Bữa ăn lành mạnh – Chìa khóa kiểm soát đường huyết và ngăn ngừa biến chứng đái tháo đường

13-07-2025 09:00 | Dinh dưỡng
google news

SKĐS – Chế độ ăn uống khoa học đóng vai trò thiết yếu trong việc điều trị và kiểm soát bệnh đái tháo đường. Không chỉ giúp ổn định đường huyết, một bữa ăn lành mạnh còn giúp phòng ngừa biến chứng nguy hiểm và nâng cao chất lượng sống cho người bệnh.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, bữa ăn lành mạnh là bữa ăn cung cấp đầy đủ, cân đối và hợp lý các chất dinh dưỡng đa lượng như carbohydrate, protein, chất béo cùng vi chất dinh dưỡng và năng lượng phù hợp với từng cá thể. Tùy theo tình trạng sức khỏe, mức độ hoạt động và nhu cầu chuyển hóa của mỗi người, chế độ ăn cần được thiết kế linh hoạt nhưng vẫn đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm. Điều này đặc biệt quan trọng với người bệnh đái tháo đường – nhóm đối tượng có rối loạn chuyển hóa đường và nguy cơ cao gặp các biến chứng về tim mạch, thần kinh, thận hoặc thị lực nếu không kiểm soát tốt đường huyết.

Với người bệnh, bữa ăn chính là nền tảng điều trị đầu tiên, lâu dài và thiết yếu. Những gì được đưa vào cơ thể mỗi ngày đều tác động trực tiếp đến lượng đường trong máu. Hiểu được vai trò của các nhóm chất dinh dưỡng giúp người bệnh chủ động lựa chọn thực phẩm thông minh và xây dựng bữa ăn cân bằng.

Bữa ăn lành mạnh – Chìa khóa kiểm soát đường huyết và ngăn ngừa biến chứng đái tháo đường- Ảnh 1.

Bữa ăn lành mạnh hỗ trợ người bệnh đái tháo đường quản lý và phòng ngừa biến chứng.

Carbohydrate là nguồn năng lượng chính của cơ thể nhưng cũng là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến đường huyết. Chúng có mặt trong ngũ cốc, trái cây, sữa và thực phẩm có đường. Người bệnh cần kiểm soát lượng carbohydrate trong mỗi bữa ăn, ưu tiên các thực phẩm có chỉ số đường huyết (GI) thấp như gạo lứt, yến mạch, các loại đậu và rau củ giàu chất xơ. Phương pháp đếm carbohydrate và phân bổ hợp lý theo bữa ăn giúp điều chỉnh lượng đường huyết ổn định hơn, đặc biệt với người đang sử dụng thuốc hoặc insulin. Khuyến nghị lượng carbohydrate hàng ngày nên chiếm khoảng 50–60% tổng năng lượng nạp vào.

Bên cạnh carbohydrate, protein là nhóm chất cần thiết giúp duy trì khối cơ, tạo cảm giác no và không làm tăng đường huyết nhanh chóng. Protein nên chiếm khoảng 15–20% năng lượng khẩu phần, đến từ các nguồn lành mạnh như thịt nạc, cá, trứng, sữa ít béo, đậu phụ, đậu đỗ. Việc đưa protein vào từng bữa ăn cũng hỗ trợ kiểm soát cơn đói và hạn chế ăn quá mức các thực phẩm giàu tinh bột hoặc đường.

Chất béo tuy chỉ nên chiếm 20–30% tổng năng lượng hằng ngày, nhưng loại chất béo sử dụng lại quyết định rất lớn đến sức khỏe tim mạch – yếu tố mà người bệnh đái tháo đường cần đặc biệt quan tâm. Ưu tiên các loại chất béo không bão hòa từ dầu thực vật (dầu ô liu, dầu đậu nành), các loại hạt, cá béo như cá hồi, cá thu… trong khi hạn chế chất béo bão hòa (thịt mỡ, bơ, sữa nguyên kem) và tránh hoàn toàn chất béo chuyển hóa có trong các thực phẩm chiên đi chiên lại hoặc đồ ăn nhanh.

Bữa ăn lành mạnh – Chìa khóa kiểm soát đường huyết và ngăn ngừa biến chứng đái tháo đường- Ảnh 2.

Mô tả phương pháp đĩa dành cho người bệnh đái tháo đường.

Một trong những nguyên tắc hiệu quả trong kiểm soát ăn uống cho người bệnh đái tháo đường là áp dụng "phương pháp đĩa". Theo đó, đĩa ăn nên được chia thành ba phần: một nửa là rau không chứa tinh bột (rau xanh, củ quả), một phần tư là tinh bột hấp thu chậm (gạo lứt, khoai lang, yến mạch), và phần còn lại là protein lành mạnh. Phương pháp này giúp kiểm soát khẩu phần ăn, hạn chế dư thừa carbohydrate, đồng thời duy trì sự đa dạng dinh dưỡng trong mỗi bữa ăn.

Ngoài ra, thời gian và tần suất ăn cũng rất quan trọng. Người bệnh nên ăn đúng giờ, chia đều thành ba bữa chính và thêm một hoặc hai bữa phụ nếu cần để tránh tình trạng đường huyết hạ quá mức hoặc dao động lớn giữa các bữa. Việc bỏ bữa hoặc ăn không đều sẽ làm rối loạn chu kỳ tiết insulin và gây khó khăn trong việc kiểm soát bệnh.

Khi lựa chọn đồ ăn nhẹ, nên ưu tiên các thực phẩm có lợi như trái cây nguyên quả, sữa chua không đường, các loại hạt, sữa dành riêng cho người đái tháo đường... Điều quan trọng là cần kiểm soát khẩu phần ăn vặt, tránh ăn quá nhiều dù là thực phẩm lành mạnh, vì vẫn có thể khiến đường huyết tăng vọt.

Một số thói quen đơn giản nhưng hữu ích có thể giúp người bệnh duy trì chế độ ăn bền vững là lên thực đơn theo tuần, chuẩn bị sẵn bữa ăn để tránh lựa chọn thực phẩm tùy tiện, và ghi nhật ký ăn uống để theo dõi lượng thức ăn, phản ứng của cơ thể và điều chỉnh phù hợp. Những thay đổi nhỏ, thực tế và đều đặn sẽ giúp việc ăn uống lành mạnh trở thành một phần tự nhiên trong cuộc sống thường ngày.

Lời khuyên từ chuyên gia là hãy biến bữa ăn thành "liều thuốc không kê đơn" bằng cách xây dựng khẩu phần hợp lý, đa dạng, sử dụng thực phẩm tự nhiên, ít chế biến và giàu dưỡng chất. Bữa ăn lành mạnh không chỉ kiểm soát bệnh hiệu quả, mà còn giúp người bệnh duy trì thể trạng tốt, nâng cao chất lượng cuộc sống và phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm về lâu dài.

Bữa ăn lành mạnh – Chìa khóa kiểm soát đường huyết và ngăn ngừa biến chứng đái tháo đường- Ảnh 3.
Bữa ăn lành mạnh – Chìa khóa kiểm soát đường huyết và ngăn ngừa biến chứng đái tháo đường- Ảnh 4.

Doanh nghiệp tự giới thiệu


Ý kiến của bạn