Đó là thông tin Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đưa ra trong Chương trình “Dân hỏi-Bộ trưởng trả lời”, phát sóng trên VTV tối 7/9.
Một bạn đọc ở Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội phản ánh tình trạng không tuân thủ quy định đóng phí bảo trì đường bộ cho xe máy và bày tỏ sự bức xúc khi các quy định đưa ra mà không thực hiện cũng không sao. Việc này có vẻ là nhỏ nhưng xét về kỷ cương, phép nước đó là việc lớn, Bộ trưởng có nghĩ như bạn đọc trên?
Bộ trưởng Đinh La Thăng: Thực ra, quỹ này mới thực hiện vào hoạt động từ năm 2013, tuy nhiên trong thời gian này Bộ Tài chính và Bộ GTVT tập trung vào việc tuyên truyền vận động nhân dân tham gia đóng phí là chính.
Thời gian tới sẽ thực hiện nghiêm, nếu ai không thực hiện, sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật như cảnh cáo, hoặc phạt từ 1-3 lần mức phí phải đóng.
Một người dân ở Nghệ An chia sẻ, thưa Bộ trưởng, với tiêu chí 4 xin (xin chào, xin cảm ơn, xin lỗi, xin phép) và 4 luôn (luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn thấu hiểu và luôn giúp đỡ) của Bộ trưởng, người dân cảm thấy thực sự là một khách hàng đúng nghĩa. Nhưng những điều này sẽ chẳng là gì nếu như sinh mệnh chẳng được an toàn. Vậy Bộ trưởng có giải pháp gì người dân bớt lo lắng và được an toàn mỗi khi ra đường?
Trong dịp nghỉ lễ 2/9 vừa qua tai nạn giao thông vẫn cao hơn cùng kỳ năm ngoái. Số vụ giảm nhưng số người chết tăng 15 người, số người bị thương tăng 14 người. Có thể nói, đây là sự đau xót của bản thân tôi, cả ngành giao thông và đối với nhân dân chúng ta.
Trong thời gian tới, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT cùng tất cả các địa phương tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp về đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, tập trung đẩy nhanh tiến độ, chất lượng các dự án giao thông trọng điểm, hướng tới sự an toàn cho người dân, tăng cường tinh thần trách nhiệm, chống tiêu cực trong lực lượng thực thi công vụ, đăng kiểm, sát hạch cho đội ngũ lái xe.
Chúng tôi cũng sẽ trình Chính phủ sửa đổi Nghị định tăng cường xử lý vi phạm hành chính, hướng tới mức phạt tối đa với các doanh nghiệp, chủ phương tiện; tăng cường trách nhiệm các cơ quan quản lý nhà nước như các Sở giao thông vận tải địa phương, Tổng cục Đường bộ và các cơ quan Bộ GTVT. Đồng thời, chúng tôi cũng sửa Nghị định về điều kiện kinh doanh vận tải trong đó tăng cường điều kiện đảm bảo an toàn giao thông.
Vụ tai nạn thương tâm ở Bát Xát, Lào Cai dường như là do nguyên nhân từ lỗ hổng quản lý giữa 2 chiều bến bãi, khi chiếc xe bị nạn không được lưu thông trên cung đường này nhưng vẫn ngang nhiên xuất phát. Ai sẽ là người chịu trách nhiệm về sinh mạng của hàng chục con người đã ra đi oan ức như vậy, thưa Bộ trưởng?
Trong các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước không có lỗ hổng nào cả. Trách nhiệm này trước hết là của chủ doanh nghiệp vận tải, lái xe đã không tuân thủ quy định đi xe không đúng luồng tuyến, chở quá số người quy định, chạy xe quá tốc độ dẫn đến tai nạn.
Và trách nhiệm trực tiếp là Sở GTVT Hà Nội là nơi đã cấp phép kinh doanh, cấp phù hiệu xe cũng như thỏa thuận về tuyến luồng. Khi cấp như vậy Sở phải có trách nhiệm giám sát qua hộp giám sát hành trình đảm bảo xe đi đúng luồng, đúng tuyến.
Sở GTVT Lào Cai phải chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát các phương tiện lưu thông trên địa bàn tỉnh. Các lực lượng tuần tra cũng phải chịu trách nhiệm về việc kiểm tra, xử lý kịp thời các vi phạm.
Nếu chúng ta làm tốt việc này chắc chắn xe chỉ được lên Lào Cai sẽ không thể lên Sapa và vụ tai nạn sẽ không xảy ra.
Một người dân ở Hải Phòng cho biết trạm cân lưu động ở trạm thu phí Quán Toan, Hải Phòng hoạt động đến 21 giờ tối, nhưng rất nhiều xe quá khổ, quá tải thì không vào trạm cân mà cứ chạy thẳng cửa thu phí, không thấy ai nhắc nhở. Những xe này phá nát cả đường, Bộ trưởng xuống mà xem, mắt thường cũng thấy rõ. Vậy xin hỏi Bộ trưởng sẽ có những biện pháp gì để ngăn chặn dứt điểm thực trạng này?
Đây là “cuộc chiến” hết sức cam go giữa các lợi ích, chúng ta quyết tâm bảo vệ bằng được hạ tầng cũng như chất lượng an toàn giao thông. Sắp tới việc kiểm soát xe quá trọng tải sẽ được thực hiện một cách quyết liệt hơn, đồng bộ hơn, đến khi nào hết vượt tải trọng thì thôi.
Tập trung vào nâng cao chất lượng chống tiêu cực trong kiểm soát tải trọng phương tiện, ở đây chính là lực lượng thực thi công vụ cảnh sát giao thông và thanh tra giao thông, tránh tình trạng tiêu cực, bảo kê cho các phương tiện vượt trạm cân.
Đồng thời, tăng mức phạt tối đa, phạt lũy tiến đối với việc chở quá tải trọng. Chúng tôi cũng sẽ lắp thêm các trạm cân cố định tại những trạm thu phí BOT, xử phạt nguội...
Trước đây, xe quá tải phải hạ tải nên gặp phải lý do không có cẩu, không có bến bãi nhưng bây giờ chủ phương tiện phải quay lại để hạ tải bằng mọi cách rồi mới cho lưu thông.
Tóm lại, việc thực hiện kiểm soát tải trọng phương tiện thời gian tới sẽ được thực hiện quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn, lâu dài, kiên trì để đảm bảo an toàn giao thông, kết cấu hạ tầng giao thông.
Một bạn đọc làm việc trong ngành hàng không đã nghỉ hưu cho rằng việc nghiên cứu đường bay vàng, có thể giảm cả vài chục phút bay, tiết kiệm được gần 300 triệu USD mỗi năm, giá dịch vụ cũng có thể được rẻ hơn, là một tin rất đáng mừng. Tuy nhiên, với đường bay thẳng thì sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất có đáp ứng được hay không?
Trước hết, phải nói rằng không có đường bay vàng nào cả mà là đường bay thẳng nằm trong các giải pháp mà Bộ GTVT đang triển khai.
Thực ra đường bay này đã được nghiên cứu từ lâu nhưng vì điều kiện chưa chín muồi để tiếp tục nghiên cứu. Đến nay với điều kiện hội nhập, đặc biệt là việc chúng ta ký Hiệp định hàng không với các nước.
Đường bay thẳng đặt mục tiêu an toàn là số 1, hiệu quả cho các doanh nghiệp, chi phí giảm bớt thì chắc chắn người dân sẽ được hưởng.
Tất nhiên, để làm được việc này thì các sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất đã đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn hạ tầng để thực hiện các chuyến bay thẳng này.
Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
Theo Khám phá