Hà Nội

Brazil: Hai khuôn mặt trái ngược của một trái bóng

13-06-2014 15:00 | Tin nóng y tế
google news

Một đất nước với tiềm lực to lớn như thế có quyền tin rằng họ sẽ là chủ nhà thành công của sự kiện thể thao lớn nhất thế giới - World Cup.

Vòng chung kết giải vô địch bóng đá thế giới - World Cup ở Brazil là dịp để thế giới chứng kiến một cường quốc kinh tế đang phải vật lộn với những bất ổn xã hội.

Nói đến Brazil hầu như ai cũng nghĩ đến bóng đá. Nhưng Brazil không chỉ là một cường quốc bóng đá với năm lần vô địch thế giới, Brazil bây giờ còn là một cường quốc kinh tế. Là một đất nước rộng lớn, đứng thứ 5 thế giới cả về diện tích (8,5 triệu ki lô mét vuông) lẫn dân số (190 triệu người), Brazil hiện có nền kinh tế lớn thứ 7 thế giới với GDP gần 2.000 tỉ đô la Mỹ. Ở phía Tây bán cầu, Brazil chính là nền kinh tế lớn thứ 2 sau Mỹ, và có quy mô lớn hơn cả hai nền kinh tế xếp sau trong khu vực Mỹ La tinh là Mexico và Argentina cộng lại.

Nhưng khi giờ lăn của trái bóng tròn càng đến gần, sự ngờ vực dành cho Brazil cũng không hề ít.

Các nhà kinh tế học từ lâu đã chỉ ra rằng, các sự kiện thể thao lớn như Olympic, World Cup hay Euro bóng đá không phải là những phép mầu mà trong đa số trường hợp, nó trở thành gánh nặng. Thành phố Montreal của Canada phải mất gần ba thập kỷ mới trả hết số nợ do tổ chức Olympic năm 1976. Athens 2004 của Hy Lạp là sự khởi đầu cho cuộc khủng hoảng kinh tế-xã hội tồi tệ nhất trong lịch sử quốc gia này. Mới nhất, Euro 2012 đánh gục kinh tế Ukraine và góp phần đẩy đất nước này vào sự hỗn loạn.

Với Brazil, World Cup 2014 đến vào thời điểm không sáng sủa của đất nước được coi là “trang trại của thế giới” này. Số liệu mới công bố của Cơ quan Thống kê quốc gia Brazil - IBGE cho thấy nền kinh tế Brazil chỉ tăng trưởng 0,2% trong quí 1 năm nay, bằng một nửa quí 4-2013. Với tốc độ này, kinh tế Brazil năm 2014 được dự báo chỉ tăng trưởng ở mức 1,9%, thấp hơn mục tiêu khiêm tốn của chính phủ Brazil là 2,1%.

So sánh với bức tranh kinh tế chỉ cách đây vài năm thì những con số này thực sự đáng báo động. Năm 2010, kinh tế Brazil bùng nổ với tốc độ tăng trưởng 7,5%. Nhưng sự tụt dốc đến đột ngột, năm 2011 GDP chỉ tăng 2,7%, 2012 là 1% và 2013 là 2,5%. Các chỉ số hiện tại đều không khả quan: chi cho đầu tư giảm liên tiếp trong ba quí, sản xuất công nghiệp giảm 0,8%, tiêu dùng các hộ gia đình giảm lần đầu tiên trong ba năm, lạm phát tăng 6,1% trong 12 tháng qua và mới nhất, Standard&Poor’s đã hạ chỉ số tín nhiệm với Brazil từ “BBB” xuống “BBB-”.

Rất ít người tin rằng World Cup 2014 có thể tạo nên cú hích đối với nền kinh tế. Báo cáo của Chính phủ Brazil cách đây một năm cho rằng việc tổ chức World Cup có thể đóng góp cho Brazil 0,4% tăng trưởng trong giai đoạn 2014-2019, đồng thời tạo thêm 600.000 việc làm. Những con số đó cần thời gian để kiểm chứng trong khi những chi phí ngoài dự tính đã thành sự thực. Khi giành quyền đăng cai World Cup cách đây bảy năm,

Chính phủ Brazil tuyên bố họ sẽ chỉ đầu tư 3 tỉ đô la cho việc xây mới các sân vận động và cải tạo hạ tầng. Chi phí giờ đã đội cao hơn ít nhất 3 lần, lên trên 10 tỉ đô la Mỹ.

Quản lý kém, đặc biệt là tham nhũng được coi là thủ phạm chính. Có những câu chuyện khó tin về công tác tổ chức ở Brazil giờ xuất hiện trên khắp các mặt báo, như chuyện có tới 5 trong số 11 sân vận động đến bây giờ vẫn chưa hoàn thành hay như mặt sân Sao Paulo, nơi diễn ra trận khai mạc, giờ vẫn như một bãi cát. Đó là chưa kể các cuộc đình công, biểu tình ngày một xuất hiện nhiều hơn, đông hơn, làm tê liệt giao thông và tạo ra bất ổn an ninh.

Những điều này đáng lo ngại hơn nhiều những hệ lụy tiêu cực về kinh tế. Trong thời đại của thông tin, World Cup không chỉ cho thế giới thấy một Brazil thịnh vượng, đa dạng về văn hóa, cảnh quan thiên nhiên mà còn phơi bày một nước Brazil khác của đói nghèo, bất công và tội phạm.

Những favela - khu ổ chuột lớn nhất thế giới ở Rio de Janeiro đã bị trấn áp mạnh trước thềm World Cup, 170.000 nhân viên an ninh được triển khai nhưng đó chưa phải là bảo đảm để World Cup diễn ra trong an bình. Gốc rễ của câu chuyện nằm ở những bất công xã hội, bất bình đẳng thu nhập tồn tại quá lâu và không được giải quyết thỏa đáng với tiến trình phát triển kinh tế.

Năm 2008, 79% người Brazil muốn có World Cup ở quê nhà. Giờ đây, số này chỉ còn 48%, theo một thăm dò mới nhất đăng trên tờ Wall Street Journal.

Với một đất nước coi bóng đá là tôn giáo như Brazil, con số này nói được quá nhiều.

 

 

:


Ý kiến của bạn