BRICS sẽ có định chế tài chính riêng

28-03-2013 14:16 | Quốc tế
google news

Hội nghị Thượng đỉnh nhóm các nước có nền kinh tế mới trỗi dậy (BRICS) đã khai mạc tại Durban Nam Phi. Ngay trong ngày họp đầu tiên, BRICS đã đạt thỏa thuận thành lập một ngân hàng phát triển chung nhằm mục đích cung cấp tài chính cho các dự án hạ tầng cơ sở lớn của các nước trong nhóm.

Hội nghị Thượng đỉnh nhóm các nước có nền kinh tế mới trỗi dậy (BRICS) đã khai mạc tại Durban Nam Phi. Ngay trong ngày họp đầu tiên, BRICS đã đạt thỏa thuận thành lập một ngân hàng phát triển chung nhằm mục đích cung cấp tài chính cho các dự án hạ tầng cơ sở lớn của các nước trong nhóm.
BRICS sẽ có định chế tài chính riêng 1
BRICS đến năm 2013 đã hình thành thị trường gần 3 tỷ dân.

Cuộc họp của lãnh đạo các nước nhóm BRICS gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi diễn ra 2 ngày. Hội nghị Thượng đỉnh BRICS lần này rất quan trọng đối với việc “định hướng lại” tương lai của các nước đang phát triển và thiết lập các nền kinh tế thế giới trong bối cảnh một số nền kinh tế có nguy cơ sụp đổ. Hội nghị sẽ thảo luận một loạt vấn đề mang tính chiến lược của nhóm các nền kinh tế chỉ có 5 thành viên nhưng chiếm tới 20% GDP toàn cầu, trong đó tập trung thảo luận kế hoạch thành lập Ngân hàng Phát triển chung nhằm hỗ trợ phát triển hợp tác Nam - Nam và một quỹ dự trữ ngoại tệ khẩn cấp của BRICS. Các nước BRICS cho rằng, những tổ chức tài chính như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF)... đã từ lâu không kịp thay đổi để đáp ứng với tình hình hiện tại. BRICS muốn xây dựng một trật tự tài chính và kinh tế thế giới công bằng hơn để thoát khỏi sự thống trị của các nước lớn, đặc biệt là ảnh hưởng quyết định của Mỹ đối với WB và IMF.

Bộ trưởng Tài chính Nam Phi Pravin Gorghan cho biết, các thành viên của BRICS đã đạt thỏa thuận thành lập ngân hàng phát triển riêng của nhóm, có khả năng cạnh tranh với Ngân hàng Thế giới. Về chi tiết liên quan đến ngân hàng mới, các lãnh đạo của nhóm sẽ thông báo sau. Thành lập ngân hàng riêng là một dự án lớn của nhóm BRICS. Dự tính ngân hàng mới này sẽ được cấp vốn khoảng 50 tỷ USD, tức mỗi nước đóng góp 10 tỷ. Định chế tài chính riêng của nhóm sẽ tập trung vào các chương trình đầu tư cho các công trình xây dựng hạ tầng cơ sở ở châu Phi, nơi mà Trung Quốc đang chiếm ưu thế ảnh hưởng. Các nước BRICS sẽ phải dự trù một phần khối lượng dự trữ ngoại tệ lớn, ước tính khoảng vài trăm tỷ USD để hỗ trợ lẫn nhau trong trường hợp xảy ra khủng hoảng bất ngờ. Hiện tại, dự trữ ngoại tệ của các nước BRICS lên tới 4.400 tỷ USD, trong đó đóng góp của Trung Quốc chiếm 3/4.

Trong suốt 20 năm qua, các nước thành viên BRICS luôn dẫn đầu thế giới về tăng trưởng kinh tế. Chỉ tính riêng trong năm 2012, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt mức 4%, trong khi các nước Nhóm các nền kinh tế phát triển (G-7) chỉ dừng ở con số khiêm tốn 0,7%. Kim ngạch thương mại giữa các nước BRICS và giữa BRICS với châu Phi dự kiến tăng từ 340 tỷ USD năm 2012 lên hơn 500 tỷ USD vào năm 2015. Thực tế cho thấy, mặc dù trong suốt 20 năm qua, các nước thành viên BRICS luôn dẫn đầu thế giới về tăng trưởng kinh tế nhưng “gộp lại” BRICS mới chỉ được chú ý bởi danh tiếng, chưa tỏ rõ được vai trò đầu tàu của mình trong một thế giới nhiều thách thức. Vì thế, đây là lý do khiến Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra lời kêu gọi cải tổ tại hội nghị lần này. BRICS nên chuyển từ diễn đàn đối thoại thành cơ chế phối hợp hành động chiến lược để tìm kiếm giải pháp cho những vấn đề then chốt của nền chính trị thế giới. Và để dẫn dắt thế giới, BRICS phải hành động chứ không nên chỉ cam kết chung như đã đưa ra tại hội nghị năm ngoái tại Ấn Độ.

(Theo Bloomberg, AFP)

Hương Trà

Trong khi các nước BRICS đang nhóm họp tại Nam Phi, Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (CNUCED) đã nhấn mạnh đến vai trò ngày càng lớn của BRICS trong lĩnh vực đầu tư trực tiếp. Theo một báo cáo của CNUCED, dòng vốn đổ vào 5 nước mới trỗi dậy trong thập kỷ qua đạt 263 tỷ USD. Năm ngoái, luồng vốn đầu tư của các nước BRICS ra nước ngoài đạt 126 tỷ USD, chiếm 9% tỷ trọng thế giới. 42% số vốn đầu tư trên được chuyển về các nước công nghiệp phát triển. Châu Phi là nơi đón nhận rộng rãi các luồng vốn từ các nước trong nhóm BRICS.

Theo báo cáo IMF, các nước BRICS đến năm 2013 đã hình thành thị trường gần 3 tỷ dân với GDP chung ước tính 14.900 tỷ USD. Tuy nhiên, với đà phát triển này, các nước đang phát triển hiện đều có chung một vấn đề, thiếu vốn, trong khi sản xuất và tạo việc làm đều cần vốn. Vì vậy, những lợi ích của Ngân hàng Phát triển BRICS sẽ giúp cung cấp nguồn vốn cần thiết để thúc đẩy thương mại quốc tế.


Ý kiến của bạn