Bỏng rát ở lưỡi và miệng là bệnh gì?
Bỏng rát ở lưỡi và miệng là hội chứng bỏng rát miệng. Đây là một tình trạng lành tính, với biểu hiện có cảm giác bỏng rát tại lưỡi, trên vòm khẩu cái trong miệng.
Bỏng rát miệng dẫn đến tình trạng khó ngủ, khó ăn, trầm cảm và lo lắng, ảnh hưởng tới sức khỏe và sinh hoạt của người bệnh. Bệnh thường gặp ở phụ nữ, chủ yếu sau khi mãn kinh, so với nam giới thì tỉ lệ là 7/1.
Một số nghiên cứu cho rằng hội chứng liên quan đến vấn đề về vị giác và dây thần kinh của hệ thần kinh, trào ngược dạ dày – thực quản.
Bệnh lý tại chỗ:
- Do tác dụng phụ của thuốc, bệnh lý tuyến nước bọt hay sau điều trị ung thư bằng xạ trị.
- Bệnh lý răng miệng như nấm miệng, liken phẳng miệng, lưỡi bản đồ.
- Dị ứng với thực phẩm, thuốc làm răng…
- Thói quen của bạn như cắn đầu lưỡi, tật nghiến răng, thở miệng…
- Do kích ứng miệng quá mức bởi sử dụng kem đánh răng không phù hợp, lạm dụng nước súc miệng hoặc sử dụng nhiều chất kích thích.
- Mang răng giả không là nguyên nhân, nhưng sẽ khiến các triệu chứng của hội chứng bỏng rát miệng trở nên tồi tệ hơn.
Ngoài ra, nguyên nhân dẫn tới hội chứng bỏng rát miệng còn do bệnh lý toàn thân, trong đó phải kể đến là:
- Sự thiếu hụt dinh dưỡng: Thiếu sắt, Vitamin nhóm B.
- Viêm dây thần kinh V, VII.
- Bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản.
- Rối loạn nội tiết trong bệnh lý tiểu đường hoặc suy giáp.
- Yếu tố tâm lý, chẳng hạn như lo lắng, trầm cảm, căng thẳng.
Biểu hiện của hội chứng bỏng rát miệng
Khi mắc phải hội chứng bỏng rát miệng, người bệnh có các biểu hiện sau:
- Có cảm giác bỏng rát hoặc vướng, thường xảy ra ở lưỡi, nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến môi, nướu, vòm miệng, cổ họng hay bất kì vị trí nào trong miệng.
- Có cảm giác khô miệng kèm theo khát nước.
- Xuất hiện sự thay đổi về vị giác trong miệng, mất vị giác.
- Ngứa ran, lâm râm, tê trong miệng.
- Sự khó chịu do hội chứng bỏng rát miệng có một số kiểu khác nhau:
+ Xảy ra hàng ngày, ít khó chịu khi thức dậy, nhưng trở nên tồi tệ hơn trong cả ngày.
+ Bắt đầu ngay khi thức dậy và kéo dài cả ngày.
Điều trị bỏng rát miệng và lưỡi như thế nào?
Tùy từng nguyên nhân, các bác sĩ sẽ có chỉ định phù hợp. Để điều trị triệu chứng bệnh nhân thường được khuyến cáo sử dụng sản phẩm thay thế nước bọt, nước súc miệng. Dùng thuốc giảm đau thông thường, thuốc giảm đau thần kinh, thuốc chống trầm cảm.
Liệu pháp nhận thức hành vi (Cognitive Behavioral Therapy) giải quyết nguyên nhân của sự lo lắng, trầm cảm và nguyên nhân dẫn đến các cơn đau mạn tính.
Để phòng tránh hội chứng bỏng rát miệng, cần chú ý đến sinh hoạt, trong đó tránh dùng các chất kích thích: Thuốc lá, đồ uống có cồn, thức ăn cay nóng và đồ uống có gas. Sử dụng nước hoặc những viên đá nhỏ lạnh để làm giảm cảm giác khó chịu ở miệng.
Tránh sử dụng các sản phẩm có bạc hà hay quế. Sử dụng các loại kem đánh răng phù hợp cho người nhạy cảm: Không có nhiều phụ gia, nhất là bạc hà hay quế.
Tránh để bản thân rơi vào trạng trái "stress", căng thẳng quá mức. Tham gia các hoạt động thể dục thể thao theo sở thích, yoga, thiền, nghỉ ngơi cùng gia đình và bạn bè. Tham gia các nhóm hỗ trợ giảm đau mạn tính.
Ngoài ra, cần vệ sinh răng miệng sạch sẽ, khoa học, cần khám sức khỏe định kỳ, trong đó chú trọng vấn đề răng miệng.