Một nghiên cứu mới cho thấy ăn sáng sớm có thể làm giảm nguy cơ phát triển bệnh đái tháo đường type 2 và các rối loạn chuyển hóa khác. Duy trì thói quen ăn sáng sớm thậm chí có thể giúp bạn tránh được vấn đề khác như thừa cân.
Nghiên cứu được trình bày gần đây tại cuộc họp thường niên của Endocrine Society (Tổ chức Nội tiết). Trong nghiên cứu, các nhà khoa học Mỹ đã phân tích dữ liệu về chế độ ăn uống và chế độ ăn liên quan glucose và insulin từ một cuộc khảo sát đại diện với sự tham gia của 10.575 người trưởng thành trên khắp cả nước.
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Northwestern và Đại học Illinois, Chicago, phát hiện ra rằng những người ăn sáng sớm hơn 8h30 có lượng đường trong máu thấp và ít kháng insulin hơn so với những người ăn sáng muộn hơn.
Đường huyết tăng cao và đề kháng với hormone insulin, giúp điều chỉnh lượng đường trong máu, là hai dấu hiệu nhận biết tiền đái tháo đường và đái tháo đường type 2.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh ước tính rằng 34 triệu người Mỹ mắc bệnh đái tháo đường type 2 và 88 triệu người bị tiền đái tháo đường. Trong số đó, 84% không biết rằng mắc hội chứng tiền đái tháo đường này có liên quan đến nguy cơ cao mắc bệnh đái tháo đường type 2, bệnh tim và đột quỵ.
Các dấu hiệu cảnh báo bạn đang phát triển bệnh đái tháo đường:
- Thường xuyên khát nước
- Đi tiểu liên tục
- Đói quá mức
- Thường xuyên mệt mỏi
- Bị mờ mắt
- Vết thương lâu lành
- Giảm cân không rõ nguyên nhân
- Ngứa ran, đau hoặc tê tay chân
Ăn uống "đúng cách" có thể đẩy lùi bệnh đái tháo đường
Các tác giả nghiên cứu từ Đại học British Columbia và Đại học Teesside ở Anh đã thu thập thông tin của gần 200 người trưởng thành trong độ tuổi từ 30-75 và đang sống chung với bệnh đái tháo đường. Họ được hướng dẫn thực hiện một kế hoạch ăn uống cụ thể trong 12 tuần. Chế độ ăn uống này bao gồm ít calo (850-1100 calo mỗi ngày), ít carbohydrate (ít hơn 50 gam carb mỗi ngày) và protein cao hơn (110-120 gam mỗi ngày).
Trong quá trình thử nghiệm, các tình nguyện viên được các dược sĩ địa phương theo dõi và đánh giá nhu cầu sử dụng thuốc hạ đường huyết của họ. Các nhà nghiên cứu đã chọn dược sĩ làm việc này vì họ phát hiện ra rằng những người trưởng thành mắc bệnh đái tháo đường - và thường là những người sống ở các vùng nông thôn - có nhiều khả năng đến gặp dược sĩ hơn là bác sĩ khi có dấu hiệu bệnh.
Theo kết quả của cuộc nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Communications, hơn 11/3 số người tham gia đã được bỏ thuốc điều trị bệnh đái tháo đường trong vòng 3 tháng, khi họ có "những cải thiện đáng kể" về lượng đường trong máu, huyết áp, cân nặng và sức khỏe tổng thể.
Trong một tuyên bố, tiến sĩ Jonathan Little, trợ lý giáo sư tại Trường Khoa học Sức khỏe và Thể dục tại Đại học British Columbia và là đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết: "Bệnh đái tháo đường type 2 có thể được điều trị và đôi khi có thể đảo ngược bằng các biện pháp can thiệp chế độ ăn uống".
BS dinh dưỡng Erin Palinski-Wade, tác giả của cuốn "2-Day Diabetes Diet: Diet Just 2 Days a Week and Dodge Type 2 Diabetes" cho biết bà không ngạc nhiên trước những phát hiện này. "Nghiên cứu trước đây đã phát hiện ra rằng chế độ ăn ít carbohydrate có thể thúc đẩy giảm cân đáng kể. Như đã chứng minh trong các nghiên cứu trước đây, việc duy trì những thay đổi này thường có thể là một cuộc đấu tranh vì kế hoạch bữa ăn ít calo, ít carbohydrate có thể bị hạn chế. Vì vậy việc tuân thủ lâu dài sẽ là một thách thức", bà nói.
Hơn nữa, bà đồng ý với các tác giả nghiên cứu về tầm quan trọng của việc thường xuyên được dược sĩ, bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng theo dõi, đặc biệt nếu bạn đang bắt đầu một kế hoạch ăn uống mới với lượng calo và carb giảm. Việc này có thể đảm bảo hiệu quả khi thực hiện những thay đổi về ăn uống và lối sống.
Xem thêm video đang được quan tâm
Ăn nhiều đồ ngọt ảnh hưởng thế nào đến làn da của bạn?