Nghiên cứu của các nhà khoa học Đại học Minnesota và Đại học Columbia (Mỹ) công bố trên tạp chí Nhi khoa cho thấy, bữa ăn gia đình gồm nhiều trái cây, rau, canxi và ngũ cốc nguyên hạt là một phương pháp hữu hiệu phòng ngừa bệnh béo phì tuổi vị thành niên.
TS. Jerica M. Berge cùng các đồng nghiệp tiến hành nghiên cứu đối với 2.287 trẻ vị thành niên về các vấn đề liên quan đến trọng lượng như chế độ ăn uống, hoạt động thể chất, các hành vi kiểm soát cân nặng. Câu hỏi khảo sát bao gồm tần số bữa ăn, thành phần dinh dưỡng và chỉ khối cơ thể. Theo TS. Berge: “Điều quan trọng là xác định yếu tố môi trường gia đình chẳng hạn như bữa ăn gia đình có thể chống lại thừa cân/béo phì ở trẻ không”. Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng, 51% người tham gia bị thừa cân, 22% bị béo phì. Thanh thiếu niên không tham gia các bữa ăn gia đình có tăng 60% nguy cơ thừa cân và 29% nguy cơ béo phì sau 10 năm. Đối với trẻ tham gia 1-2 bữa ăn gia đình/tuần làm giảm đáng kể tỷ lệ thừa cân và béo phì ở độ tuổi trưởng thành. Theo các nhà khoa học, việc cùng ăn bữa cơm gia đình không chỉ kết nối tình cảm giữa các thành viên mà thực phẩm có chất lượng tốt hơn và hành vi ăn uống lành mạnh của cha mẹ cũng sẽ ảnh hưởng đến thói quen của con cái.
Minh Huệ (Theo RO, 10/2014)