BS. Vũ Văn Cẩn, một sự nghiệp vì sức khỏe bộ đội và nhân dân

12-10-2015 07:29 | Thời sự
google news

SKĐS - Ngày 15/10/2015, ngành y tế long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 100 năm Ngày sinh cố Bộ trưởng Bộ Y tế, Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân, Thiếu tướng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần - BS. Vũ Văn Cẩn - người chiến sĩ cộng sản kiên cường,

Ngày 15/10/2015, ngành y tế long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 100 năm Ngày sinh cố Bộ trưởng Bộ Y tế, Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân, Thiếu tướng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần - BS. Vũ Văn Cẩn - người chiến sĩ cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo ngành y tế có uy tín. Là những học trò, những đồng nghiệp kế tiếp của BS. Vũ Văn Cẩn, chúng ta tưởng nhớ đến những cống hiến to lớn của ông đối với sự nghiệp bảo vệ sức khỏe bộ đội và nhân dân trong công cuộc cách mạng của Đảng và của dân tộc, cũng như những kỷ niệm thân thương mà ông đã để lại cho bạn bè, đồng chí và đồng nghiệp.

BS. Vũ Văn Cẩn, một sự nghiệp vì sức khỏe bộ đội và nhân dân
Chủ tịch Hồ Chí Minh nghe BS. Vũ Văn Cẩn giới thiệu các hiện vật tại Triển lãm Quân y (1959).

BS. Vũ Văn Cẩn sinh ngày 15/10/1915 trong một gia đình nhà nho nghèo, giàu lòng nhân đức, hiếu học. Từ nhỏ ông là một học sinh rất chuyên cần, học giỏi và có chí tiến thủ. Năm 1936, ông học tại Trường đại học Y Dược khoa Hà Nội, tốt nghiệp bác sĩ chuyên khoa về mắt năm 1943. Thời kỳ này ông tham gia các hoạt động rất sôi nổi trong Tổng hội Sinh viên, vận động sinh viên, học sinh tham gia phong trào truyền bá quốc ngữ, tuyên truyền nếp sống vệ sinh trong cộng đồng nhân dân lao động.

BS. Vũ Văn Cẩn, một sự nghiệp vì sức khỏe bộ đội và nhân dân
BS. Vũ Văn Cẩn.

Cách mạng Tháng Tám thành công, ông gia nhập quân đội. Ngày 2/9/1945, BS. Vũ Văn Cẩn được Chủ tịch Hồ Chí Minh bổ nhiệm làm Giám đốc Ban Y tế Vệ quốc đoàn Trung ương. Đầu năm 1946, ông được bổ nhiệm là Cục trưởng Cục Quân y, năm 1948 được phong quân hàm Đại tá, đầu năm 1965 là Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần kiêm Cục trưởng Cục Quân y, năm 1974 được phong quân hàm Thiếu tướng. BS. Vũ Văn Cẩn là đại biểu Quốc hội khóa IV, V, VI, VII; là Thứ trưởng Bộ Y tế (1960 - 1970), Bộ trưởng Bộ Y tế (1971 - 1982). BS. Vũ Văn Cẩn từ trần ngày 13/6/1982.

Cuộc đời của ông gắn liền với sự nghiệp bảo vệ sức khỏe nhân dân và quân đội trong suốt thời gian dài đầy khó khăn, biến động của cách mạng.

 Nghĩa cử cao cả với cách mạng 

Sau ngày nước nhà độc lập, BS. Vũ Văn Cẩn bắt tay vào xây dựng ngành quân y trong khó khăn và thiếu thốn. Dụng cụ, thuốc men ban đầu lấy từ phòng mạch cũ của ông và vận động các đồng nghiệp ủng hộ và mua ở các hiệu thuốc ở Hà Nội.

BS. Vũ Văn Cẩn, một sự nghiệp vì sức khỏe bộ đội và nhân dân
Bộ trưởng Bộ Y tế - BS. Vũ Văn Cẩn và Bộ trưởng Quốc phòng - Đại tướng Văn Tiến Dũng thăm Triển lãm Kỷ niệm 35 năm ngành quân y  (1981).

Giữa năm 1946, ngành quân y rất thiếu thuốc và các phương tiện để cứu chữa thương bệnh binh. Theo đề xuất của DS. Hoàng Xuân Hà, ông cử DS. Hà đi Hồng Kông tìm mua thuốc. Nhưng Nhà nước không có tiền, Cục trưởng Vũ Văn Cẩn đã vận động vợ ông, bà Từ Thị Giốc mang số tư trang bằng vàng, kể cả nhẫn cưới đựng trong một túi vải nhỏ giao cho DS. Hà mang đi Hồng Kông. Tại Hồng Kông, đông đảo Việt kiều hướng về Tổ quốc, đã quyên góp ủng hộ hàng chục tấn nguyên liệu, thuốc sát trùng, thuốc sốt rét chuyển về nước.

DS. Hoàng Xuân Hà đưa lại cái túi vàng cho BS. Vũ Văn Cẩn,  ông chỉ lấy lại cái nhẫn cưới, trao lại cho vợ, số vàng còn lại ông nói DS. Hà đem nộp  lên Văn phòng Chính phủ.

Người có công xây dựng ngành quân y

Cục trưởng Cục Quân y Vũ Văn Cẩn đã có công lớn xây dựng nền y học quân sự Việt Nam ngay từ những  ngày cách mạng thành công với 2 nhiệm vụ cơ bản: bảo vệ sức khỏe cho quân đội, cứu chữa, điều trị cho thương bệnh binh, với các phương châm sáng tạo để chỉ đạo có hiệu quả mọi hoạt động của ngành trong suốt ba cuộc kháng chiến và trong xây dựng hòa bình.

Phương châm đầu tiên là: “Lấy chính trị, tư tưởng làm gốc” với quan điểm người chiến sĩ quân y trước hết phải là người kiên định, có đạo đức phẩm chất và tình thương của người thầy thuốc với các đối tượng phục vụ là chiến sĩ, thương binh, bệnh binh và người lao động. Mỗi cán bộ phải phấn đấu không ngừng để trở thành người thầy thuốc giỏi, đồng thời phải “như người mẹ hiền” theo lời dạy của Bác Hồ, lấy Đức làm gốc, lấy Tài làm trọng... Từ đó, ông đã tổ chức và đào tạo nên một đội ngũ cán bộ quân y gồm hàng nghìn thầy thuốc vừa hồng vừa chuyên cho quân đội, cho các chiến trường.

Phương châm thứ hai “Lấy dự phòng làm chính”, xây dựng phong trào vệ sinh phòng bệnh và vui sống trong quân đội. Ông rất quan tâm và thường trực tiếp chỉ đạo việc kết hợp giữa y học hiện đại với y học cổ truyền dân tộc, lấy y học cận lâm sàng hiện đại bổ sung hiệu quả cho điều trị y học cổ truyền.

Ông chú ý nghiên cứu, tiếp thu những tinh hoa của nền y học Xô Viết, những thành công trong quân y bảo đảm chiến đấu của giải phóng quân Trung Quốc và qua các lần rút kinh nghiệm tại các chiến dịch và các chiến trường, ông đã ứng dụng sáng tạo, bảo đảm quân y theo cách của Quân đội nhân dân Việt Nam.

BS. Vũ Văn Cẩn là người tổ chức việc kết hợp quân dân y trong công tác phòng bệnh, khám chữa bệnh trong kháng chiến và trong xây dựng hòa bình. Một công tác mang lại nhiều lợi ích cho quân và dân ta, đặc biệt với y tế vùng sâu, vùng xa, biển đảo. Ngày nay, chương trình kết hợp quân dân y đã đi vào cuộc sống, đã là chủ trương lớn của Nhà nước ta nhằm tăng cường bảo vệ sức khỏe quân đội và nhân dân, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân. Đây cũng là sự kết hợp độc đáo của nước ta trong việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Thiếu tướng, Cục trưởng Cục  Quân y Vũ Văn Cẩn đã tham gia công tác bảo quản, gìn giữ thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh sau khi Người qua đời (1969). Ông đã lãnh đạo toàn ngành y tế Việt Nam tập trung sức người và sức của đáp ứng các yêu cầu của các chiến trường và cuộc Tổng tiến công Mùa Xuân 1975, giành độc lập và thống nhất Tổ quốc.

Người Bộ trưởng Y tế tận tụy

Với phương châm “Điều trị toàn diện và an toàn”, ông yêu cầu người thầy thuốc khi chữa trị cho người bệnh cần phải hiểu người bệnh, biết được tâm tư, tình cảm và suy nghĩ của người bệnh.

Phương châm sau cùng “Cần kiệm xây dựng ngành, chống tham ô lãng phí” xuất phát từ mong muốn của ông là xây dựng cho được người thầy thuốc có đầy đủ nhân cách, không xâm phạm công quỹ, tài sản của quân đội và Nhà nước, thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”.

Bộ trưởng Vũ Văn Cẩn còn quan tâm việc củng cố và nâng cao trình độ các viện, các chuyên khoa đầu ngành, công tác dược vật tư, trang thiết bị y tế. Sau ngày đất nước thống nhất, ông tích cực đôn đốc đẩy mạnh các phong trào y tế xã, huyện ở các tỉnh miền Nam, nên chỉ một vài năm sau ngày giải phóng, y tế miền Nam đã có những bước tiến rõ rệt, nhanh chóng hòa nhập với các hoạt động của ngành.

BS. Vũ Văn Cẩn, một sự nghiệp vì sức khỏe bộ đội và nhân dân
BS. Vũ Văn Cẩn với cán bộ Trạm Vệ  sinh phòng dịch tỉnh Quảng Ninh (1970) .

Năm 1977, ông đã chỉ đạo phát động phong trào thi đua 5 dứt điểm, thực hiện 5 mục tiêu quan trọng của ngành y tế, với tiêu chuẩn và chỉ tiêu cụ thể. Phong trào thi đua đã phát triển sôi nổi và rộng khắp tại các vùng, có chiều sâu và  mang lại hiệu quả thiết thực. Đây là một bước phát triển đáng ghi nhớ trong quá trình xã hội hóa công tác bảo vệ sức khỏe nhân dân, là một thắng lợi đáng tự hào của đường lối y tế của Đảng và cũng là một trong những đóng góp quan trọng của ông vào sự nghiệp y tế nước ta.

BS. Vũ Văn Cẩn (1915-1982) đã được tặng thưởng: Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Quân công hạng Nhì, Huân chương Chiến công hạng Nhất, các Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba và danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân.

Bộ trưởng Vũ Văn Cẩn là nhà lãnh đạo ngành với nhiều đức tính cao đẹp. Nổi bật trong ông là sự nhạy cảm, tinh tế, có tầm nhìn xa trông rộng, bao quát nhiều mặt, làm việc khoa học, luôn nắm chắc khâu kế hoạch và tổ chức cán bộ, chú ý đặc biệt đến công tác đào tạo, bồi dưỡng rèn luyện và sử dụng cán bộ, công tác nghiên cứu khoa học, phân công nhiệm vụ cụ thể và thường xuyên giám sát, kiểm tra... Ông sống rất chân tình, nhân hậu, vị tha, tin cậy và thương yêu cán bộ. Ông để lại trong anh chị em quân dân y nhiều ấn tượng sâu sắc và nhiều tình cảm tốt đẹp.

Là một cán bộ quân đội, một trí thức yêu nước, BS. Vũ Văn Cẩn đã đem hết nhiệt tình và tài năng phục vụ Tổ quốc, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe bộ đội và nhân dân. Tên tuổi và sự nghiệp của Bộ trưởng Y tế, BS. Vũ Văn Cẩn sẽ còn sống mãi với thời gian, là niềm tự hào của ngành, là tấm gương cho nhiều thế hệ thầy thuốc hiện nay và mai sau.

Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh cố Bộ trưởng Vũ Văn Cẩn, ôn lại cuộc đời và sự nghiệp, công lao và phẩm chất, đạo đức cách mạng của ông, chúng ta trân trọng bày tỏ lòng biết ơn chân thành đối với ông. Nhân dịp này, chúng ta cũng thành kính tưởng nhớ tới bà Từ Thị Giốc, người bạn đời, người vợ thân yêu của BS. Vũ Văn Cẩn. Ông và bà đã động viên, giúp đỡ nhau trên những chặng đường khó khăn gian khổ của hai cuộc kháng chiến, bà đã hết lòng chăm sóc ông, giúp ông hoàn thành nhiều nhiệm vụ mà Nhà nước tín nhiệm giao cho. Các con của ông bà đều học hành thành đạt, có hai con trai là Đại tá trong quân đội.

Học tập, noi gương cố Bộ trưởng Vũ Văn Cẩn và các thế hệ cha anh, cán bộ ngành y tế nguyện sẽ tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa sứ mệnh vẻ vang mà Đảng, Nhà nước và nhân dân đã tin tưởng giao phó trong sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến - Ủy viên BCH Trung ương Đảng - Bộ trưởng Bộ Y tế

 

 

 

 


Ý kiến của bạn