Hà Nội

Brucella: Nguyên nhân, biểu hiện, cách điều trị và phòng bệnh

21-10-2024 06:42 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Brucella là một bệnh truyền nhiễm lây từ động vật sang người qua đường tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với động vật hoặc các sản phẩm từ động vật bị nhiễm bệnh.

1. Nguyên nhân gây Brucella

Bệnh Brucella là một căn bệnh được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau như sốt Địa Trung Hải, sốt Malta,... Con người là vật chủ tình cờ của vi khuẩn Brucella, tuy nhiên bệnh Brucella hiện nay vẫn là mối lo ngại lớn về sức khỏe cộng đồng trên toàn thế giới và là bệnh nhiễm trùng từ động vật phổ biến nhất.

Brucella là một chi vi khuẩn Gram âm, chúng sống trong cơ quan sinh sản của động vật kí chủ, gây sẩy thai và vô sinh.

Chúng được thải ra môi trường với số lượng lớn thông qua nước tiểu, sữa, dịch nhau thai và các chất dịch khác của động vật.

Có 12 loài đã được xác định, được đặt tên chủ yếu theo nguồn gốc động vật hoặc đặc điểm lây nhiễm. Trong số đó, 4 loài sau có khả năng gây bệnh ở người ở mức độ từ trung bình đến nặng.

  • Đối với brucella melitensis: Từ cừu, có khả năng gây bệnh cao nhất
  • Đối với brucella suis: Từ lợn, có khả năng gây bệnh cao

  • Đối với brucella abortus: Từ gia súc khác, khả năng gây bệnh trung bình
  • Đối với brucella canis: Từ chó, có khả năng gây bệnh trung bình
Brucella: Nguyên nhân, biểu hiện, cách điều trị và phòng bệnh- Ảnh 1.

Bệnh Brucella lây truyền qua tiếp xúc với động vật bị nhiễm bệnh hoặc các sản phẩm sữa chưa tiệt trùng.

Bệnh Brucella lây truyền qua tiếp xúc với động vật bị nhiễm bệnh hoặc các sản phẩm sữa chưa tiệt trùng và có thể mắc bệnh brucella qua những con đường như sau:

  • Uống sữa thô hoặc ăn pho mát, kem hoặc các sản phẩm sữa khác chưa tiệt trùng. Động vật bị nhiễm bệnh tạo ra sữa bị nhiễm bệnh. Tuy nhiên, phương pháp thanh trùng sẽ tiêu diệt vi khuẩn này nên có thể uống sữa từ cừu, dê, bò một cách an toàn ngay cả khi chúng mắc bệnh Brucella.
  • Tiếp xúc với thịt hoặc dịch tiết của động vật bị nhiễm bệnh. Brucella có thể xâm nhập vào cơ thể qua các vết thương trên da hoặc qua mắt, mũi, miệng.
  • Hít phải Brucella từ không khí, thường là từ thịt hoặc máu của động vật bị nhiễm bệnh. Đây là một rủi ro đối với người làm việc với Brucella trong phòng thí nghiệm hoặc làm việc ở trang trại, lò mổ hoặc nhà máy đóng gói thịt.

Mặc dù khả năng lây truyền từ người sang người rất khó xảy ra nhưng vẫn có những trường hợp lây truyền Brucella rất hiếm. Bệnh có thể lây truyền từ mẹ sang con hoặc qua việc cho con bú và thông qua quan hệ tình dục.

2. Triệu chứng bệnh Brucella

Biểu hiện của bệnh Brucella có thể khởi phát một cách đột ngột hoặc âm ỉ. Một số triệu chứng của bệnh thường gặp như:

  • Ban đầu người bệnh có những biểu hiện như sốt, rét run, đổ mồ hôi, ớn lạnh.
  • Sau khi phát bệnh, nếu không đi khám và điều trị, người bệnh sẽ có các triệu chứng như sút cân, cơ thể mệt mỏi, nhanh đuối sức khi làm việc.
  • Ngoài ra còn kèm theo các triệu chứng khác như đau khớp, đau lưng, đau cơ bắp, đau đầu, đau bụng. Ở nam giới có một số trường hợp xuất hiện viêm tinh hoàn. Nếu không chữa trị, để bệnh thành mạn tính, người bệnh sẽ xuất hiện các cơn sốt xen kẽ với các đợt không sốt trong thời gian dài.
  • Thực tế, dấu hiệu nhận biết bệnh Brucella thường không rõ ràng, xuất hiện một cách nghèo nàn nên người bệnh cần theo dõi các triệu chứng và đi khám khi có hiện tượng bất thường để điều trị sớm và dứt điểm.

Bệnh Brucella khi không điều trị để kéo dài trở thành bệnh mạn tính có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như:

  • Tổn thương xương
  • Tổn thương khớp như viêm đĩa đệm, viêm khớp mủ
  • Viêm nội tâm mạc
  • Viêm màng não

3. Bệnh Brucella có lây không?

Bệnh Brucella là bệnh lý nhiễm trùng lây truyền từ động vật sang người với tác nhân gây bệnh là do vi khuẩn Brucella.

Brucella xuất hiện trong sữa của động vật bị nhiễm bệnh, nếu nguồn sữa đó không được tiệt trùng hoặc không đảm bảo thì khi chế biến thành các sản phẩm như sữa tươi, bơ, pho mai, kem có thể lây truyền bệnh sang người sử dụng.

Brucella cũng xuất hiện trong các mô, cơ quan của động vật nhiễm bệnh. Việc sử dụng thực phẩm từ thịt, nội tạng của động vật khi nấu chưa chín hoặc chưa chế biến kỹ làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

Brucella có thể xâm nhập vào cơ thể người qua các vết thương trên da khi các vết thương hở, bị trầy xước hoặc tiếp xúc nước tiểu, máu, dịch tiết, mô của động vật đang mang mầm bệnh. Ngoài ra cũng gặp một số trường hợp người bệnh mắc do hít phải vi khuẩn lưu hành trong không khí.

Bệnh Brucella không lây truyền từ người sang người. Một số trường hợp có thể lây từ mẹ sang con trong trường hợp sinh con hoặc qua sữa mẹ khi nuôi con bú.

4. Phòng ngừa bệnh Brucella

Để phòng ngừa bệnh Brucella, người dân nên thực hiện một số biện pháp sau:

Đối với gia súc gia cầm, động vật có nguy cơ gây bệnh cần tiêm vaccine đầy đủ và điều trị dự phòng bệnh Brucella cho động vật chưa mắc bệnh. Khi vật nuôi có dấu hiệu mắc bệnh cần được khử trùng, cách ly và tiêu hủy.

Đối với người tiếp xúc: Khi tiếp xúc với vật nuôi cần có các biện pháp bảo hộ. Khi vật bị bệnh cần thông báo, có các biện pháp xử lý và cách ly tránh làm lây lan dịch bệnh.

Bên cạnh đó, mọi người nên tập thể dục thường xuyên, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng và khoa học để nâng cao sức đề kháng của cơ thể. Khi phát hiện các triệu chứng bệnh cần đi khám để xác định bệnh và tiến hành điều trị sớm, kịp thời để tránh các biến chứng nguy hiểm sau này.

Dự phòng kháng sinh sau phơi nhiễm Brucella được khuyến cáo cho những bệnh nhân có nguy cơ cao (ví dụ những người tiếp xúc với động vật nhiễm bệnh hoặc các mẫu xét nghiệm) bằng doxycycline 100 mg phối hợp với rifampin 600mg một lần/ngày trong 3 tuần. Rifampin không được dùng với B.abortus (chủng RB51) vì chúng có khả năng đề kháng với rifampin. Miễn dịch sau khi nhiễm bệnh ở người chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, kéo dài khoảng 02 năm.

5. Điều trị bệnh Brucella

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo có thể điều trị bệnh Brucella bằng cách dùng Doxycycline 100 mg x 2 lần / ngày trong 6 tuần ; Streptomycin 1 g 12 đến 24 giờ trong 15 ngày. Có thể được thay thế bằng gentamicin 3-5 mg/kg/ngày trong 14 ngày. 

Đối với trẻ em có thể sử dụng trimetoprim/sulfamethoxazole (cotrimoxazole) kết hợp với aminoglycoside (streptomycin, gentamycin) hoặc uống rifampin trong 4-6 tuần. Tuy nhiên, điều trị tối ưu ở phụ nữ có thai, trẻ sơ sinh và trẻ em dưới 8 tuổi chưa xác định.

Bên cạnh đó cần điều trị tích cực các triệu chứng và biến chứng của bệnh. Sau khi điều trị qua giai đoạn cấp, người bệnh cần được bổ sung dinh dưỡng, nâng cao thể trạng, nghỉ ngơi để cơ thể hồi phục. 

Ngoài ra cũng cần theo dõi người bệnh tích cực trong vòng ít nhất 2 năm sau khi kết thúc điều trị để phát hiện trường hợp tái phát. Bệnh nhân tái phát thường vẫn đáp ứng tốt với phác đồ điều trị ban đầu.

Điều trị dự phòng bệnh do Brucella cho động vật chưa mắc bệnh: Đối với gia súc gia cầm, động vật có nguy cơ gây bệnh cần tiêm vaccine khác đầy đủ để giảm nguy cơ bệnh. Khi vật nuôi có dấu hiệu mắc bệnh cần được cách ly và tiêu hủy, khử trùng khi mắc bệnh.

Sốt xuất huyết tăng vọt, WHO triển khai Kế hoạch toàn cầu giảm gánh nặng bệnh tật và tử vongSốt xuất huyết tăng vọt, WHO triển khai Kế hoạch toàn cầu giảm gánh nặng bệnh tật và tử vong

SKĐS - Sự lây lan nhanh chóng của bệnh sốt xuất huyết và các bệnh do virus arbovirus khác trong những năm gần đây là một xu hướng đáng báo động đòi hỏi phải có sự phối hợp giữa các ngành và xuyên biên giới…


BS Nguyễn Văn Minh
Ý kiến của bạn