Tất cả những nguyên nhân trên dẫn đến những hậu quả xấu đến sức khỏe trước mắt và lâu dài giảm dần sức đề kháng, gây một số bệnh mạn tính…
Lý do không được bỏ bữa sáng
Buổi sáng chúng ta phải hoạt động nhiều cả thể lực và trí óc nên bữa ăn sáng rất cần thiết. Tuy nhiên, không phải bạn ăn uống vô độ; nên chọn thức ăn nhẹ dễ tiêu hóa.
Cung cấp năng lượng cho mọi hoạt động: sau giấc ngủ dài, cơ thể chúng ta thiếu hụt năng lượng nghiêm trọng. Bữa sáng với đầy đủ các dưỡng chất là cách tốt nhất cung cấp năng lượng cho mọi hoạt động trong ngày. Năng lượng được cơ thể thu nhận từ bữa sáng, sẽ giúp chuyển hóa và trao đổi chất trong cơ thể. Nhờ đó các cơ quan trong cơ thể sẽ “năng động” và “hăng hái” hơn.
Tăng cường trí não: các tế bào thần kinh tiêu thụ năng lượng rất nhiều, vì thế nếu để não đói, khả năng tư duy và ghi nhớ sẽ giảm sút. Để não hoạt động tốt hơn, bạn cần ăn sáng với các thực phẩm như ngũ cốc, rau quả có nhiều chất xơ, thực phẩm giàu protein, hạn chế các món ăn có hàm lượng đường và chất béo cao.
Ngừa ung thư và các bệnh tim mạch: bữa ăn sáng sẽ giúp hệ tuần hoàn hoạt động tốt hơn, quá trình trao đổi chất cũng triệt để hơn, từ đó sẽ giảm được các nguy cơ gây ra bệnh tim mạch, huyết áp, ung thư… Bữa sáng nhiều rau quả và ngũ cốc là bữa sáng lý tưởng nhất, vì rau quả và ngũ cốc sẽ làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, ung thư và các bệnh mạn tính khác.
Giảm cân: khi chúng ta ăn vào, cơ thể sẽ diễn ra quá trình trao đổi chất, đây cũng là lúc cơ thể bắt đầu tiêu hao calo. Sau bữa ăn sáng, quá trình tiêu thụ calo diễn ra mạnh nhất, vì thế ăn sáng được xem là một trong những biện pháp giảm cân hữu hiệu.
Mất cân bằng dinh dưỡng, sức đề kháng thấp: do nguồn năng lượng ở mức rất thấp nên cơ thể buộc phải lấy năng lượng dự trữ từ gan, khiến gan luôn ở trong tình trạng quá sức. Hơn nữa, nếu buổi sáng không ăn, đến khoảng 9 giờ hoặc 10 giờ trưa bạn sẽ bị đói cồn cào, người nôn nao, huyết áp hạ thấp, gây tổn hại nghiêm trọng đến hệ tiêu hóa. Dần dần khả năng miễn dịch và sức đề kháng của cơ thể bị giảm sút.
Ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc: không ăn sáng ảnh hưởng nhiều đến năng suất làm việc do bụng đói cồn cào, dạ dày co bóp nhiều sẽ làm bạn không tập trung được vào công việc.
Đau dạ dày và kết sỏi ở bộ máy tiêu hóa: dạ dày luôn co bóp không, dịch vị tiết ra nhưng không có gì để tiêu hóa, dần dần sẽ dẫn đến viêm loét dạ dày. Do ruột rỗng, nhu động giảm, các chất cặn bã trong ruột của ngày hôm trước không có cơ hội để đào thải ra ngoài, lâu dần nó sẽ kết lại thành sỏi.
Béo phì: buổi sáng không ăn, nên buổi trưa và buổi tối bạn phải ăn nhiều hơn để có đủ năng lượng. Trong khi hoạt động vào buổi chiều và tối không nhiều, thức ăn sẽ không kịp tiêu hóa hết, khiến cho nhiệt lượng trong cơ thể bạn ngày càng nhiều. Kết cục bạn sẽ mắc bệnh béo phì.
Nhanh lão hóa: do không ăn sáng nên cơ thể buộc phải huy động lượng đường và protein được dự trữ sẵn để hoạt động, làm cho bề mặt của lớp da bị khô, rám, mất dinh dưỡng, do vậy dễ xuất hiện nếp nhăn nhất là ở vùng mắt và mặt.
Ăn sáng tại nhà
Ăn tại nhà thì tốt hơn ăn ngoài hàng vì chắc chắn sẽ yên tâm về mặt vệ sinh an toàn thực phẩm. Thích gì ăn nấy, theo đúng yêu cầu chất lượng đề ra cho thể trạng từng người. Nó tạo thêm môi trường sum họp đầm ấm gia đình (ngoài bữa ăn trưa) vì buổi trưa các thành viên gia đình đi học, đi làm nên phải tùy nghi di tản). Ăn ở gia đình với ý nghĩa xã hội đã có ích lợi như vậy. Còn với ý nghĩa dinh dưỡng thì ở một số công trình nghiên cứu khoa học của nước ngoài cũng cho thấy tập quán ăn chung ở châu Á có nhiều ích lợi hơn khi so sánh với ăn riêng lẻ như tập quán ở châu Âu.
Để có bữa ăn sáng tại gia đình thì phải chuẩn bị nguyên liệu sẵn từ tối hôm trước, để bà hay mẹ đỡ tất bật trong số thời gian ít ỏi. Bữa sáng cần có sự thông cảm của cả nhà góp tay cho bữa sáng.
Ăn sáng ngay tại nhà còn khắc phục được tình trạng bỏ bữa của mọi người vốn “ngại mất thì giờ”... Cố gắng ăn xong ở nhà, uống nước, lau miệng xong mới đi đến trường và cơ quan. Không nên ăn trên đường (vừa đi vừa ăn) mất vệ sinh và tạo thói quen không tốt về phong cách sống, gây xả rác ra môi trường.
Đối với trẻ mẫu giáo: phải đảm bảo bữa ăn sáng ở nhà là gánh nặng của gia đình. Trên 30 bà mẹ được khảo sát ngẫu nhiên đều phàn nàn về sự vất vả này và rất mong các trường mẫu giáo mầm non tổ chức bữa ăn sáng chu đáo cho các cháu tại trường vẫn là biện pháp khả thi vì tương lai con em chúng ta…
Chuẩn bị bữa ăn sáng cho người già: ngoài yêu cầu đảm bảo các thành phần dưỡng chất còn phải lưu ý đặc thù của người già răng yếu và nhiều bệnh mạn tính phải ăn kiêng. Do đó gia đình cần có một số thực đơn thích hợp để thay đổi đặng góp phần nâng cao tuổi thọ cho ông bà là những bậc sinh thành của chúng ta... Thực đơn sáng cho người già theo nhiều tác giả là cháo các loại. Cháo động vật (bỏ xương): gà, vịt, tôm, trứng... Cháo thực vật: mộc nhĩ, đậu, ngô, kê... Có sách viết: do bữa sáng cơ thể hấp thụ tốt chất dinh dưỡng nên với các cụ sẽ có buổi sáng ăn no, bữa trưa ăn vừa phải, bữa tối chỉ ăn một chút thôi. Bữa sáng không để các cụ uống kèm rượu!
Bữa ăn sáng dinh dưỡng cung cấp năng lượng 30% và chất dinh dưỡng 25% có trong bữa ăn hàng ngày. Các chủng loại cần thiết là 4 loại:
- Rau, ngũ cốc và khoai.
- Thức ăn động vật (có cả đậu).
- Sữa và chế phẩm sữa.
- Trái cây.
Bữa ăn sáng tốt hoặc dinh dưỡng khi gồm cả 4 loại. Nếu chỉ 3 thì đạt tốt. Nếu chỉ có 2 hay 1 loại thì bữa ăn sáng đó kém chất lượng. Trung tâm của vấn đề là ngũ cốc. Ngũ cốc là chìa khóa cho bữa ăn sáng cho chất lượng sức khỏe với 2 tiêu chuẩn là lượng chất xơ và nhu cầu cá nhân. Y văn cho thấy sự cần thiết phải có chất xơ ngũ cốc trong bữa ăn sáng.