Brexit kéo chính trường Anh lún sâu vào khủng hoảng

05-09-2019 15:26 | Quốc tế
google news

SKĐS - Chính trường Anh liên tiếp đón các “cú sốc” bắt đầu là quyết định Quốc hội treo của Thủ tướng Anh, sau đó các nghị sĩ Anh đồng loạt đòi đưa dự luật ngăn chặn kịch bản Brexit không thỏa thuận ra bỏ phiếu, “cú đánh” cuối cùng khiến cho cuộc khủng hoảng chính trị ở Anh đưa lên một nấc mới là Thủ tướng Anh cho biết sẽ tổ chức tổng tuyển cử sớm….

Chính trường Anh đã rơi vào mớ hỗn loạn khi không tìm được tiếng nói chung cho vấn đề Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit).  Cuộc khủng hoảng khiến bầu không khí chính trị ở Anh trở nên căng thẳng và bế tắc hơn bao giờ hết.

Dấu chấm hết cho chiến lược Brexit của tân Thủ tướng Anh

Quyết  định  quan trọng nằm trong chiến lược Brexit của Thủ tướng Anh là  tạm dừng hoạt động của Quốc hội Anh  đã vấp phải  sự phản đối mạnh mẽ của các đảng phái ở Anh.  Theo đó, Chính phủ có kế hoạch hoãn thời gian làm việc của cơ quan lập pháp nước này tới ngày 14/10 -  sát hạn chót Anh phải rời khỏi EU. Đây là toan tính của Nội các Anh để khiến phe phản đối Brexit không thỏa thuận không có đủ thời gian để chuẩn bị những thủ tục cần thiết cho các bước đi tiếp theo.

Thủ tướng Anh Johnson thất bại kép tại Hạ viện

Tuy nhiên “nước cờ hiểm” của Thủ tướng Anh đã không thành công, ông nhận lại một thất bại cay đắng khi Hạ viện Anh đã giành lại quyền kiểm soát Brexit, để ngăn cuộc chia tay không thỏa thuận. Với việc thông qua dự luật hoãn Brexit, dự luật này cần phải qua cửa Thượng viện tại cuộc bỏ phiếu vào ngàu 9/9 tới. Kế hoạch của Thủ tướng Anh chính thức bị đặt dấu chấm hết.

Để đáp trả cuộc bỏ phiếu chống lại quyết định của mình tại Hạ viện, Thủ tướng B.Johnson đã khai trừ những người của đảng Bảo thủ bỏ phiếu chống lại ông đồng thời đề nghị  tiến hành tổng tuyển cử sớm vào ngày 15/10. Việc khai trừ các nghị sĩ của đảng cầm quyền  được coi là “bước ngoặt” trên chính trường Anh, khoét sâu thêm mâu thuẫn trong nội bộ đảng Bảo thủ cầm quyền.  Ngay cả đề nghị tổng tuyển cử sớm, ông cũng bị Hạ viện bác bỏ hôm 4/9  vì không hội đủ 2/3 số ghế cần thiết.  Các đảng đối lập như Công đảng, đảng Dân chủ tự do và đảng Dân tộc Scotland ngay từ đầu đã không ủng hộ kế hoạch  bầu cử sớm của Thủ tướng.

Người dân Anh trông chờ vào quyết định của các nhà lãnh đạo về tương lai của Anh

Hạ viện Anh quyết định, trong trường hợp Anh và EU không đạt được  thỏa thuận vào ngày 19/10,  Anh sẽ  hoãn Brexit đến ngày 31/1/2020. Và không ai khác chính đương kim Thủ tướng sẽ là người  phải bày tỏ ý định này với các nhà lãnh đạo EU vào cuộc họp ngày 17/10 tới.

Nguy cơ Brexit cứng đang lớn dần

Theo Reuters, Brexit đã kéo nước Anh từ một quốc gia được coi là trụ cột của sự ổn định kinh tế và chính trị ở phương Tây đang “sa lầy” vào cuộc khủng hoảng dai dẳng và không lối thoát. Từ thời điểm quyết định Brexit, có 2 Thủ tướng Anh phải ra đi bao gồm ông David Cameron, và bà Theresa May. Giờ đây khi mới nhận “ghế nóng” của nước Anh chưa được bao lâu, vận mệnh chính trị  của Thủ tướng B.Johnson đang đứng trước tình thế khó khăn.

Chiến lược Brexit của Thủ tướng Anh thất bại hoàn toàn

Thủ tướng Anh đe dọa, nếu dự luật hoãn và đàm phán lại Brexit được thông qua, cử tri Anh sẽ phải đi bầu cử để chọn ra người đàm phán với Brussels vào ngày 17/10. Nếu tiếp tục giành được sự ủng hộ trong cuộc bầu cử tới, ông Johnson mới có thể xóa dự luật hoãn Brexit.

Rõ ràng, con đường tới Brexit ngày càng xuất hiện nhiều  “khúc quanh”,  chính bản thân người “chèo lái” cũng không nhận được sự ủng hộ ngay ở trong nước. Thủ tướng Anh cho biết nước này  đang đàm phán một thỏa thuận với EU nhưng kiên quyết  đưa nước Anh  ra đi “đúng thời điểm” kể cả phải lựa chọn “Brexit cứng”.

Về phần mình, các nhà lãnh đạo EU cho rằng, Anh không đưa ra bất cứ phương án thay thế nào cho cái gọi là “điều khoản chốt chặn Ireland” , điều này khiến Brexit  càng lâm vào tình thế khó khăn.  Cả Anh và EU đều xác định mở ngân quỹ chuẩn bị cho một cuộc chia tay không “thỏa thuận “ để giảm thiểu tác động kinh tế cả hai bên  khi Brexit không thỏa thuận nào.

Nếu chiều hướng này vẫn tiếp tục diễn ra, chính trường Anh sẽ còn tiếp tục phải đối mặt với những sóng gió mới, khiến cho tiến trình Brexit đứng trước những nguy cơ mới có thể là hoãn hoặc hủy bỏ, thậm chí có thêm một cuộc trưng cầu dân ý mới….


Hải Yến
Ý kiến của bạn