Hà Nội

Brexit: Hy vọng cuối cùng

02-10-2020 09:28 | Quốc tế
google news

SKĐS - Liên minh châu Âu (EU) và Anh bước vào vòng đàm phán cuối cùng về quan hệ thương mại giữa hai bên sau khi Anh rời khỏi “mái nhà chung” châu Âu (Brexit). Nhiều vòng đàm phán đã trôi qua mà hai bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung nên kỳ vọng có được thỏa thuận cuối cùng trong vòng 4 ngày đàm phán là vô cùng mong manh.

Kỳ vọng lớn

Liên minh châu Âu (EU) và Anh bắt đầu vòng đàm phán thứ 9 và cũng là vòng đàm phán cuối cùng về mối quan hệ thương mại giữa hai bên sau khi Anh rời EU, còn gọi là Brexit. Vòng đàm phán dự kiến diễn ra trong 4 ngày, kết thúc vào ngày 2/10, tập trung vào những vướng mắc chính liên quan vấn đề cạnh tranh công bằng và đánh bắt cá, thương mại hàng hóa và dịch vụ, năng lượng, hợp tác tư pháp. Trong đó, các quy định cạnh tranh và quyền đánh bắt cá gặp nhiều bất đồng nhất.

Trước cuộc đàm phán quan trọng được coi là “cơ hội cuối cùng” cho thỏa thuận thương mại Anh - EU hậu Brexit, cả EU và Anh cùng tuyên bố họ đang hướng tới cùng một mục tiêu chung là đạt thỏa thuận vào cuối tháng 10/2020, cho phép tiến trình phê chuẩn của Quốc hội diễn ra cả ở Anh và EU. Từ đó, giúp thỏa thuận có thể có hiệu lực vào ngày 1/1/2021, khi giai đoạn chuyển tiếp kết thúc. Sau vòng đàm phán này, các nhà lãnh đạo EU sẽ gặp nhau tại Hội nghị Thượng đỉnh EU vào  ngày 15 và 16/10 tới. Tại đây, các nhà lãnh đạo sẽ xem xét có thể có một thỏa thuận hay chuẩn bị cho một Brexit “gây thiệt hại nhất” vào cuối năm.

Tuy nhiên, “hiện thực không như là mơ”. Mới đây, Người phát ngôn của Thủ tướng Anh Boris Johnson nhận định, tình hình rất khó khăn cho dù các cuộc đàm phán không chính thức đã diễn ra tương đối tích cực, “vẫn còn nhiều việc phải làm”. Anh chỉ muốn có một hiệp định thương mại tự do nhưng “chúng tôi vẫn tiếp tục được yêu cầu phải chấp thuận các điều khoản không phản ánh thực tế với tư cách một quốc gia độc lập”. Người đứng đầu Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho rằng, các nền kinh tế của EU đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch nên EU sẽ cố gắng để không làm tăng thêm ảnh hưởng tiêu cực lên nền kinh tế và một thỏa thuận hậu Brexit vẫn có thể xảy ra.

BrexitCơ hội cuối cùng cho thỏa thuận thương mại Anh - EU hậu Brexit.

Con đường tới thỏa thuận Anh và EU ngày càng trắc trở

Về vấn đề cạnh tranh công bằng, EU cho rằng, nếu Anh không đảm bảo việc viện trợ nhà nước, việc làm, chính sách thuế tương đồng với quy định của EU khi Anh trở thành quốc gia độc lập với EU mà Anh vẫn tiếp tục trao đổi thương mại với EU khi nới lỏng các quy định nói trên sẽ khiến thị trường giao thương bị méo mó, không công bằng trong cạnh tranh. Về phần mình, Anh cho rằng làm như vậy sẽ khiến chủ quyền  của “xứ sở sương mù” bị ảnh hưởng. Trong lĩnh vực đánh bắt cá, cả hai bên cũng chưa tìm được “con đường chung”, trong khi  EU là duy trì mối quan hệ gần gũi với mối quan hệ hiện có thì London mong muốn sẽ đàm phán hằng năm về hạn ngạch với các nước trong khối. Cụ thể, Anh đã đưa ra thời gian chuyển tiếp 3  năm cho các đội tàu đánh cá châu Âu, theo đó, sản lượng đánh bắt của ngư dân EU sẽ được giảm dần từ năm 2021 đến năm 2024 để có thời gian cho các cộng đồng ven biển châu Âu thích ứng với những thay đổi.

Trước vòng đàm phán cuối cùng giữa Anh và EU, các bên không đưa ra được quyết định “mở đường” cho thỏa thuận tương lai mà ngược lại cả Anh và EU đều chỉ khiến cho đàm phán thêm bế tắc. Đó là vào ngày 29/9, Anh thông qua dự luật Thị trường nội địa nhằm kiểm soát thị trường trong nước bất chấp những đe dọa pháp lý từ EU.

Các chuyên gia nhận định, nếu Anh rời khỏi EU mà không kèm theo một thỏa thuận thương mại phù hợp, hoạt động thương mại giữa Anh và các nước EU đã khó khăn sẽ càng thêm trở ngại, thậm chí có khả năng “đốn hạ” cả nền kinh tế Anh và EU trong bối cảnh các quốc gia đang “gồng mình” trước tác động của đại dịch COVID-19. Nếu kịch bản này xảy ra, các doanh nghiệp của cả Anh và EU sẽ phải hoạt động dựa trên quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), doanh nghiệp hai bên sẽ chịu thuế quan và hạn ngạch cao hơn. Dẫn ý kiến của các nghị sĩ Anh trên tờ Indepent (Anh) cho rằng, thương mại  sẽ là trở thành “những cuộc chiến mỗi ngày”, chi phí thương mại sẽ bị “đội” lên bằng những con số khổng lồ... Đây là viễn cảnh cả Anh và EU đều không mong muốn.

 


Trần Hải
Ý kiến của bạn