Bữa cơm sinh thái và triết lý kinh doanh khỏe

28-10-2017 16:10 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Cho tới nay, bữa cơm sinh thái mới chỉ xuất hiện duy nhất trong doanh nghiệp vàng bạc của doanh nhân Vũ Minh Châu,

nơi ông và các nhân viên ở những vị trí làm việc khác nhau có thể cùng ăn cơm thân mật với những thực phẩm an toàn, cùng vui vẻ chia sẻ triết lý sống, triết lý kinh doanh một cách cởi mở, chân thành như những thành viên trong gia đình.

Sống khỏe mới làm việc khỏe

Tôi từng nghe đồn, việc tuyển chọn nhân sự làm việc cho công ty vàng bạc của ông rất khác biệt, bởi ngoài năng lực làm việc, nhân sự được tuyển còn phải có ngoại hình đáp ứng nhiều tiêu chí khắt khe như: có sức khỏe tốt, dáng người cân đối, không có những thói quen xấu như nghiện thuốc lá, rượu bia, các tệ nạn xã hội, không nhuộm tóc vàng, xăm trổ, phải có lối sống chuẩn mực theo tiêu chí chân phương, thánh thiện, con nhà lành.

Tôi rất tò mò về sự lựa chọn nhân sự khác biệt này, nhân một lần tới thăm công ty, tôi may mắn được đích thân doanh nhân Vũ Minh Châu mời dự bữa cơm sinh thái của ông cùng một số nhân viên, tôi đã hiểu ra lý do trong sự khác biệt ấy và còn hơn thế nữa.

Ngay tên gọi “Bữa cơm sinh thái” cũng đã thể hiện sự sáng tạo không chỉ trong ngôn từ, mà còn là sự thức thời của ông Châu. Hiện nay, trong sự phát triển vũ bão của kinh tế thị trường, con người phải đối mặt với những rủi ro khó lường từ môi trường, từ xã hội, cho nên từ “sinh thái” (eco) luôn được gắn với nhiều sản phẩm, đặc biệt là thực phẩm, để nhắc nhở và cũng là tiêu chí phấn đấu bảo vệ con người, nhất là trong vấn đề sức khỏe thể chất và tinh thần.

Ông Châu đã sáng tạo ra “Bữa cơm sinh thái” nhiều năm nay. Ông đi sâu nghiên cứu và hiểu ra rằng do thiếu cân bằng dinh dưỡng cộng với thực phẩm không an toàn nên sức khỏe của con người bị xuống cấp trầm trọng. Vì thế ông tạo ra bữa cơm sinh thái với đa dạng món ăn, phong phú màu sắc tự nhiên của thực phẩm nhằm đáp ứng đầy đủ dưỡng chất cần thiết cho cơ thể hàng ngày. Các thực phẩm được tuyển lựa kỹ càng từ vùng miền, các nguồn tin cậy nên đảm bảo sạch và an toàn tuyệt đối.

Ông quan niệm “Sức khỏe quý hơn vàng”; và vì thế mà cần “Giữ sức khỏe hơn giữ vàng”. Có điều kiện đi khắp các vùng miền núi xa xôi, nơi con người sống nghèo nhưng lại khỏe vì môi trường chưa bị ô nhiễm nặng nề, và thực phẩm làm ra theo phương thức tự cung tự cấp, nuôi trồng sạch chỉ dùng phân bón hữu cơ và lớn lên tự nhiên, không bị các loại phân bón vô cơ và hóa chất kích thích tăng trưởng cũng như thuốc trừ sâu làm cho nhiễm độc, ông đã mua về những thực phẩm đó, dùng đủ cho gia đình ông và còn lại chia sẻ cho bạn bè, người thân và nhân viên của mình. Ông Châu tự nghiên cứu sâu qua các tài liệu khoa học, những chuyên gia, cùng kinh nghiệm dân gian, kinh nghiệm cá nhân... về dinh dưỡng và sức khỏe, để phát hiện ra rằng, thực phẩm cùng phương pháp sử dụng đúng đắn sẽ đóng góp tới 70% sức khỏe của con người. Ngoài ra, việc tập luyện, môi trường cũng như di truyền cùng những yếu tố khác chỉ đóng góp 30% còn lại của sức khỏe. Do đó, ăn thực phẩm sạch, ăn đúng cách và đủ dinh dưỡng sẽ giúp hầu hết chúng ta khỏe mạnh, tránh mọi bệnh tật.Ông Vũ Minh Châu có niềm đam mê sáng tác.

Ông Vũ Minh Châu có niềm đam mê sáng tác.

Kinh doanh khỏe và sự khác biệt

Lựa chọn được thực phẩm sạch rồi, ông nghiên cứu cách chế biến, thuê đầu bếp, đào tạo phương pháp chế biến cũng như công thức phối hợp món và lên thực đơn đa dạng, ông Châu đã có thể tự tin về “Bữa cơm sinh thái” do mình sáng tạo và ông mời nhân viên đến ăn cùng. Với hơn 300 cán bộ, nhân viên trong toàn công ty, mỗi ngày ông Châu đều mời 8 người tới dùng “Bữa cơm sinh thái” với mình, cứ lần lượt như vậy cho đến hết vòng thì sẽ quay lại. Như thế, mọi nhân viên đều được dùng cơm với sếp, qua bữa cơm thân mật, họ có thể thoải mái bày tỏ tâm tư, nguyện vọng trực tiếp với người lãnh đạo cao nhất trong công ty. Hơn thế nữa, họ còn được ông chia sẻ không chỉ những thức ăn ngon, bổ dưỡng, an toàn, mà còn những kinh nghiệm sống để đời, những kỹ năng sống khỏe, kỹ năng làm việc thành công. Nhìn nhân viên nào ốm yếu, sắc mặt không được thư thái, ông ân cần hỏi thăm và khi biết bệnh hay vấn đề của họ, ông tư vấn cách giải quyết, rồi tặng thực phẩm ngon, sạch, các thứ thuốc hỗ trợ để giúp nhân viên đó nhanh chóng khỏe trở lại. Thậm chí, khi người nhà của nhân viên bị bệnh, ông cũng giúp họ thuốc và cách chăm sóc tốt nhất, sao cho nhân viên và người nhà của họ luôn khỏe khoắn, không vướng mắc, lo lắng gì về sức khỏe.

Ông Châu cũng truyền cho nhân viên quan điểm của ông, đó là phòng bệnh hơn chữa bệnh, sống khỏe thì mới làm việc khỏe và thành công. Ông giúp họ hình thành không chỉ kỹ năng làm việc tốt, chuẩn, hướng tới hoàn hảo, mà còn dần hình thành những thói quen sinh hoạt tốt, lành mạnh. Có nam nhân viên khi vào làm ở công ty, đã bỏ hút thuốc dù trước đó nghiện nặng, đã lên cân và sức khỏe cải thiện trông thấy, nước da hồng hào.

Văn hóa công ty cũng được củng cố qua “Bữa cơm sinh thái”. Và sự khác biệt không chỉ dừng ở đó. Có điều kiện đi nhiều nước trên thế giới, mở mang học hỏi, ông Châu luôn nhớ đến nhân viên của mình, và khi thấy có sản phẩm gì hay, tốt, phù hợp của nước ngoài, ông đều mua về tặng cho nhân viên. Ông quan điểm, kinh doanh để làm giàu, nhưng giàu mà không chia sẻ thì có tội. Trong công ty của ông, các cán bộ, kể cả người cấp cao nhất, không bao giờ nhận quà của nhân viên. Chỉ có sếp tặng quà nhân viên chứ không có chuyện ngược lại. Có lần, một nhân viên mới, vì biết ơn ông đã chữa bệnh cho người nhà mình, nhân dịp Tết bèn mang từ quê lên một con gà biếu ông. Ông nhận con gà (bởi nhân viên đã mất công mang lên cho ông) nhưng trả tiền bằng giá thị trường, cộng thêm tiền tàu xe do nhân viên phải đi từ quê lên, và dặn lại rằng ông tuyệt đối không bao giờ nhận quà của nhân viên. Con gà sau đó được chuyển vào bữa ăn tập thể để mọi người cùng thưởng thức. Cách hành xử nhân văn như vậy khiến người nhân viên cảm động mãi. Điều mà ông Châu tập trung thực hiện nhiều năm nay, đó là ông luôn học hỏi, thu gom những điều hay, những triết lý sống nhân văn, những tiến bộ, văn minh từ khắp nơi, trong nước và nước ngoài, về xây dựng thành một cẩm nang sống, làm việc dành cho mình và đội ngũ nhân viên.

Một quan điểm rất lạ của ông khiến tôi ấn tượng, đó là “Giàu quá hóa nghèo”. Ông Châu giải thích, rằng có những doanh nhân chỉ tập trung vào việc kiếm tiền, mở rộng kinh doanh không ngừng, liên tục mở thêm cửa hàng, nhà máy, tìm mọi cách chiếm phần thị trường lớn hơn... Còn ông cho rằng, chỉ nên kinh doanh ở mức độ vừa phải, còn thì nhường thị phần cho người khác cùng kinh doanh, khi giàu có thì cũng phải biết chia sẻ cho người khác. Như thế mới là người giàu thực sự. Giàu không phải là số lượng tiền anh sở hữu bao nhiêu. Giàu nứt đố đổ vách mà khư khư giữ cho mình, lòng dạ chật hẹp, trong khi việc làm giàu tàn phá thiên nhiên, trong khi mình giàu tiền mà nhân viên phờ phạc,... thì đó đâu phải là giàu thực sự. Với ông “giàu được tính bằng số tiền tiêu đi có ích”, “tiền trong két vẫn là tiền của người ta, tiền tiêu đi có ích cho gia đình, cộng sự và cộng đồng mới là tiền của mình”.

Gốc của sức khỏe là dinh dưỡng và lối sống lành mạnh

Doanh nhân Vũ Minh Châu cũng là người đầu tiên đưa ra các khái niệm mới như “khí dược” và mới đây là “trứng thực vật”. Ông đã và đang nghiên cứu cách dùng khí chữa bệnh, dùng mùi hương thảo dược chữa bệnh và nâng cao sức khỏe. Ông cũng đã tìm ra một công thức dinh dưỡng an lành và khỏe mạnh, chỉ dùng các loại hạt mà ông gọi là “trứng thực vật”. Đó là món cháo trung tính nấu nhừ, nấu trong thời gian lâu trong chế độ nhiệt chỉ 80 độ. Cháo bao gồm các loại “trứng thực vật”, gồm các hạt đậu, đỗ. “Trứng thực vật” chứa nhiều giá trị dinh dưỡng, với các loại axit amin và đạm thực vật phong phú, mà lại không bị nguy cơ nhiễm bẩn như thịt động vật, dễ tiêu hóa và mang lại sức khỏe tốt. Hiện ông đã cho nhà bếp công thức nấu cháo trung tính để cung cấp thường xuyên cho nhân viên được ăn.

Ông cho rằng, gốc của sức khỏe là dinh dưỡng và lối sống lành mạnh. Xuất phát từ thực tế, khi tuyển nhân sự, ông thấy có những bạn trẻ bị thừa cân nhưng vẫn thiếu sức khỏe làm việc, có bạn thì quá gầy, bạn lại bị những bệnh mạn tính dù họ còn rất trẻ. Ông vẫn nhận họ vào công ty làm việc, nhưng ân cần chăm sóc họ bằng cách điều chỉnh cho họ một chế độ dinh dưỡng đúng, tặng họ thực phẩm sạch và có hàm lượng dinh dưỡng cao, kiên trì thuyết phục họ chăm chỉ rèn luyện sức khỏe, thay đổi lối sống cũ và thực hành lối sống lành mạnh để có sức khỏe tốt. Thậm chí, ông mua cả một dàn xe đạp thể thao để các phòng ban lập nên lịch đạp xe rèn luyện sức khỏe hàng tuần. Theo đó, hàng tuần từng tốp nhân viên đều đặn đạp xe quanh Hồ Tây để tăng cường thể chất. Hơn thế nữa, ông còn đầu tư mua hơn chục xe máy phân khối lớn để cuối tuần nhân viên cùng nhau đi dã ngoại, chăm sóc cho tinh thần sảng khoái, vui vẻ, hướng nhân viên của mình theo những thú vui lành mạnh, bổ ích. Qua những chuyến đi dã ngoại, một công đôi ba việc, ông cùng nhân viên của mình tìm đến các vùng núi, thu mua giúp nông dân nông sản sạch mà họ làm ra, mang về chia sẻ cho các gia đình của nhân viên. Qua đó cũng giáo dục nhân viên tình yêu quê hương, đất nước, sự thông cảm, thấu hiểu khó khăn của người nông dân, ra tay giúp đỡ người khó, người khổ hơn mình, xây dựng một nhân cách sống cao đẹp.

Ông cũng mời một số văn sĩ đi cùng mình trong các chuyến đi dã ngoại, chụp ảnh, sáng tác văn thơ, ca ngợi vẻ đẹp của đất nước, phản ánh những điều chưa hay để cùng nhau tìm cách thay đổi, cải thiện. Nhiều tác phẩm ảnh, thơ luận... ra đời từ những chuyến đi ấy. Có những tác phẩm đã đoạt giải cao. Và văn hóa tích tụ tinh hoa, chia sẻ những điều hay, cái đẹp cứ như vậy lan tỏa ra mãi.


Kiều Mai
Ý kiến của bạn