vấn đề nhân bản thâm sâu nhất, cắt cứa nhất. Cái khó nhất của kiếp con người là khi ta được trao quyền, trao tiền trong tay, thì cám dỗ thỏa mãn những thú tật sẽ hành người không dứt. Lê Hoài Nam đã cho thấy sự đấu tranh của người được xếp hàng bề trên với tham sân si, để rồi cho ta thấy thất bại của người ra sao. Cái tài của ông, là bằng những câu chữ bình dị, làm nổi lên sự thắng thế dễ dàng của con quỷ sắc dục, quyền bính, sự đầu hàng của con người.

Tôi cho rằng chính sự thiết tha với lịch sử dân tộc, với thân phận người Việt thăng trầm trong ly loạn đã thúc đẩy nhà văn Lê Hoài Nam đầu tư công sức, tư tưởng và xúc cảm của ông để đi vào đề tài chuyện sử.

Ông đã có những nghiên cứu, chuẩn bị kỹ lưỡng về chữ nghĩa, văn hóa, bút pháp cho khuynh hướng sáng tác về đề tài truyện sử của mình. Bên cạnh đó, yếu tố toàn cầu hóa, giao lưu Đông - Tây không chỉ rộ lên thời nay, mà đã tác động tới Đại Việt từ thế kỷ 17. Lê Hoài Nam chú tâm khai thác những ảnh hưởng, cái được - mất của sự giao lưu này, cho thấy sự bảo thủ, hoặc bản lĩnh văn hóa của các tầng lớp người Việt.

Nhà văn Lê Hoài Nam cũng chủ tâm khai thác đề tài tôn giáo. Và qua chuyện chủ đề tôn giáo, ông không những chỉ ra, con người luôn tự chủ động ràng rịt mình vào tôn giáo, như một thứ công cụ để giữ mình khỏi nghiệp chướng, hệ lụy, mà còn ý nhị đề cập đến một sự thật, rằng tôn giáo cũng chỉ là một sản phẩm tinh thần của chính con người. Tôn giáo là thứ thuốc trợ lực tinh thần dành cho kẻ yếu. Khi ta yếu, ta cần bồi bổ.

Bữa tiệc ly - Tập truyện ngắn của nhà văn Lê Hoài Nam.

Bữa tiệc ly - Tập truyện ngắn của nhà văn Lê Hoài Nam.

Với truyện ngắn Bữa tiệc ly - truyện được lấy làm nhan đề cho cả tập, nhà phê bình Bùi Việt Thắng nhận định: “Tôi nghĩ về điệu thức “cảm xúc không biên giới” trong truyện của Lê Hoài Nam. Bữa tiệc ly là một trong những kiệt tác của danh họa người Ý thời Phục hưng Leonardo da Vinci. Câu chuyện được kể lại qua sự tưởng tượng phong phú của nhà văn, tưởng như có vẻ xa vời với ngày hôm nay. Nhưng ẩn chứa đằng sau kiệt tác hội họa Bữa tiệc ly là những vấn đề nóng hổi thời sự - thời cuộc: nghệ thuật chân chính và người nghệ sĩ, nhân cách người nghệ sĩ, nghệ thuật và cuộc mưu sinh của người nghệ sĩ (trong đoạn kết truyện, độc giả có lương tri nhói lòng vì lời của danh họa: “Ta cũng đang tìm cách để cứu chính ta còn chưa xong (...). Người giữ cái hầu bao nuôi sống ta thì đã chạy khỏi Milan. Rất có thể ngày mai hay ngày kia ta cũng sẽ bị rơi vào cái tình cảnh không có cái gì bỏ vào bụng. Ta cần đến một nơi có thể tìm được người bảo trợ mới. Nếu điều đó thành hiện thực, ta sẽ nhớ đến ngươi”. Có gì đó như là “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” giữa nhân vật danh họa Ý và tâm trạng các văn nhân Việt Nam một thời não nùng trước cảnh “Cơm áo không đùa với khách thơ”!?”       

  Kiều Hậu

 


Ý kiến của bạn