Bỗng nhiên tê người bên trái - Chớ xem thường

06-06-2020 10:14 | Y học 360
google news

SKĐS - Đôi khi chúng ta bị tê tạm thời một 1 phần cơ thể. Chẳng hạn, bị tê nhẹ ở tay, vai khi tỉnh giấc do ngủ với tư thế không phù hợp. Hay khi đứng, ngồi quá lâu, chân ta dường như tê bại. Nhưng khi tình trạng tê liệt xảy ra ở bên trái của cơ thể và kéo dài lại là dấu hiệu không thể coi thường.

Có nhiều bệnh trạng khác nhau có thể ảnh hưởng đến các dây thần kinh ngoại biên và dẫn đến tê liệt. Bất kỳ ai bỗng nhiên bị tê kéo dài hoặc nghi ngờ rơi vào một trong những bệnh lý tiềm ẩn dưới đây đều nên kiểm tra y tế để được điều trị thích hợp.

Đột quỵ nhẹ

Đột quỵ nhẹ là tình trạng máu ngưng chảy tới não trong một khoảng thời gian ngắn. Tuy nhiên, đột quỵ nhẹ không giết chết các tế bào não dù cũng gây ra các triệu chứng giống như đột quỵ và là một dấu hiệu cảnh báo những cơn đột quỵ thật sự có thể xảy ra trong tương lai. Nếu đột quỵ gây tê liệt bên trái cơ thể, có nghĩa là đột quỵ đã xảy ra trong vùng bán cầu não phải. Có rất nhiều người không nhận ra mình bị đột quỵ vì điều này xảy ra trong giấc ngủ và triệu chứng không quá nghiêm trọng, dường như chỉ là tê ở các bộ phận của cơ thể. Do đó, nếu sau khi ngủ dậy, cảm giác tê bì chân tay bên trái, hoặc có cảm giác ngứa ran cơ thể kéo dài mãi không hết, bạn nên đi khám và xin tư vấn bác sĩ.

Ít hoạt động

Khả năng vận động hạn chế hoặc thiếu vận động có thể gây tê nhẹ ở một bên cơ thể. Điều này phổ biến ở những cá nhân phải bất động ở một vị trí trong thời gian dài. Những tư thế này có thể bao gồm ngồi, nằm hoặc đứng. Tình trạng tê liệt có thể xảy ra với những người làm văn phòng bận rộn hoặc công nhân làm việc tại dây chuyền nhà máy, hoặc đơn giản là làm việc nhà trong một vị trí, tư thế quá lâu. Ngoài ra, những bệnh nhân tương đối bất động đang được chăm sóc dài hạn cũng có thể bị tê liệt cơ thể.  Hóa giải nguyên nhân này khá đơn giản: Hãy thay đổi vị trí hoặc di chuyển, vận động cơ thể để giúp cải thiện lưu thông máu và giảm tê.

Bỗng nhiên tê người bên trái Thiếu máu cục bộ gây đột quỵ não thoáng qua có thể gây tê người.

Khối u não

Một khối u trong não bên phải cũng có thể dẫn đến tê liệt. Nếu căn nguyên là khối u não, thì cảm giác tê liệt sẽ dần dần tiến triển theo thời gian. Điều này là do các dây thần kinh bị chèn ép nhiều hơn khi khối u phát triển. Một khối u được phát hiện càng sớm thì cơ hội điều trị càng cao, do đó không nên bỏ qua những dấu hiệu của nó, chẳng hạn như tê bên trái cơ thể.


Động kinh và đau nửa đầu

Co giật và đau nửa đầu là những dấu hiệu cho thấy có vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Thường thì 1 hoặc cả 2 triệu chứng này sẽ xảy ra trước khi tê bên trái cơ thể. Người bệnh thường bị tê trong vòng 60 phút sau khi bị đau nửa đầu hoặc co giật dữ dội. Các triệu chứng thường không kéo dài quá lâu nhưng chúng là dấu hiệu cho thấy nên đi khám và điều trị ngay.

Bệnh đái tháo đường

Bệnh đái đường với đường huyết tăng cao có thể dẫn đến tổn thương hệ thần kinh trung ương nếu không được điều trị trong thời gian dài. Hậu quả có thể là tê liệt. Ổn định đường huyết trong ngưỡng bình thường là rất cần thiết để phòng ngừa các biến chứng của bệnh, do đó cần tuân thủ điều trị với thuốc và các chế độ ăn uống, tập luyện khác.

Bệnh đa xơ cứng

Ở những người mắc bệnh đa xơ cứng, hệ thống miễn dịch tấn công myelin, vốn được gọi là “áo giáp bảo vệ” dây thần kinh dẫn đến tổn thương thần kinh, gây đau dữ dội và tê liệt. Các triệu chứng của bệnh đa xơ cứng có thể khác nhau tùy theo từng bệnh nhân và không phải tất cả đều sẽ bị tê liệt cùng với đau.

Dấu hiệu cảnh báo cần chú ý

Nhanh chóng bị tê ở mặt, chân hoặc cánh tay;

Đột nhiên thấy chóng mặt;

Mất thăng bằng hoặc phối hợp, khó đi hoặc đứng;

Đau đầu dữ dội mà không biến mất;

Nhìn đôi, mệt mỏi cực độ, nôn mửa;

Mất thị lực;

Huyết áp tăng đột biến;

Cơ bắp bị yếu;

Thay đổi tri giác;

Mất trí nhớ tạm thời;

Cơ thể ngứa ran;

Khó phát âm.

BS. Lê Trinh
Ý kiến của bạn