Hà Nội

Bổng trầm cung bậc tình yêu trong Lục bát Nguyễn Đức Phước

15-09-2018 08:13 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - (Đọc tập thơ Lục bát của Nguyễn Đức Phước, NXB Hội Nhà văn, 2018)

Năm 2017, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Đức Phước, hội viên Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai là người duy nhất ở miền Đông Nam Bộ được vinh dự kết nạp Hội Nhà văn Việt Nam. Với “gia tài” 3 tập thơ, một số giải thưởng thơ ở Trung ương và địa phương, hơn trăm bài thơ in báo rải rác sau gần ba chục năm cầm bút, “lưng vốn” của thi sĩ Nguyễn Đức Phước đã là đáng kể.

Xuất hiện từ giữa những năm 1990, tiếng thơ Nguyễn Đức Phước hòa điệu vào bè thơ trẻ trung hiện đại cùng trang lứa (cuối 6X) với giọng riêng chân chất, nhiều tìm tòi, đằm thắm.

Trình làng tập thơ riêng thứ tư và cũng là “báo cáo” đầu tiên sau khi được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Nguyễn Đức Phước quay về với điệu hồn dân tộc: điệu lục bát dân dã mà sâu thẳm, giản dị mà cao sang với “đỉnh cao muôn trượng” là Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du cùng những câu ca dao giản dị, mộc mạc truyền đời của cha ông như những đóa hoa đồng nội luôn tươi tốt bất tử trong tâm hồn người Việt.

Có thể gọi tập thơ này của Nguyễn Đức Phước là tập thơ Lục bát tình yêu, bởi các bài thơ về đề tài tình yêu chiếm một tỷ lệ áp đảo (43 bài/67 bài) trong tập. Phần thơ viết về mẹ, cha, quê hương và cuộc sống hôm nay cũng tạo được dấu ấn nhất định.

Bổng trầm cung bậc tình yêu

Trong tình cảm của con người, tình yêu là thứ tình cảm luôn trẻ trung, thơ dại đến suốt cả đời người.

Văn hào Victor Hugo viết: Tình yêu là một phần tạo nên linh hồn. Yêu là ngọn lửa trong tim mỗi người, không giới hạn thời gian và không gian, không gì có thể ngăn chặn và hủy diệt. Con người luôn cảm thấy ngọn lửa tình yêu cháy tận xương tủy, thắp sáng tận chân trời.

Ta gặp trong Lục bát Nguyễn Đức Phước sự tự bạch rất hồn nhiên: Thế rồi một buổi chiều nao. Tôi đem cái thói ba đào ra phơi (Đa tình). Trái tim thi sĩ thường đa tình. Tình yêu không đi cùng với những gương mặt đạo đức giả, bí hiểm, đáng sợ. Tình yêu là sự chân thành, hết mình dâng hiến. Thơ về tình yêu khó hay khi nói về sự tròn đầy, viên mãn. Thật lạ lùng, thú vị là lâu đài thơ tình yêu phải dựng trên nền móng của những xa xót, trớ trêu, đau đáu, tiếc nuối, thương nhớ, chia ly,...

Từ những đớn đau, bất lực: Bẽ bàng đôi ngả chia ly. Để người lỡ chuyến đò đi... đành lòng. Tôi còn lại mớ bòng bong. Đem về rao bán giữa dòng sông đêm (Đa tình). Nỗi đau dai dẳng, trớ trêu: Dù gần mà chẳng gần nhau. Dẫu xa cũng chẳng xa đâu hỏi chào. Thẫn thờ vì ánh mắt trao. Vì bờ tóc rối gỡ nào được đâu. Phải chi em bước qua cầu. Cho tôi chìm với khổ sầu cũng nên (Vì rằng). Những nhói đau của kỷ niệm xưa: Dập dìu góc phố lặng im. Tháng năm xa cách, cố tìm lại đau (Đêm vàng bỏ quên). Cách đây ngót cả trăm năm, nhà thơ lớn Huy Cận đã để lại một thi phẩm Ngậm ngùi bất tử trong lòng nhiều thế hệ. Và bây giờ, là cung bậc ngậm ngùi của thi sĩ Nguyễn Đức Phước nhiều quyết liệt: Dập dìu trong giấc chiêm bao. Xe hoa, áo cưới ai rào cuộc vui. Đôi chân tê buốt bước lùi. Lần về cõi thực, ngậm ngùi cõi mơ (Ngậm ngùi).

Nhưng không chỉ có màu bi lụy, mặt bên kia của tình yêu là sự tươi sáng, tròn đầy. Tình yêu đích thực luôn đi cùng với sự đồng cảm, thấu hiểu, trân trọng: Nhặt trong ngọn gió đìu hiu. Lời yêu như đã vương nhiều tóc mây. Nhặt trong từng hạt mưa bay. Đôi bàn tay lấm trong tay muộn về. Bàn chân ai ấm đường quê. Ta ngồi nhặt những vụng về hôm xưa (Nhặt). Đầy trách nhiệm: Nửa em là bản tình ca. Khúc trầm khúc bổng ngân nga bốn mùa. Nửa em gió mát trăng lùa. Nửa anh thơ thẩn bến bờ đa mang... Thôi thì nửa khuyết nửa đầy. Cúi xin năm tháng đắp xây cho tròn (Nửa yêu). Đối với người yêu, người con trai luôn cảm thấy mình mắc một mối nợ đầy trách nhiệm: Nợ em tia nắng mai xuân. Tím nhòa hương sắc dãi dầm sương khuya... Nợ em bếp lửa đêm đông. Trái tim rét buốt nuốt dòng lệ rơi. Nợ em nợ một nụ cười. Giữa đời trắc trở, giữa lời dại khôn (̣)...

Nặng lòng với quê hương, xứ sở

Trở về bên sông Thạch Hãn - con sông thiêng trên quê hương, Nguyễn Đức Phước nặng lòng tri ân các anh hùng, liệt sĩ: Dòng xanh xuôi mãi bên triền. Lẵng hoa lắng xuống tạc niềm nhớ thương (Sông thiêng)

Đối với cha, mẹ - hai đấng thiêng liêng sinh thành, dưỡng dục, Nguyễn Đức Phước diễn đạt tình cảm theo lối riêng của mình. Anh khắc họa hình ảnh người mẹ kính yêu qua chiếc gót chân của người đàn bà Việt Nam tảo tần, đảm đang, thương chồng, chăm con “Lặng nghe gót mẹ nói gì gió sương”. Cha, mẹ đều khuất núi cho nên ta hiểu cảm giác xao xác trong trái tim anh: Nắng mưa mưa nắng bộn bề. Nôn nao một mảnh hồn quê không nhà (Lời cha). Anh thống kê, “tính sổ” lại quá nửa cuộc đời mình: Sợi nào bạc vì nắng mưa. Sợi nào bạc bởi chát chua sự đời? (Còn - mất). Từ trò chơi bong bóng của trẻ thơ, Nguyễn Đức Phước ngẫm nghĩ về cuộc đời thực với những trớ trêu, những niềm vui... bong bóng: Trẻ thơ vui lấy trò chơi. Biết đâu rơi rụng vợi vời mây xanh (Bong bóng bay)...

Con tim thi sĩ Nguyễn Đức Phước cũng có nhiều rung cảm về Đồng Nai - quê hương thứ hai anh gắn bó, mang ơn. Hồn anh ấm lại, rưng rưng với một khoảng miền Đông. Nơi xa tiếng máy ánh hồng vừa lên (Một khoảng miền Đông). Đất nước, con người Đồng Nai hiện ra ngay từ đầu trang thơ Nguyễn Đức Phước với đầy sự trân trọng, mến thương: Đồng Nai sông hát bao đời. Đôi bờ quyện chảy thành lời thi nhân. Nơi ấy, dung nạp bao con người, bao số phận “nổi trôi sông nước bến này bờ kia” nhưng đã được “phù sa níu giữ”. Tuy không phải đã hết những “ngược xuôi, xuôi ngược phong trần” nhưng đây là nơi “sông nước ngọt lành” nâng cánh cho sự phát triển, cho mỗi con người đổi thay số phận mình.

Nỗ lực trong sáng tạo nghệ thuật

Lời đề từ tập thơ, Nguyễn Đức Phước băn khoăn: Loay hoay hết một kiếp người. Câu thơ biết có còn lời mai sau? Người sáng tạo nào cũng chung nỗi niềm như vậy. Để lại một bài thơ, một câu thơ, một từ mới đã là quý báu. Nhắc nhở như thế để ngòi bút có trách nhiệm hơn, nỗ lực trong sáng tạo nghệ thuật.

Anh luôn tìm tòi ý mới, từ mới, làm mới ngôn ngữ thơ. Đối với mỗi người, dấu ấn đầu đời, những kỷ niệm về tuổi thơ bao giờ cũng được khắc ghi sâu nhất, theo ta suốt cả cuộc đời. Có nhiều cách nói, nhưng viết như thế này của Nguyễn Đức Phước là không thể lẫn:

Tuổi thơ

Thả cánh diều bay

Gió căng dây đứt

Tìm quay quắt

Tìm...

(Tìm)

Nhiều bài thơ bốn câu trong tập cấu tứ chặt chẽ, cô đúc, câu chữ mang vẻ đẹp hiện đại. Nguyễn Đức Phước đã cố tìm một hình thức mới cho câu lục bát truyền thống: cùng với làm mới trong câu từ, anh chẻ câu thơ lục bát, ngắt dòng, tạo nhịp điệu mới, tiết tấu mới,...

***

Với tập Lục bát, nhà thơ Nguyễn Đức Phước đã đem đến cho bạn đọc một vệt lục bát đậm đà, nhiều ấn tượng, để không phải ngẫu nhiên nhà thơ Trương Vĩnh Tuấn trong lời giới thiệu đã xếp anh vào hàng “tín đồ của thơ lục bát, tài hoa và nhân ái”. Chúc mừng thành công mới của anh!

Biên Hòa, tháng 8/2018


ĐÀM CHU VĂN
Ý kiến của bạn