Hà Nội

Bữa cơm gia đình: Nơi giữ “lửa” hạnh phúc

20-03-2015 21:43 | Văn hóa – Giải trí
google news

Bữa cơm gia đình tưởng như nhỏ nhặt trong cuộc sống nhưng lại chính là nơi gắn kết các thành viên, là nơi giữ “lửa” hạnh phúc gia đình

Mặc dù chỉ có bữa cơm tối là thời gian cả nhà được ăn cùng nhau, nhưng vì công việc bận rộn nên gia đình ông Nguyễn Văn Việt (ở Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội) có 3 thế hệ cùng sinh sống, không thường xuyên quây quần sum họp. Tình trạng trẻ con đi học về trước thì ăn trước, bố mẹ đi làm về muộn ăn sau, thậm chí có hôm đến 23h đêm mâm cơm mới được dọn đi thường diễn ra.

Nhìn rộng ra mới thấy, câu chuyện nhà ông Việt không phải cá biệt trong cuộc sống hiện đại ngày nay. TS. Nguyễn Thị Kim Quý, Chuyên gia Tâm lý học, Cố vấn đường dây tư vấn Hỗ trợ Chăm sóc bà mẹ trẻ em cho rằng, trong thời buổi kinh tế thị trường hiện nay, đời sống của gia đình nói chung và gia đình trẻ nói riêng được cải thiện cả về vật chất, văn hóa và tinh thần. Mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình trở nên dân chủ, bình đẳng, quyền và lợi ích của mỗi cá nhân, mỗi thành viên trong gia đình ngày càng được tôn trọng và bảo vệ.

Tuy nhiên, bên cạnh những thay đổi tích cực, các gia đình hiện đại cũng đang đứng trước những khó khăn, thách thức do những biến động liên tục của xã hội và những mặt trái của nền kinh tế thị trường, quan hệ hôn nhân lỏng lẻo, hiện tượng sống chung không kết hôn, việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của các thành viên trong gia đình bị giảm sút bởi lối sống tự do, buông thả, cá nhân, ích kỷ, làm cho gia đình mất dần vai trò là tổ ấm.

Lý giải về sự thay đổi này, TS Nguyễn Thị Kim Quý cho biết, do điều kiện xã hội nên tâm lý con người cũng thay đổi. Áp lực công việc lớn, công ăn việc làm ngày càng trở nên khó khăn, trong khi nhu cầu cuộc sống, nhu cầu cá nhân ngày càng cao buộc con người phải lao vào kiếm sống khiến sự quan tâm tới các thành viên trong gia đình trở nên hạn hẹp.

“Khi công việc xã hội áp lực khiến người lớn cáu gắt, mệt mỏi, khi về nhà giữa vợ và chồng không chia sẻ, thông cảm được với nhau thì dễ xảy ra mâu thuẫn. Công việc mệt mỏi khiến người lớn không còn thời gian chăm sóc con cái hay những người mình yêu thương. Bên cạnh đó tâm lý ỉ lại vào nhà trường chăm sóc, giáo dục con cái mà một số người quên rằng con cái là tài sản vô giá, chúng cần yêu thương, tình cảm hơn là vật chất. Hay một số khác lại quá nuông chiều con trẻ, họ tưởng như vậy là yêu thương nhưng như vậy lại hại chính con em mình. Trẻ được nuông chiều sẽ sinh tính ích kỷ, chúng sẽ không biết quan tâm, chia sẻ yêu thương tới người khác”, TS Kim Quý chia sẻ.

Bữa cơm gia đình- nơi gắn kết yêu thương

Chung quan điểm này, PGS.TS. Trịnh Hòa Bình, chuyên gia Xã hội học cũng cho rằng, trong những năm gần đây chức năng chăm sóc, giáo dục trong gia đình đang suy giảm đến mức đáng báo động. Trong bối cảnh đó càng đòi hỏi con người cần phải quay về các giá trị nhân văn, nguồn cội. Những giá trị nhân văn không thể thay thế được thể hiện qua những giá trị đạo đức rất đáng trân trọng như lòng chung thuỷ, tình nghĩa vợ chồng, lòng yêu thương, hy sinh cho con cái, sự quý trọng, hiếu nghĩa của con cháu với cha mẹ, ông bà...

Hạnh phúc gia đình không thể hiện ở đâu xa mà qua những việc làm nho nhỏ trong cách ứng xử, đối xử giữa các thành viên, qua những nét sinh hoạt cụ thể, diễn ra hàng ngày trong đời thường, như ăn uống, nghỉ ngơi, chuyện trò, vui chơi của gia đình.

Theo chuyên gia tâm lý, bữa cơm gia đình tưởng như nhỏ nhặt trong cuộc sống nhưng lại chính là nơi gắn kết các thành viên, là nơi giữ “lửa” hạnh phúc. Ông cha ta thường nói, để biết gia đình đó có hạnh phúc không thì hãy nhìn vào căn bếp. Bởi vì bữa cơm gia đình tuy không có nhiều món ăn cầu kỳ đắt tiền, nhưng thường người nấu ăn, trước hết là người vợ, người mẹ luôn quan tâm đến sở thích của chồng con. Đó chính là biểu hiện của sự quan tâm, chăm sóc đối với các thành viên gia đình.

Như vậy bữa ăn gia đình trước hết là phù hợp với khẩu vị từng người, từng gia đình, tuy có chiếu cố đến số đông, nhưng không quên có thành viên không thích ăn món này, món kia, để chú ý cho họ có cái gì ăn phù hợp.

Ăn bữa cơm, mỗi người được thoả mãn nhu cầu vật chất của mình thấy vui vẻ, phấn chấn, ăn ngon, ăn no; biết chia sẻ về những công việc diễn ra trong ngày. Đồng thời, qua bữa cơm lại giáo dục cho mỗi thành viên, đặc biệt là trẻ em, biết nhường nhịn, có miếng gì ngon cần chú ý để phần cho người khác, không dành lấy ăn hết. Đó là cách giáo dục cụ thể, thiết thực, đời thường, về ý thức yêu thương, chia sẻ giữa anh em trong gia đình rồi sau tỏa rộng ra ngoài xã hội, cộng đồng.

TS Nguyễn Thị Kim Quý khuyên rằng, mỗi người phải biết điều hòa cái “tôi” của mình, công việc chung với nhu cầu cá nhân để sắp xếp, dành thời gian cho vợ chồng, con cái thì mới duy trì được tình yêu thương, mái ấm mà mình mong muốn./.

 


Ý kiến của bạn