Trong các bình luận đưa ra ngày 18/3, Chủ tịch Hạ viện John Bercow cho rằng Chính phủ Anh không thể tiếp tục đưa những đề xuất vốn đã bị bác bỏ 2 lần trước đó ra bỏ phiếu. Ông kết luận rằng việc Chính phủ Anh bê nguyên đề xuất cũ hoặc về cơ bản giống đề xuất cũ ra bỏ phiếu lần ba là không hợp lệ, viện dẫn tiền lệ từ năm 1604, theo đó quy định của quốc hội nêu rõ những đề xuất về cơ bản vẫn được giữ nguyên thì không thể mang ra bỏ phiếu tại hạ viện nhiều hơn một lần trong một kỳ họp.
Đây là lần đầu tiên trong hơn một thế kỷ qua, một chủ tịch Hạ viện Anh lật lại quy định này. Ông Bercow cũng nêu rõ rằng kết luận này không nên bị hiểu là quyết định cuối cùng và Chính phủ Anh vẫn có thể đề nghị bỏ phiếu với một đề xuất mới, không giống hệt những đề xuất đã được đưa ra và bị bác bỏ trong các cuộc bỏ phiếu lần lượt diễn ra giữa tháng 1 và cuối tháng 2 vừa qua. Lý giải về sự khác biệt nêu trong kết luận, ông Bercow cho rằng đó không phải là khác biệt trong câu chữ mà phải là khác biệt trong quan điểm và trong bối cảnh đàm phán với các bên khác ngoài nước Anh. Với vai trò là người trung lập và có quyền hạn, những phát ngôn của ông Bercow được đánh giá sẽ định hình những tiến triển tiếp theo của quá trình Brexit. Kết luận mới của ông được xem như một dấu hiệu cho thấy ông sẵn sàng can thiệp một cách mạnh tay để gia tăng tiếng nói của hạ viện trong vấn đề Brexit, vốn gây chia rẽ sâu sắc tại quốc gia này kể từ sau cuộc trưng cầu ý dân năm 2016.
Thủ tướng Theresa May đang chịu sức ép từ chức rất lớn
Tuyên bố của ông Bercow nhận được sự ủng hộ từ các nghị sĩ theo tư tưởng hoài nghi châu Âu trong đảng Bảo thủ cầm quyền của Thủ tướng May, có vẻ bởi kết luận này giúp gia tăng khả năng Anh rời EU mà không có thỏa thuận. Các nghị sĩ này luôn chỉ trích thỏa thuận Brexit mà Chính phủ Anh và EU đạt được hồi cuối năm ngoái khiến Anh duy trì quan hệ quá gần gũi với EU hậu Brexit, trong khi London lại không có quyền bỏ phiếu về bất kỳ vấn đề gì của khối.
Kết luận này được cho là một cú giáng mạnh vào những nỗ lực của Thủ tướng May khi bà vẫn đang cố gắng thuyết phục sự ủng hộ của các nghị sĩ đối với thỏa thuận Brexit trong cuộc bỏ phiếu lần ba, dự kiến diễn ra ngày 20/3. Văn phòng Thủ tướng Anh cho biết dù thông tin được đưa ra bất ngờ, nhưng Chính phủ Anh đã tiếp nhận và cân nhắc kết luận một cách kỹ lưỡng.
Cố vấn luật cấp cao của chính phủ Anh Robert Buckland nhận định Anh đang vướng vào một cuộc khủng hoảng hiến pháp. Ông cho rằng có một cách để mang thỏa thuận của bà May ra bỏ phiếu thêm một lần nữa tại hạ viện, đó là kết thúc kỳ họp hạ viện sớm hơn dự kiến và bắt đầu một kỳ họp mới.
Trong một diễn biến khác, đảng Bảo thủ đã hối thúc Thủ tướng May đưa ra lịch trình từ chức nếu muốn thuyết phục thêm phiếu ủng hộ thỏa thuận của bà. Nghị sĩ Julian Smith, nhân vật phụ trách kỷ luật nội bộ đảng Bảo thủ, tuyên bố rằng các nghị sĩ chủ trương Brexit trong đảng Bảo thủ sẽ chỉ bỏ phiếu ủng hộ thỏa thuận nếu biết chắc Thủ tướng May sẽ không phải là người dẫn dắt nước Anh tại các cuộc đàm phán vòng 2 với EU về tương lai quan hệ hai bên.Người phát ngôn của Thủ tướng Anh Theresa May cho biết cuộc đàm phán về việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, giữa bà May và đảng Hợp nhất Dân chủ (DUP), đảng chính trị lớn nhất Bắc Ireland, đang diễn ra ngày 18/3, trong bối cảnh các bộ trưởng tìm cách đạt được sự ủng hộ cần thiết để quốc hội thông qua thỏa thuận Brexit ở cuộc bỏ phiếu sắp tới.
Người phát ngôn trên cho biết bà May đã thảo luận với các nghị sĩ cuối tuần qua. Khi được hỏi về các thông tin truyền thông cho rằng một số nghị sĩ sẽ ủng hộ thỏa thuận của bà May nếu bà ấn định ngày bà sẽ từ chức, người phát ngôn trên cho biết thủ tướng chủ yếu tập trung vào việc đưa thỏa thuận Brexit vượt qua cuộc bỏ phiếu ngày 20/3 tới. Quan chức này cũng cho biết sẽ không có thêm các cuộc đàm phán với EU về điều khoản “chốt chặn” - đảm bảo biên giới mở giữa Ireland (một thành viên EU) với Bắc Ireland (một tỉnh của Anh).
Những nghị sĩ Bảo thủ theo phái hoài nghi châu Âu muốn một nhân vật thực sự ủng hộ Brexit trở thành "chủ nhân" Văn phòng số 10 phố Downing để giám sát các cuộc đàm phán về tương lai thỏa thuận thương mại với EU thay cho bà May. Hiện cựu Ngoại trưởng Anh Boris Johnson và cựu Bộ trưởng Brexit Dominic Raab được đánh giá là gương mặt có khả năng được lựa chọn cao.